Vững bước dưới cờ Đảng quang vinh: Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là tất yếu khách quan
Cập nhật ngày: 24/12/2019 07:15 (GMT +7)

Mục tiêu “phi chính trị hóa” quân đội mà các thế lực thù địch đang ráo riết tiến hành chính là muốn tách Quân đội nhân dân (QĐND )Việt Nam khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hòng làm suy yếu quân đội, làm cho quân đội mất mục tiêu chiến đấu.

Để làm thất bại mọi mưu đồ của các thế lực thù địch thì một mặt cần phải vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của chúng, đồng thời phải luận giải vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam phải lãnh đạo quân đội và lãnh đạo quân đội như thế nào? Bài viết này hy vọng góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề như đã đề cập ở trên.  

Bài 1: Âm mưu của các thế lực thù địch về “phi chính trị hóa” quân đội là không thay đổi

Từ sau Cách mạng Tháng Mười (1917) các nhà Bolshevik đã lập ra Liên bang Xô viết đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, hàng loạt nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ra đời đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Thế giới hình thành hai hình thái kinh tế-xã hội với hai thái cực chính trị khá rõ nét, đó là: Chủ nghĩa xã hội (do Liên Xô đứng đầu) và chủ nghĩa tư bản (do Mỹ và phương Tây đứng đầu). Mâu thuẫn và xung đột giữa hai thái cực chính trị chưa bao giờ chấm dứt. Kể cả cho đến ngày nay (khi mà chủ nghĩa xã hội (CNXH) đang lâm vào tình trạng thoái trào) thì cuộc đấu tranh giữa hai thái cực chính trị vẫn âm ỉ và có lúc rộ lên mang tính cục bộ ở một số quốc gia, khu vực.

Sự hình thành của “phi chính trị hóa” quân đội

Trở lại thời kỳ những năm 1940-1970 của thế kỷ 20, khí thế cách mạng XHCN trên thế giới ào lên như nước vỡ bờ, khiến cho chủ nghĩa tư bản (CNTB) lâm vào thế lúng túng. CNTB ngay lúc đó đã hiểu ra rằng không thể đánh đổ CNXH và các đảng cộng sản bằng một cuộc tiến công quân sự vào thành trì của CNXH là Liên Xô. Chính vì vậy các nhà lãnh đạo phương Tây đã cố gắng duy trì một thế cân bằng để ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của CNXH. Khái niệm chiến lược “ngăn chặn” ra đời trong khoảng thời gian này. Biểu hiện có tính hiện thực của khái niệm “ngăn chặn” được bộc lộ ra bằng một đường ranh giới ngầm ngăn cách giữa hai trào lưu tư tưởng phương Đông-phương Tây. Giữa hai cường quốc đại diện cho hai thái cực chính trị là Liên Xô và Mỹ đã diễn ra một cuộc “Chiến tranh lạnh” có một không hai trong lịch sử cận đại và hiện đại. Tính chất của cuộc chiến tranh này được bộc lộ bằng cuộc chạy đua vũ trang với điểm mấu chốt là sự so đọ về vũ khí hạt nhân. Chính vì vậy, khi đến cuối giai đoạn của cuộc “Chiến tranh lạnh” (những năm 80 của thế kỷ trước), số lượng vũ khí hạt nhân của hai bên đã lớn đến mức có thể hủy hoại hàng chục lần toàn bộ sinh linh trên trái đất.


Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên “Chiến tranh lạnh” rồi cũng khiến phương Tây không thể tiến về phương Đông, thế nên khái niệm chiến lược “diễn biến hòa bình” ra đời. Mục tiêu của “diễn biến hòa bình” là đánh đổ, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo xã hội của đảng cộng sản, thiết lập một xã hội dân chủ tư sản, đa nguyên, đa đảng. Phương tiện của “diễn biến hòa bình” là thúc đẩy nền dân chủ kiểu phương Tây, mà trước hết là những đòi hỏi dân chủ về chính trị, như: Tự do thành lập các đảng phái chính trị, tự do lập hội... Thủ đoạn của “diễn biến hòa bình” sử dụng tổng hợp các thủ đoạn làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào nền tảng tư tưởng có tính “kim chỉ nam” của đảng cộng sản là Chủ nghĩa Mác-Lênin, làm xói mòn lòng tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của đảng cộng sản, sử dụng vật chất làm tha hóa nền kinh tế XHCN, tiến tới thay thế dần bằng nền kinh tế tư bản chủ nghĩa; truyền bá lối sống thực dụng tư sản... Và một điều quan trọng trong chiến lược “diễn biến hòa bình” là phải tha hóa quân đội, “phi chính trị hóa” quân đội, làm cho quân đội mất mục tiêu chiến đấu, mất mục tiêu chính trị, nghi ngờ, xét lại về nền tảng tư tưởng. Những thủ đoạn này đã đem lại kết quả với phong trào “cách mạng nhung” diễn ra ở hầu hết các nước XHCN thuộc Đông Âu vào năm 1989. Sự sụp đổ có tính dây chuyền của đảng cộng sản ở các nước, như: Tiệp Khắc, Hungary, Anbani, Rumani, Bulgaria, Ba Lan... đã khiến thành trì của CNXH do Đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ lãnh đạo bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xuất phát từ đường lối cải tổ không phù hợp, cộng với sự chống phá của các thế lực thù địch, Liên Xô lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Cuối năm 1991, M.K Gorbachyov, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô, thu hồi thẻ đảng của các đảng viên. Nước Nga và 14 nước thuộc Liên bang Xô viết tuyên bố độc lập. Quân đội Liên Xô lúc bấy giờ còn tới hơn 3,6 triệu quân nhưng bị mất phương hướng chính trị, nên không thể bảo vệ được chế độ, không thể bảo vệ sự tồn tại của Liên bang Xô viết. Sự tan rã của Liên bang Xô viết và Đảng Cộng sản Liên Xô có thể gọi là thời kỳ kết thúc cuộc “Chiến tranh lạnh” kéo dài nhiều thập niên.

Kết quả của con đường dân chủ theo kiểu phương Tây đã không như mong muốn của nhiều nhà lãnh đạo các nước thuộc Liên bang Xô viết khi từ bỏ con đường cộng sản. Cho đến tận bây giờ, sự bất ổn về chính trị đã kéo theo những xung đột vũ trang, tranh giành quyền lực tại nhiều quốc gia, như Gruzia, Abkhazia, Ukraina...

Âm mưu chống phá ta lâu dài

Ở Việt Nam, các thế lực thù địch đã thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng từ ngay sau khi chúng ta thực hiện thành công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân vào tháng 4-1975. Khi chế độ thực dân kiểu mới bị thất bại hoàn toàn, trước khi rời khỏi Việt Nam, đế quốc Mỹ và tay sai đã tìm mọi cách để cài cắm, móc nối, gây dựng lực lượng để chống phá ta lâu dài. Theo tài liệu ta thu được của địch, đế quốc Mỹ khẳng định “biến cố” 30-4-1975 là sự kiện tất yếu nằm trong tiên liệu, đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự kiện này và xây dựng kế hoạch hậu chiến gồm 6 nhiệm vụ: 1. Bao vây cấm vận, cô lập Việt Nam trên trường quốc tế, thực hiện “diễn biến hòa bình”. Thực hiện công việc này người Mỹ đã đơn phương cấm vận kinh tế đối với Việt Nam từ suốt năm 1975 và kéo dài tới tận 20 năm sau; 2. Khuyến khích dòng người di tản, vượt biên sang Mỹ để tạo lực lượng chống phá lâu dài; 3. Tuyển chọn, huấn luyện gián điệp cài cắm vào nội bộ ta; 4. Chỉ đạo hậu thuẫn cho thế lực phản động trong nước hình thành lực lượng mới, tập hợp số tay sai cũ nhằm phục thù; 5. Tập hợp, tuyển mộ các đối tượng phản động người Việt lưu vong để nuôi dưỡng, huấn luyện và vũ trang xâm nhập vào nội địa, móc nối với lực lượng phản động trong nước nhằm thực hiện “trong nổi dậy, ngoài đánh vào”; 6. Xây dựng Thái Lan thành bàn đạp chiến lược, là một “địa tâm đảo” của “kế hoạch hậu chiến”, tạo chỗ đứng chân cho thế lực phản động lưu vong(1). Từ các căn cứ ở Thái Lan, đầu thập niên 1980, nhóm phản động lưu vong do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy cầm đầu đã tổ chức 17 chuyến đưa lực lượng, vũ khí xâm nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên toàn bộ số phản động lưu vong này đã bị LLVT ta tiêu diệt và bắt sống, trong số bị bắt sống có cả Mai Văn Hạnh. Những năm sau đó, Mỹ tiếp tục đưa các nhóm phản động lưu vong khác về Việt Nam, điển hình là nhóm của Hoàng Cơ Minh (năm 1987), nhưng đều bị thất bại.

Từ đó đến nay Mỹ và các thế lực thù địch không ngừng tìm mọi cách để chống phá cách mạng Việt Nam vẫn với mục tiêu cuối cùng là loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi xã hội, xóa bỏ CNXH ở Việt Nam. Các phong trào “dân chủ”, các loại đảng phái được chính quyền phương Tây dung túng, nuôi dưỡng, hỗ trợ về tài chính như đảng Việt Tân, khối 8406, gần đây là “nhóm 72” và một số tổ chức phản động khác... với mục tiêu là nhằm làm rối loạn về chính trị, để tiến tới thay đổi thể chế ở Việt Nam.

Nhìn nhận một cách khái quát về tình hình chống phá của các thế lực thù địch để thấy rằng kẻ thù chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta.

Thế nhưng với sự ủng hộ của nhân dân, sự trung thành tuyệt đối của LLVT đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân khiến âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch khó có thể trở thành hiện thực. Nhận ra một trong những “điểm mấu chốt cần phải phá vỡ” để thúc đẩy tiến trình loại bỏ vai trò lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam đó là phải tiến hành “phi chính trị hóa”, "dân sự hóa" quân đội thì mới có thể làm suy yếu QĐND Việt Nam, làm mất chức năng bảo vệ Đảng của quân đội, nên các thế lực thù địch quyết tâm tấn công vào quân đội đến cùng. Với luận điểm của một số nhà tư sản phương Tây: “LLVT (quân đội và công an) phải duy trì tính trung lập về chính trị”, hay “LLVT chỉ trung thành với Tổ quốc và nhân dân, không phải trung thành với bất kỳ đảng phái, tổ chức nào” rồi chúng suy luận “đối với Việt Nam, LLVT (cụ thể là QĐND Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam) không phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Thực ra, luận điệu “phi chính trị hóa”, "dân sự hóa" quân đội không phải là điều gì mới mẻ mà khái niệm này đã xuất hiện từ lâu. Các nước có đa đảng phái thường sử dụng khái niệm này để nhằm hạn chế sự can dự của quân đội vào cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực giữa các đảng phái, phe nhóm chính trị. Từ năm 1905, Lênin đã chỉ ra rằng: “Những câu nói của bọn tôi tớ của nền chuyên chế về tính trung lập của quân đội, về sự cần thiết phải giữ cho quân đội đứng ngoài chính trị... là giả dối, rằng những lời đó không thể mong được binh lính đồng tình một chút nào”(2). Âm mưu của “phi chính trị hóa” quân đội chính là nhằm tách quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng, tiến tới vô hiệu hóa quân đội, khiến cho quân đội không còn là công cụ bạo lực sắc bén của Nhà nước chuyên chính vô sản thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân. Khi mà quân đội và công an mất mục tiêu chính trị, đội ngũ cán bộ của hai lực lượng này dao động thì các thế lực thù địch, cơ hội, sẽ ra tay lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thay đổi thể chế ở Việt Nam theo kịch bản gọi là “cách mạng hoa nhài”.

Trước khi chúng ta ban hành Hiến pháp năm 2013, một số thế lực đã lợi dụng chủ trương của Đảng về việc huy động trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đóng góp ý kiến vào bản dự thảo Hiến pháp để tuyên truyền xuyên tạc về vai trò của quân đội và đòi hỏi Đảng từ bỏ vai trò lãnh đạo quân đội. Các thế lực này công khai đòi bỏ Điều 4 của Hiến pháp (Điều 4 Hiến pháp quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam-Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội...). Rồi họ đòi hỏi “bỏ quy định LLVT phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam” (được quy định trong Điều 65 của Hiến pháp là: Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế). Họ cũng vin vào lý do trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (năm 1946) lá cờ thêu 6 chữ “Trung với nước-Hiếu với dân”, để từ đó suy diễn: “Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ yêu cầu quân đội phải trung thành với Nhà nước”. Họ cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh “chưa bao giờ yêu cầu quân đội phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam” để xuyên tạc tư tưởng nhất quán của Người về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Sự thật của vấn đề này là: Năm 1946, Đảng ta đã rút vào hoạt động bí mật, quân đội không phải hoàn toàn do Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền. Một lý do nữa đó là, Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ là một người ngoài Đảng (luật sư Phan Anh). Việt quốc, Việt cách (Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mệnh đồng minh hội) cũng nắm một số bộ trong Chính phủ... nên trong tình thế ấy, với tư duy chính trị sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những lời nói và việc làm rất sáng suốt. Còn năm 1964, khi phát biểu nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(3). Ngay trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Người xác định rất rõ: “Tên: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự...”(4). Trong suốt quá trình tổ chức lãnh đạo, xây dựng, giáo dục, rèn luyện Quân đội ta, Người luôn nhắc nhở: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”(5), hoặc khi nói chuyện vớí các cán bộ, học viên tại Trường Chính trị trung cấp quân đội (ngày 25-10-1951) Người đã nói: “Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là QĐND. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là QĐND thì phải học chính sách của Đảng”(6). Nêu những cứ luận trên để thấy, Chủ tịch  Hồ Chí Minh chưa bao giờ nêu vấn đề “QĐND không phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam” như một số luận điệu của các thế lực thù địch đã xuyên tạc. Mà phải khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo QĐND Việt Nam, quân đội phải bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân luôn là vấn đề nhất quán và xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh.  

Tiếc thay một số cán bộ trong bộ máy công quyền của Đảng và một số cán bộ đã từng công tác trong quân đội cũng đã từng hùa theo luận điệu của các thế lực thù địch, phản động để đưa ra những đòi hỏi “LLVT (quân đội và công an) phải duy trì trung lập về chính trị”. Đây thực chất là biểu hiện của quan điểm “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” quân đội, được các thế lực thù địch và một số kẻ cơ hội chính trị lấp liếm trong sự đánh tráo của câu chữ. Thực chất của “trung lập về chính trị” nghĩa là quân đội phải đứng giữa các lực lượng chính trị, không can dự vào chính trị, đồng nghĩa với “quân đội phi chính trị”. Điều này hoàn toàn trái ngược với nguồn gốc và bản chất của QĐND Việt Nam. (còn nữa)

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục