Chiều 11-9, tiếp tục chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019.

 

Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chưa được giải quyết kịp thời

Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019, Tổng Thanh tra Chính Phủ Lê Minh Khái cho biết, thời gian qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả, nhất là giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài. Hệ thống pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được hoàn thiện. Tình hình khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2018 trên hầu hết ở các tiêu chí cơ bản. Kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị - xã hội và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Cùng với đó, tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt cao (85,4%, so với mục tiêu đề ra là 85%), nhiều đơn vị có tỷ lệ giải quyết cao (trên 90%). Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai Luật Tố cáo năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là ở những điểm mới của Luật. Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực, cả về trình tự, thủ tục và nội dung. Công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại được quan tâm, tiến hành công khai dân chủ; việc bảo vệ bí mật người tố cáo được thực hiện đúng quy định của pháp luật; công tác phối hợp trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có nhiều tiến bộ nhất là đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp...

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính Phủ Lê Minh Khái nhận định, năm 2019, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp, trong đó trên một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng về khiếu nại, tố cáo, đó là: Lĩnh vực môi trường; liên quan đến đất nông - lâm trường; liên quan đến quyền của người mua nhà ở một số dự án sai phép, nhà ở trong các khu nghỉ dưỡng….

Đáng chú ý là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn nhưng việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất chưa thấu đáo, kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt (điển hình là khiếu nại, tố cáo của công dân Khu đô thị Thủ thiêm, TP Hồ Chí Minh).


Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, nhìn chung, so với cùng kỳ năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trong năm 2019 vẫn diễn biến phức tạp. Theo Báo cáo, mặc dù số lượng đơn thư các loại giảm (7%) nhưng số vụ việc tố cáo tăng (6,6%); số đoàn khiếu kiện đông người giảm (0,6%) nhưng số lượt công dân đến cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng (4,3%).

Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, năm 2020 là năm tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2025, do vậy tình hình khiếu nại, tố cáo tiềm ẩn nguy cơ gia tăng và có thể có những diễn biến phức tạp. Do vậy, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương chủ động có các biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình mới để làm tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Làm rõ thêm tình hình khiếu nại có diễn biến phức tạp tại một số địa phương

Qua thảo luận, một số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Báo cáo cần làm rõ thêm tình hình khiếu nại có diễn biến phức tạp tại một số địa phương liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực môi trường, tranh chấp đất đai có nguồn gốc do nông, lâm trường quản lý, việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống, việc thu phí tại các trạm BOT, vấn đề mua bán và quản lý nhà chung cư; đặc biệt nổi lên là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn (như Khu đô thị Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh). Báo cáo cũng cần phân tích sâu hơn những biến động lớn về số liệu so với các năm trước đây; số vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh mới, số vụ việc từ những năm trước còn tồn đọng chưa giải quyết xong... để từ đó làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Cùng với đó, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ cần tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; phối hợp chặt chẽ để nắm bắt kịp thời và xử lý các tình huống phức tạp, dễ phát sinh thành điểm nóng gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Cho ý kiến vào vấn đề cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng nên có bảng số liệu so sánh trong vòng hai năm về tình hình khiếu nại, tố cáo để có thể đối chiếu, so sánh rõ hơn. Qua đó có thể xem xét được lĩnh vực nào, địa phương nào, bộ ngành nào tăng để từ đó tiến hành theo dõi, giám sát cụ thể hơn.

Đánh giá cao sự chuyển biến trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua song Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh một thực tế là, các vụ việc do đại biểu Quốc hội gửi đến được giải quyết có tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 65%; đề nghị các cơ quan hữu quan quan tâm đến vấn đề này.

Bên cạnh đó, qua kiến nghị của cử tri cho thấy, tỷ lệ người đứng đầu tiếp công dân chưa đạt định mức, đặc biệt là ở cấp xã. Để khắc phục tình trạng này, nhấn mạnh “nhiều vụ việc nghiêm trọng không xảy ra nếu quan tâm hòa giải ở cơ sở”, Trưởng ban Dân nguyện đề nghị quan tâm hơn, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tiếp công dân, nhất là ở cấp xã. Ở khía cạnh khác, để bảo đảm việc tiếp công dân hiệu quả hơn, Trưởng ban Dân nguyện cũng đề nghị các địa phương sắp xếp lịch tiếp công dân không bị trùng với các lịch họp khác của lãnh đạo. Đồng thời, việc phân loại các đơn thư cũng cần được thực hiện hiệu quả hơn, tránh tình trạng nhiều đơn thư của người dân là đơn khiếu nại, tố cáo nhưng bị phân sang loại kiến nghị phản ánh nên không có thời hạn giải quyết, hoặc quy trình giải quyết sẽ khác đi; người dân không được giải quyết khiếu nại sẽ khiếu nại vượt cấp. Do đó, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành nâng cao chất lượng phân loại đơn thư và giải quyết khiếu nại lần đầu để tránh khiếu nại nhiều lần và khiếu nại vượt cấp.

Đánh giá cao việc xử lý các khiếu nại hành chính của Chính phủ, các bộ, ngành trong thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Tổ công tác của Thủ tướng tiếp tục duy trì cách làm này để giải quyết các khiếu kiện hành chính đông người, dài ngày. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị Chính phủ tổ chức đánh giá lại các khiếu kiện về đất đai, tìm rõ nguyên nhân để có cách xử lý hiệu quả; kết nối dữ liệu về tình hình giải quyết khiếu nại tố, cáo để các cơ quan đều nắm rõ, tạo thuận lợi cho việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ.

Kết luận nội dung làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, sau phiên họp, đề nghị các cơ quan tiếp thu tối đa các ý kiến thảo luận, hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để gửi tới các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới đây. 

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục