Sáng 11-9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp.

Công tác triển khai thi hành Hiến pháp thu được những kết quả tích cực

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định: Công tác triển khai thi hành Hiến pháp đã được tiến hành nghiêm túc, bài bản, toàn diện, bám sát yêu cầu, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 64/2013/QH13, Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 và thu được những kết quả tích cực.

Cụ thể, công tác phổ biến, tuyên truyền về nội dung và ý nghĩa của Hiến pháp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân được chú trọng thực hiện toàn diện, đồng bộ trong phạm vi cả nước, từ trung ương đến cơ sở, với nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu, gần gũi với người dân, thu được nhiều kết quả thiết thực. Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua đã từng bước đưa các quy định của Hiến pháp dần đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước; góp phần bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Đồng thời, thông qua triển khai thi hành Hiến pháp cũng góp phần nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân; tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn phát triển mới.

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp. Theo đó, việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu về nội dung của Hiến pháp tại một số cơ quan, đơn vị đôi khi còn mang tính hình thức, chưa đến được với đối tượng thực sự cần phổ biến; một số đạo luật đến nay vẫn chưa được ban hành theo kế hoạch dự kiến; một số nội dung của Hiến pháp đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa hoặc cụ thể hóa chưa đầy đủ; chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa đồng đều; tiến độ xây dựng một số dự án luật, pháp lệnh còn chậm...

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định tán thành với Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, qua 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp, việc triển khai thi hành Hiến pháp bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng trong từng nội dung, từng văn bản, từng việc cụ thể, vì vậy đã góp phần quan trọng đưa Hiến pháp vào cuộc sống. Tuy nhiên, đề nghị đánh giá bổ sung bối cảnh, những thuận lợi, khó khăn của việc triển khai thi hành Hiến pháp trong 5 năm vừa qua, làm rõ những quy định của Hiến pháp chưa đi vào cuộc sống cũng như nguyên nhân, tác động của việc này đến mọi mặt của đời sống xã hội và giải pháp khắc phục.

Đồng thời, đề nghị Báo cáo cần bổ sung đầy đủ hơn những tồn tại, hạn chế và kiến nghị đã được nêu trong các Báo cáo thành phần của các cơ quan, tổ chức  về từng nội dung để từ đó có những đề xuất, kiến nghị phù hợp nhằm triển khai thi hành Hiến pháp trong thời gian tới.


Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Việc ban hành một số luật, pháp lệnh chưa đạt kế hoạch

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận về lãnh đạo, chỉ đạo thi hành Hiến pháp được các cơ quan Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao, kỹ lưỡng. Về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Hiến pháp, trên thực tế đã triển khai nhiều hình thức đa dạng, phong phú, mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật của người dân... Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành Hiến pháp của các cơ quan, tổ chức.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đã chỉ ra nhiều nội dung của Hiến pháp chưa được cụ thể hóa hoặc thiếu các quy định cụ thể triển khai thực hiện như xây dựng chính quyền địa phương phù hợp đặc điểm mô hình đô thị, nông thôn; quyền giám sát tối cao của Quốc hội; quyền quyết định chính sách dân tộc của Quốc hội… đề nghị tiếp tục tổng rà soát để hoàn thiện.

Đáng chú ý, về quyền công dân, trong báo cáo Chính phủ cũng đã nêu rõ còn 3 luật là Luật về hội, biểu tình và hiến máu đặt ra trong chương trình nhưng chưa ban hành được; đề nghị phân tích rõ nguyên nhân, xác định lộ trình để bảo đảm quyền con người, quyền công dân; đồng thời lưu ý đến đẩy mạnh giải thích Hiến pháp, xem xét áp dụng trực tiếp một số quy định của Hiến pháp, khắc phục tình trạng đợi văn bản mới có thể tổ chức triển khai...

Phát biểu ý kiến, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải thì cho rằng cần quan tâm đến việc bảo đảm quyền lợi của người dân. Theo đó, trong báo cáo này cần bổ sung những văn bản hướng dẫn liên quan đến quyền công dân, quyền con người; việc quản lý ra sao; khi xảy ra sai phạm ảnh hưởng đến quyền công dân, quyền con người thì xử lý như thế nào.

Trưởng ban Dân nguyện dẫn chứng, Điều 43 của Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người được sống trong môi trường trong lành. Điều này ngay trong quá trình thảo luận đã nhận được nhiều ý kiến băn khoăn rằng, khi không bảo đảm được hay chưa có điều kiện bảo đảm thì sao. Ví dụ, vụ cháy Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông mới đây, môi trường trong lành đã bị ảnh hưởng hay không bị ảnh hưởng; cơ quan nào lên tiếng như thế nào bảo đảm cho người dân yên tâm, hay có những biện pháp gì. Việc này cần làm rõ hơn, có tổng kết rõ ràng hơn.

Còn Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì cho rằng, bên cạnh kết quả tích cực trong công tác triển khai Hiến pháp 2013, vẫn còn những vấn đề cần được chỉ ra thẳng thắn, rõ ràng hơn.

Theo đó, tính từ tháng 1-2014 đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 111 luật, bộ luật, pháp lệnh; trong đó có 69 bộ luật, luật, pháp lệnh thuộc danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718, chiếm tỷ lệ 62,16% tổng số luật, bộ luật, pháp lệnh được thông qua. Tuy nhiên, việc ban hành các luật, pháp lệnh trong danh mục triển khai thi hành Hiến pháp vẫn chưa đạt như Kế hoạch kèm theo Nghị quyết số 718 đề ra. Tính đến ngày 14-6-2019, còn 21 dự án luật, pháp lệnh trong Kế hoạch chưa được ban hành (chiếm 16,7%). Trong số các bộ luật, luật, pháp lệnh đã ban hành thì có những luật chậm ban hành so với dự kiến tiến độ đề ra 2 năm.

“Vì sao còn tới 21 dự án luật, pháp lệnh trong kế hoạch chưa được ban hành để triển khai cụ thể hóa Hiến pháp? Theo thời hạn thì trong năm 2020, 21 luật này có thể cụ thể hóa được không vì thực chất chỉ còn hai kỳ họp; và nếu không cụ thể hóa được thì tác động của việc này đến chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa, quyền con người, quyền công dân ra sao. Sau 7 năm triển khai Hiến pháp mà chưa thực hiện được cũng là câu hỏi đặt ra và cần được phân tích kỹ lưỡng”, Phó chủ tịch Quốc hội nêu băn khoăn. 

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh, phải chỉ rõ cả những cái đã triển khai không thành công để từ đó có hành động cụ thể để thực hiện tốt hơn Hiến pháp 2013.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, việc sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 trên cơ sở báo cáo sơ kết của 7 cơ quan Trung ương và địa phương là công việc lớn, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tổng kết thi hành Nghị quyết số 48 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị cũng như chuẩn bị văn kiện cho Đại hội 13 của Đảng. Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo bổ sung thêm theo ý kiến thẩm tra và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục