Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương Quy định giảm 10 - 15% số đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
Cập nhật ngày: 22/11/2019 21:17 (GMT +7)

Chiều 22-11, với đa số đại biểu tán thành (89,23% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7- 2020.

Trước khi biểu quyết thông qua dự thảo luật, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Trong đó, đáng chú ý, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Vấn đề này do ý kiến của đại biểu Quốc hội còn khác nhau nên để bảo đảm thận trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này. Tổng hợp ý kiến cho thấy, có 331/395/483 (bằng 83,8%) đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến (chiếm 68,12% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành việc sửa đổi, bổ sung quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương như dự thảo Luật, do đó, xin phép Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu về nội dung này, thể hiện cụ thể tại các điều 4, 44, 58 và 72 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 

Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý lại theo hướng: Chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. Cấp chính quyền địa phương ở quận, phường gồm có Hội đồng nhân dân quận, phường và Ủy ban nhân dân quận, phường.


Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh: Quốc hội. 

Ngoài ra, về số lượng đại biểu HĐND, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp từ 10-15% để bảo đảm sự tinh gọn, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định số lượng đại biểu HĐND trong dự thảo Luật chưa phù hợp với một số tỉnh có đông dân cư, diện tích tự nhiên lớn, đề nghị giữ số lượng đại biểu HĐND như Luật hiện hành đối với những tỉnh này.

Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, ý kiến nêu trên của đại biểu Quốc hội là rất xác đáng. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi này, Chính phủ chỉ đề nghị giảm số lượng đại biểu HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính để thực hiện chủ trương chung của Đảng, tiến tới tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; còn cách xác định số lượng đại biểu và thẩm quyền quyết định số lượng đại biểu HĐND cụ thể thì vẫn như quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành. Hơn nữa, bản thân Luật hiện hành khi quy định về số lượng đại biểu HĐND ở các đơn vị hành chính cũng đã tính đến đặc thù của những địa phương có dân cư đông, diện tích lớn. Vì vậy, theo quy định của dự thảo Luật, các tỉnh, thành phố lớn, đông dân như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn sẽ có số lượng đại biểu HĐND cao hơn các tỉnh, thành phố khác. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định về việc giảm 10 - 15% số đại biểu HĐND các cấp như dự thảo Luật.

Số lượng cấp phó của HĐND, UBND cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định về việc giảm số lượng Phó chủ tịch HĐND cấp huyện, tăng số lượng Phó chủ tịch UBND đối với cấp xã loại II như đã chỉnh lý trong dự thảo Luật.

Riêng về quy định số lượng Phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, Phó trưởng ban của HĐND cấp tỉnh thì ý kiến của đại biểu Quốc hội còn phân tán trong lựa chọn phương án....

Do ý kiến của đại biểu Quốc hội còn phân tán trong lựa chọn phương án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về quy định số lượng Phó chủ tịch HĐND và Phó trưởng ban của HĐND cấp tỉnh. Tổng hợp phiếu xin ý kiến cho thấy, ý kiến của các đại biểu Quốc hội về số lượng Phó chủ tịch HĐND chưa có sự cách biệt lớn về tỷ lệ; nhưng tựu trung lại, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất đề nghị trong lãnh đạo HĐND cấp tỉnh nên duy trì tối thiểu là 2 đại biểu hoạt động chuyên trách để bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐND trong điều kiện đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương hiện nay.

Vì vậy, dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý là: Nếu Chủ tịch HĐND/Trưởng ban HĐND là đại biểu chuyên trách thì bố trí 1 Phó chủ tịch HĐND/Phó trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND/Trưởng ban HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó chủ tịch HĐND/Phó trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách.

* Chiều cùng ngày, với 91,51% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục