Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo 6 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam vào sáng 24-10 tại Thành phố Đồng Hới (Quảng Bình).

 

Trước khi diễn ra buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đến thị sát công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại một số địa điểm của tỉnh Quảng Bình. Tháp tùng Thủ tướng có Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các đồng chí lãnh đạo của một số bộ, ngành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ… cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, động viên giáo viên Trường Mầm non xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. 

Thủ tướng đã tới thăm, tìm hiểu đời sống, công tác dạy và học của thầy và trò Trường Mầm non xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh. Đây là một trong những huyện bị ngập nặng nhất của tỉnh Quảng Bình. Tiếp đó, Thủ tướng đã tới thăm, tìm hiểu khó khăn, thực trạng đời sống, sinh hoạt và công việc của bà con nhân dân thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh. Chia sẻ với những khó khăn của bà con nơi đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng quà và chỉ đạo các lực lượng chức năng, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, huyện Quảng Ninh tập trung mọi nhân lực, vật lực khẩn trương tái thiết cơ sở hạ tầng, nhà cửa, đảm bảo nhu yếu phẩm, đặc biệt là sớm ổn định lại trường lớp, để học sinh nhanh chóng trở lại trường học; sớm ổn định đời sống của bà con, nhân dân trong vùng.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cán bộ, chiến sĩ quân đội đang thực hiện nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ tại Quảng Bình. Ảnh: Quang Hiếu.

Ngay sau khi thị sát, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo 6 tỉnh miền Trung tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thời gian qua bà con nhân dân miền Trung đã phải hứng chịu hậu quả vô cùng to lớn của trận lũ lịch sử, gây thiệt hại nặng nề về người với 119 người thiệt mạng, đặc biệt là có nhiều cán bộ sĩ quan quân đội và nhân dân. Hiện nay vẫn còn mất tích 21 người, trong đó một số công nhân của Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế) cùng một số người dân khác ở huyện Bố Trạch của tỉnh Quảng Bình. Thiệt hại tài sản rất lớn, nhất là về cơ sở vật chất, giao thông, trường học; nhiều gia đình trắng tay sau lũ…

Thủ tướng gửi lời thăm hỏi ân cần, lời chia sẻ sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc LLVT Quân khu 4 và thuộc các tỉnh miền Trung; đồng thời bày tỏ mong muốn chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung khẩn trương khắc phục tốt hơn nữa hậu quả bão lũ, sớm ổn định đời sống nhân dân. Thủ tướng cho biết, những ngày qua Chính phủ đã cử nhiều đoàn công tác vào miền Trung, phối hợp với các địa phương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ; xử lý kịp thời nhu cầu nhu yếu phẩm, thuốc men, trang thiết bị cần thiết phục vụ cứu hộ, cứu nạn. Các lực lượng quân đội, công an, cấp ủy, chính quyền các tỉnh miền Trung đã có hành động kịp thời, quán triệt và thực hiện tốt phương án 4 tại chỗ trong khắc phục mưa lũ, đảm bảo giao thông, tìm kiếm cứu nạn. Đảng bộ, chính quyền nhân dân các tỉnh miền Trung đã “gồng mình” trong mưa lũ, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo 6 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Ảnh: Quang Hiếu.

Thủ tướng cũng đặc biệt hoan nghênh và biểu dương tinh thần “tương thân tương ái” của đồng bào, nhân dân cả nước đã đóng góp, công sức, tài sản chia sẻ với đau thương mất mát của bà con các tỉnh miền Trung trong lúc thiên tai, hoạn nạn với tinh thần nhân ái cao cả. Cùng với đó, các tổ chức thuộc MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã “lăn xả” trong hoạt động cứu trợ chia sẻ với bà con vùng lũ. 

Thủ tướng cũng đánh giá cao các cơ quan Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 4 đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ và trách nhiệm với các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ, do mưa lũ kéo dài, gây hậu quả nặng nề nên hiện nay, nhiều xã trên địa bàn miền Trung vẫn còn ngập trong mưa lũ, đi lại của nhân dân còn nhiều khó khăn.

Do đó, Thủ tướng đề nghị các cơ quan, bộ ngành, địa phương cần rút ra bài học trong công tác phòng, chống lũ lụt thời gian qua; đồng thời xác định những “việc cần làm ngay” để đảm bảo đời sống của người dân; không để người dân đói, rét và lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”, sớm đảm bảo cho học sinh trở lại nhà trường. Thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành, cơ quan trên cơ sở trách nhiệm của mình, tăng cường các hoạt động phối hợp, hỗ trợ các tỉnh miền Trung trong ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của nhân dân thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: TTXVN

Sau khi nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo và ý kiến đại diện các bộ, ngành, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nhờ sự chủ động, kịp thời, huy động nhiều phương tiện, lực lượng của các bộ, ngành, địa phương nên thiệt hại từ lũ lụt đã được hạn chế. Tuy nhiên, do thiên tai diễn ra quy mô lớn, cường độ cao nên vẫn gây ra những hậu quả to lớn cho đất nước và nhân dân ta trong năm 2020. Đặc biệt, qua lũ lụt, thiên tai, ngoài tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chính quyền, nhiều tổ chức, cá nhân với tấm lòng nhân ái đã hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân miền Trung. Đó là một truyền thống quý báu của nhân dân, Đảng, chế độ và dân tộc ta. Đây là điều hết sức đáng quý, cần được trân trọng.


Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Quang Hiếu.

Về những kinh nghiệm cần rút ra sau mưa lũ, Thủ tướng chỉ rõ yêu cầu tăng cường nhận thức và sự hiểu biết của chính quyền, người dân và doanh nghiệp về thiên tai; trong đó nhận thức của người dân về tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó là nhu cầu cấp thiết về việc tăng cường năng lực dự báo thiên tai, nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ dự báo, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong vấn đề này. Thủ tướng cũng chỉ đạo lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, nghiêm túc thực hiện cắt giảm khí thải nhà kính.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu cần nhanh chóng đảm bảo cuộc sống bình thường cho nhân dân trong vùng lũ lụt. Đi liền với đó là đảm bảo sinh kế cho người dân, nhất là thời vụ, giống cây trồng… cần được cấp phát sớm để người dân canh tác kịp thời. Bên cạnh đó là vận động cả hệ thống chính trị cùng phải vào cuộc nhằm hỗ trợ người dân trong công tác tái thiết cuộc sống. 

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương xác định trách nhiệm cụ thể hỗ trợ các địa phương vùng lũ trong các mặt: Sản xuất, nông nghiệp, y tế; không được để người dân thiếu đói, dịch bệnh, “màn trời chiếu đất” và phải sớm để trẻ em trở lại trường học. Bộ Giáo dục và Đào tạo huy động trong ngành giáo dục cả nước huy động sách giáo khoa cho trẻ em vùng lũ đến trường. Thủ tướng cũng đề cập đến yêu cầu phát triển thủy điện theo quy hoạch, an toàn, hạn chế không phát triển thêm cơ sở mới. Đẩy mạnh trồng rừng với các loại cây có rễ bám sâu, khổ lớn để giảm thiểu hậu quả thiên tai; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để đối phó với sạt lở đất, thông tin kịp thời hơn đến người dân. Khẳng định, Chính phủ sẽ bổ sung thêm nguồn lực cho các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng cho biết, tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan, các nhà tài trợ, giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi các nghị định liên quan về một số điểm còn bất hợp lý để tạo điều kiện cho các hoạt động  tài trợ.

Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà tài trợ trực tiếp đến các địa bàn bão lũ để cứu trợ; đồng thời cũng lên án những hành vi đánh bóng hình ảnh trong vấn đề này. Thủ tướng cũng nhắc nhở các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền các tỉnh miền Trung cần nhanh chóng tập trung thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão số 8 và đặc biệt là bão số 9, chủ động hơn nữa trong ứng phó để hạn chế thiệt hại.

* Sáng 24-10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác cũng đã đến chia sẻ và động viên tinh thần các cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ân cần hỏi thăm, động viên, khích lệ tinh thần cán bộ, giáo viên sớm khắc phục sau mưa lũ để sớm đón học sinh trở lại trường; đồng thời ghi nhận và đánh giá cao công tác chủ động ứng phó mưa lũ của nhà trường cũng như ngành giáo dục Quảng Bình trước ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu, trong công tác dạy học, các trường cần có kế hoạch dạy bù cho học sinh nhưng không được quá tải, gây áp lực cho học sinh. Sau trận lũ này, tỉnh cũng như ngành cần chủ động các phương án đảm bảo an toàn tính mạng về người và tải sản cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Chú trọng hơn nữa vấn đề kiên cố hóa trường, lớp học, nhất là các trường vùng trũng, thấp, vùng dễ xảy ra ngập lụt để tránh thiệt hại nặng về cơ sở vật chất sau mỗi mùa mưa lũ, ảnh hưởng tới công tác dạy và học…

Thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao hỗ trợ ngành giáo dục Quảng Bình 200 triệu đồng.

Dịp này, các  đơn vị: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng; Nhà xuất bản Đại học sư phạm Hà Nội, Công ty Thiết bị giáo dục và đồ chơi Tràng An cũng đã trao những phần quà hỗ trợ thiết thực và ý nghĩa đến ngành giáo dục địa phương nhằm sớm khắc phục hậu quả, ổn định công tác dạy và học trên địa bàn.

Theo QĐND

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục