Quy định chặt chẽ, tránh lợi dụng để trốn thuế
Cập nhật ngày: 17/09/2019 23:03 (GMT +7)

Tiếp tục chương trình phiên họp, ngày 17-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

 

Đề nghị xóa 10.562 tỷ đồng tiền thuế cho 758.660 người

Báo cáo trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức bộ phận quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế từ Trung ương đến địa phương, cơ quan quản lý thuế đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế.

Theo đó, số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân từ 2015-2018, thu đạt 80% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 14,4%/năm. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31-12-2018 là 81.618 tỷ đồng.

Trong số nợ đọng nêu trên, có 759.319 người nộp thuế không có khả năng nộp ngân sách nhà nước do đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, phá sản, giải thể... với tổng số nợ đọng là 29.293 tỷ đồng.


Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Từ tình hình trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, để giải quyết nợ đọng thuế không còn khả năng nộp ngân sách, Chính phủ thấy cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ của người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước nhằm tạo cơ chế pháp lý để xử lý, khắc phục triệt để số nợ đọng không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước đã tồn tại qua nhiều năm, không để kéo dài. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho những người nộp thuế có phát sinh nợ thuế do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác.

Theo đó, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cho dự kiến 758.660 người nộp thuế thuộc đối tượng, với số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đề nghị xóa là 10.562 tỷ đồng.

Quy định chặt chẽ, tránh lợi dụng để trốn thuế

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, dự thảo Nghị quyết có nhiều đối tượng, với số tiền thuế được khoanh nợ, xóa nợ lớn. Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải đề nghị phải cân nhắc, làm rõ việc xử lý tiền nợ thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước, vì doanh nghiệp nhà nước là pháp nhân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và hiện nay đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, việc khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế cần được xử lý trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

Cùng với đó, đề nghị rà soát, báo cáo rõ việc xử lý tiền thuế nợ đối với các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… trong dự thảo Nghị quyết này, theo đó sẽ khoanh nợ, xóa nợ đối với các trường hợp cụ thể nào liên quan đến đất đai.

Phát biểu thảo luận, thống nhất với việc ban hành Nghị quyết, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, Luật Quản lý thuế hiện hành chưa xử lý hết những trường hợp còn vướng mắc trong 10 năm trở lại đây, nên chúng ta mới đặt vấn đề ban hành Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. Song các quy định trong Nghị quyết cần chặt chẽ, tránh trường hợp lợi dụng để trốn thuế. Ví như, trường hợp chỉ cần nộp đơn yêu cầu phá sản hoặc Tòa án mới thụ lý, chưa giải quyết đã xóa nợ. “Chúng ta chỉ xóa nợ thuế khi Tòa án đã khẳng định là doanh nghiệp phá sản”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần làm rõ nguyên nhân và nêu tên một cách công khai từng tổ chức, cá nhân sẽ được xóa nợ thuế.

Kết luận tại Phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ rà soát toàn bộ các luật liên quan đến quản lý thuế từ năm 2006, 2012, 2014, 2016, 2019, xem những khoản nào chưa có quy định liên quan đối tượng cần phải xử lý mới đưa vào Nghị quyết của Quốc hội, thực hiện đúng tinh thần Điều 152 – điều khoản chuyển tiếp của Luật Quản lý thuế năm 2019, bảo đảm “phủ” hết các đối tượng không có khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Chính phủ cũng cần làm rõ trách nhiệm của đối tượng nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, cán bộ các bộ, ngành, địa phương liên quan đến tình trạng để nợ đọng thuế trong thời gian vừa qua để báo cáo Quốc hội; đặc biệt ở con số 41.000 tỷ đồng không thể thu hồi được; sâu hơn nữa là hơn 11.000 tỷ sẽ xóa theo tinh thần Nghị quyết này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

Đồng thời, Chính phủ cần hoàn chỉnh lại dự thảo Nghị quyết và tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBTVQH, ý kiến của Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Ủy ban Pháp luật. Theo đó, cần trả lời cho được câu hỏi mà Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đã đặt ra là, tại sao trong vòng 13 năm, từ 2006 đến nay, qua 5 năm lần sửa Luật Quản lý thuế mà vẫn còn có khoảng trống pháp lý chưa được xử lý?

UBTVQH đề nghị Ủy ban Tài chính và Ngân sách phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thẩm tra chính thức nội dung này để trình ra Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 theo thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục