Sáng 12-8, sau phần khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.

 

Mở đầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Quy định để tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là nội dung còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, hoàn thiện.  Theo đó, có ý kiến đề nghị quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc cung cấp, kế thừa kết quả kiểm toán, thanh tra; có ý kiến đề nghị bổ sung quy định để giải quyết chồng chéo giữa thanh tra chuyên ngành của các Bộ, ngành và Kiểm toán nhà nước.  


Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Theo Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải, đây là vấn đề trọng tâm đặt ra yêu cầu sửa Luật Kiểm toán nhà nước đã được nêu rõ trong Nghị quyết 18-NQ/TW. Đồng thời hiện nay, việc chồng chéo giữa thanh tra các cấp và Kiểm toán nhà nước vẫn diễn ra, chưa khắc phục được. Trong khi đó, các quy định trong dự thảo luật còn chung chung, chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là để khắc phục tình trạng chồng chéo giữa Kiểm toán nhà nước với thanh tra chuyên ngành của các bộ và thanh tra địa phương.

“Vì vậy, dự thảo luật cần quy định rõ nguyên tắc phối hợp để tránh chồng chéo trong lập kế hoạch; nguyên tắc, cách thức xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và kế thừa kết quả của nhau giữa Kiểm toán nhà nước và thanh tra các cấp”, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nêu rõ.


Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Trong khi đó, Kiểm toán nhà nước cho rằng, Kiểm toán nhà nước và thanh tra Chính phủ đã ký kết và thực hiện Quy chế phối hợp và những nội dung đề xuất trong dự thảo luật đã bảo đảm xử lý chồng chéo giữa Thanh tra và Kiểm toán nhà nước. Vì vậy, đề nghị giữ như dự thảo luật.

Nêu ý kiến về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt vấn đề: Ai "điều hòa" khi có sự chồng chéo giữa hai cơ quan này? Đây là thẩm quyền của Quốc hội. Do đó, cần có quy định phù hợp để hai cơ quan thực hiện nhiệm vụ theo luật giao.


Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì nhấn mạnh, để giải quyết sự chồng chéo này thì trước hết Luật Kiểm toán Nhà nước phải minh định cái gì kiểm toán phải làm. Bên cạnh đó, trong thực tế vấn đề nào còn vướng mắc thì hai bên thực hiện theo cơ chế phối hợp, trường hợp không giải quyết được thì báo cáo lên cấp cao hơn. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đồng tình với một số quan điểm đề nghị lấy kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thông qua hằng năm làm chuẩn, các cơ quan khác căn cứ vào đó mà thực hiện để tránh chồng chéo.

Phản ánh thực tế các địa phương “kêu” nhiều về việc không kế thừa kết quả của nhau giữa thanh tra và kiểm toán gây khó khăn cho địa phương, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần một “trọng tài” giải quyết khi phát sinh sự chồng chéo giữa kiểm toán và thanh tra.

“Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, hiện nay, quy định trong dự thảo luật còn rất chung chung về việc tránh chồng chéo này nên chưa giải quyết được vấn đề một cách thực chất, nhất là chồng chéo giữa Kiểm toán nhà nước với thanh tra chuyên ngành các bộ, thanh tra địa phương”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết và đề nghị quy định rõ ràng hơn trong dự án luật để tránh chồng chéo, và nhất là việc thừa nhận kết quả kiểm toán của nhau.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thảo luận, thông qua hằng năm bằng Nghị quyết; đây là cơ sở rất quan trọng để các bên căn cứ vào đó mà thực hiện. Bởi trước khi trình Quốc hội, các cơ quan, trong đó có Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã có sự trao đổi. Còn trong quá trình thực hiện có phát sinh thì hai bên cần theo quy chế phối hợp cũng như cần cơ quan có thẩm quyền “điều hòa” mà cụ thể là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục