Đó là một trong những yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra đối với ngành Tài chính trong năm 2021 tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2020 và triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2021 diễn ra ngày 8-1.

Phát biểu tại hội nghị, điểm lại một số thành tựu của đất nước trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những kết quả xuất sắc mà Bộ Tài chính đã đạt được trong năm 2020; khẳng định trong thành tựu chung đó có đóng góp nổi bật của ngành Tài chính.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ngành Tài chính đã chủ động, kịp thời ứng phó với các tác động tiêu cực của dịch Covid-19, thiên tai, chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó, hỗ trợ, khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao ngành Tài chính đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện", người đứng đầu Chính phủ khẳng định. 


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên một số thành tích nổi bật của ngành Tài chính trong năm qua. Đó là, đã tham mưu, ban hành nhiều cơ chế, chính sách ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, khắc phục hậu quả của thiên tai, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ phát triển nền kinh tế... Cũng trong bối cảnh của dịch bệnh, công tác quản lý, điều hành chính sách tài khóa được thực hiện tích cực.

“Tính đến nay, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 1.507,1 nghìn tỷ đồng, bằng 98% dự toán, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt khoảng 23,9% GDP, huy động từ thuế và phí đạt khoảng 19,1% GDP. Bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 248,5 nghìn tỷ đồng, dưới 4% GDP ước thực hiện... Đây là con số rất có ý nghĩa, khẳng định sự vững mạnh của nền tài chính quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, song người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng đã được hỗ trợ kịp thời, góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp vươn lên. Bên cạnh đó, ngành Tài chính cũng đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong điều hành chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thúc đẩy phục hồi kinh tế trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh....

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm 2021, tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, không chỉ dịch bệnh mà cả cạnh tranh quốc tế, nguy cơ khủng hoảng tài chính, tiền tệ, nợ công trên phạm vi toàn cầu có thể xảy ra. Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến ngành tài chính, cả về thu và chi NSNN, nợ công, thị trường tài chính mà trước hết thu NSNN ở những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp. “Trong bối cảnh như vậy, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong năm 2021 và những năm tiếp theo thì mới hiện thực hóa được khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển trong 5-10 năm tới. Tài chính phải góp phần khơi dậy và giải phóng nhiều nguồn lực của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Với tinh thần ấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ ngành Tài chính cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về tài chính gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả, quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN năm 2021 và những năm tiếp theo, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, phát triển nền kinh tế an toàn, bền vững...


Quang cảnh hội nghị.  

Thủ tướng đề nghị ngành Tài chính tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược theo hướng tài chính vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Cần chủ động phối hợp hiệu quả với các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện ngày càng tốt hơn sứ mệnh đặc biệt quan trọng của mình, đó là bảo đảm huyết mạch của nền kinh tế thông suốt, an toàn và tạo nền, điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

“Năm 2021, toàn ngành phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn và phải đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2020”, Thủ tướng đề nghị và nêu rõ 9 nhiệm vụ trọng tâm mà ngành cần thực hiện.

Trong đó, trước tiên là bám sát phương châm hành động của Chính phủ để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ (Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP), tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm điều tiết vĩ mô, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cùng với đó là tập trung thực hiện rà soát sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, các cơ chế chính sách thuộc lĩnh vực tài chính – NSNN. Làm tốt công tác quản lý thu NSNN, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; tăng cường chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại,...; giảm nợ đọng thuế năm 2021 xuống dưới 5% tổng thu NSNN; phấn đấu tăng thu NSNN tối thiểu 3% so với dự toán theo Nghị quyết Chính phủ, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 15,5% GDP. 

Ngoài ra, điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Kiểm soát bội chi NSNN trong phạm vi 4% GDP và phấn đấu thấp hơn. Đặc biệt, tăng cường quản lý giá, thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán, đồng thời, quản lý và phân phối hiệu quả trong những trường hợp cứu trợ cấp bách.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính "có tâm, có tầm". Tiếp tục cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp. Những gì gây phiền hà, phức tạp cho người dân, doanh nghiệp thì chúng ta nên tháo gỡ, tạo điều kiện cho sản xuất....

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục