Sáng 7-8, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động (NSLĐ) quốc gia”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành, viện nghiên cứu, các trường đại học, doanh nghiệp.

Đáng chú ý, tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát động phong trào “năng suất lao động quốc gia” trong toàn bộ nền kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, ở Việt Nam, NSLĐ là một chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (quy định trong Luật Thống kê), được tính bằng GDP bình quân trên một lao động đang làm việc trong năm. Cách tính này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Thời gian qua, NSLĐ của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: Lê Tiên.

Tính đến năm 2018, chỉ số NSLĐ của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/1 lao động, tương đương 4.521 USD/1 lao động (theo giá hiện hành), cao hơn gần gấp đôi so với năm 2011, tăng bình quân 4,88%/năm giai đoạn 2011-2018, riêng giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 5,77%/năm, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN (Singapore là 1,4%/năm; Malaysia là 2%/năm; Thái Lan là 3,2%/năm; Indonesia là 3,6%/năm; Philippines là 4,4%/năm).

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, NSLĐ của nước ta vẫn ở mức thấp. Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, NSLĐ nước ta đạt 11.142 USD thì chỉ bằng 7,3% NSLĐ của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Philippines.

Ngành khai khoáng có NSLĐ cao nhất. Nông, lâm nghiệp và thủy sản là ngành có NSLĐ thấp nhất trong các ngành kinh tế. Trong những năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam có tốc độ tăng NSLĐ bình quân cao nhất với 5,2%/năm giai đoạn 2011-2018. Tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lại có mức NSLĐ rất thấp, thấp nhất trong các khu vực kinh tế, đến năm 2018 theo giá hiện hành đạt 39,8 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 38,9% NSLĐ của toàn nền kinh tế. NSLĐ trong khu vực doanh nghiệp gấp hơn 3 lần mức NSLĐ chung của cả nước. So với các loại hình doanh nghiệp khác, NSLĐ của doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt thấp nhất.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Tiên.

Trước thực trạng này, theo Bộ trưởng Bộ Kế  hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước, theo đó, hơn bao giờ hết, việc cải thiện NSLĐ của nước ta là nhiệm vụ cốt lõi, cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng, ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới. “Do đó, cải thiện NSLĐ đang được xem là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, cải thiện và thúc đẩy tăng NSLĐ là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đề cập tới một trong những nguyên nhân khiến tình trạng NSLĐ Việt Nam còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực ASEAN, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, quy mô nền kinh tế Việt Nam không lớn; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động tuy theo hướng tích cực nhưng còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế... “Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện NSLĐ để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong tương lai”, ông Nguyễn Bích Lâm kiến nghị.


Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Tiên.

Tại hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về các nội dung: Thực trạng NSLĐ và các giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng NSLĐ của Việt Nam; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với NSLĐ; mô hình kinh tế mới và tác động đến NSLĐ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp cho việc nâng cao NSLĐ quốc gia; NSLĐ dưới góc độ của lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp…

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục