Cần phân loại người tài theo từng lĩnh vực cụ thể
Cập nhật ngày: 25/10/2019 09:07 (GMT +7)

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 24-10, Điều 6 dự thảo luật về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ là nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận.

Điều 6 dự thảo luật nêu khái niệm: "Người tài năng trong hoạt động công vụ" là những cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn và hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực mà ít người đạt được...

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) tán thành với quy định chính sách đối với người có tài trong hoạt động công vụ được nêu tại Điều 6. Theo đại biểu, nếu việc này được thực hiện tốt, bảo đảm theo tinh thần trọng dụng người có tài thì sẽ thu hút được nhiều người có tài năng trong bộ máy thực thi công vụ của Nhà nước, chất lượng thực thi công vụ của Nhà nước các cấp sẽ được nâng lên vì được thực hiện bởi những người có tài năng.

Tuy nhiên, theo đại biểu, thực tế cho thấy, những người có tài năng thường không hay đòi hỏi chính sách cho mình, mà chú tâm làm việc, vì tinh thần trách nhiệm, vì sự đam mê công việc...

Do đó, đại biểu đề nghị, để thực hiện đúng bản chất của việc trọng dụng người tài thì cần bổ sung quy định ngay trong dự thảo luật cơ chế để phát hiện người có tài năng, cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với những người có trách nhiệm thực hiện chính sách trọng dụng người có tài. Đồng thời cũng cần quy định xử lý trách nhiệm nếu không thực hiện bảo đảm chính sách đối với người có tài năng. Cần quy định minh bạch cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đối với người đứng đầu để người có trí tuệ, có tài năng có đất để dụng võ.

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) thì đề nghị, Luật cần làm rõ khái niệm "tài năng", tiêu chí để thu hút người có tài năng để giao cho cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, quy định chế độ tuyển dụng, thu hút, đãi ngộ, tránh “chảy máu chất xám” và lạm dụng tùy tiện vì mục đích vụ lợi cá nhân.


Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Còn đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, việc hiểu thế nào cho đúng là người có chuyên môn vượt trội cũng khó, bởi trong thực tế chúng ta rất khó để có thể định lượng được. Bên cạnh đó, những người không có khả năng vượt trội nhưng lại có rất nhiều đóng góp cho cơ quan, tổ chức thì nếu như theo quy định này thì lại chưa chắc đã được ghi nhận là người tài... “Tôi nghĩ rằng, điều cần nhất đối với cấp dưới và người lao động là ý thức trách nhiệm trong công việc; bởi lẽ, có tài năng xuất chúng đến mấy nhưng không có ý thức trách nhiệm thì cũng chẳng để làm gì cả”, đại biểu thẳng thắn.

Từ bài học chọn nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết, Bác Hồ căn cứ theo ba tiêu chí. Một là, hỏi bạn học xem người ấy có giỏi không, những người mà cạnh tranh thừa nhận người ấy giỏi là người ấy giỏi. Hai là, hỏi hàng xóm xem người ấy có hiếu nghĩa với cha mẹ, hiếu lễ với anh em, có tình nghĩa với hàng xóm không? Nếu có - người ấy là người có đức. Ba là, vấn đáp xem người ấy hiểu biết về tình hình thế giới, chính sự thế nào, lòng dân ra sao; giao trọng trách có đảm nhận được không, nếu như hoàn thành người ấy là người có tài. Ba tiêu chí của Bác Hồ chính là 3 tiêu chí hiền tài mà chúng ta cần. Thế hệ cán bộ do Bác lựa chọn cũng chính là thế hệ cán bộ đã đi vào lịch sử nước ta. Giản dị như vậy thôi, nhưng Điều 6, dự thảo Luật, theo đại biểu Lê Thanh Vân, vẫn chưa định nghĩa được thế nào là người tài. Theo đại biểu, cần phân loại người tài theo từng lĩnh vực cụ thể, trong chính trị đó phải là người khởi xướng chính sách, trong điều hành phải tinh thông luật pháp để vận hành bộ máy; trong khoa học phải có phát minh sáng kiến, trong lao động phải lành nghề, có biệt tài làm ra sản phẩm đặc thù, trong văn hóa nghệ thuật có tác phẩm để lại cho muôn đời…

Giải trình, báo cáo thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, hiện nay, nếu đưa ra một khái niệm về vấn đề tài năng trong tổng thể chung của tất cả các ngành nghề, lĩnh vực thì rất khó. Trong phạm vi giới hạn của luật này chỉ đặt vấn đề xác định thế nào là người có tài năng trong hoạt động công vụ, đối tượng là cán bộ, công chức. Vì vậy, giao cho Chính phủ quy định khung chính sách thu hút đối với tài năng vào làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị đã được bổ sung tại khoản 2 Điều 3; khoản 2, khoản 3 Điều 37 Luật Cán bộ, công chức.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục