Vững bước dưới cờ Đảng quang vinh Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là tất yếu khách quan
Cập nhật ngày: 25/12/2019 06:58 (GMT +7)

Cần phải khẳng định rằng, dù ở bất kỳ chế độ xã hội nào, bất kỳ quốc gia nào thì quân đội vẫn phải chịu sự chi phối của chính trị. Lênin đã khẳng định: “Không lôi kéo quân đội vào chính trị-đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động”.

Bài 2. Bản chất cách mạng của quân đội xuất phát từ sự lãnh đạo của Đảng

Không có quân đội đứng ngoài chính trị

Hiện nay ở nước Mỹ, cho dù là Đảng Cộng hòa, hay Đảng Dân chủ giành quyền lãnh đạo thì quân đội Mỹ cũng không thể đứng ngoài chính trị. Quân đội Mỹ là quân đội do nhà nước tư bản lập ra và nuôi dưỡng, nên nó dứt khoát phải bảo vệ quyền lợi cho nhà nước tư bản và chế độ tư bản chủ nghĩa. Hơn thế, quân đội Mỹ còn thực hiện các chính sách chính trị của giới cầm quyền, đưa quân đi xâm lược các nước khác có chủ quyền, nhằm hiện thực hóa đường lối chính trị của giới cầm quyền. Các cuộc chiến tranh tại Việt Nam, I-rắc, Nam Tư, Li-bi... do quân đội và chính phủ Mỹ gây ra, chính là để thực hiện đường lối và quan điểm chính trị của giới cầm quyền Mỹ. Trong khu vực Đông Nam Á cũng có nước quân đội liên tục tham gia vào các cuộc đảo chính lật đổ chính phủ hợp pháp, tạo ra sự bất ổn cho đất nước. Thế cho nên không thể nói “quân đội đứng ngoài chính trị” như một số nhà diễn thuyết phương Tây vẫn rao giảng.


Khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Ảnh minh họa: TTXVN.

Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện. Ngay từ ngày đầu thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã có chi bộ Đảng lãnh đạo do đồng chí Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) làm thư ký chi bộ. Công tác chính trị cũng hình thành dưới sự phụ trách của Chính trị viên Xích Thắng. Trong suốt 75 năm qua, Đảng ta luôn khẳng định vai trò lãnh đạo của mình đối với quân đội nói riêng và lực lượng vũ trang (LLVT) nói chung. Tuy hệ thống tổ chức đảng trong quân đội có lúc thay đổi theo nhiệm vụ, nhưng về quan điểm lãnh đạo của Đảng đối với quân đội luôn luôn nhất quán đó là: Đảng lãnh đạo QĐND Việt Nam và Công an nhân dân (CAND) Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt; sự lãnh đạo của Đảng được tập trung thống nhất vào Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Đảng quyết định những vấn đề cơ bản xây dựng QĐND và CAND trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN), giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tham gia xây dựng đất nước. Nhà nước thống nhất quản lý đối với quân đội, công an và sự nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đảng lãnh đạo quân đội tuyệt đối có nghĩa là không nhường quyền lãnh đạo cho bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào khác. Đảng lãnh đạo quân đội trực tiếp về mọi mặt nghĩa là Đảng lãnh đạo quân đội bằng hệ thống tổ chức của Đảng trong quân đội, không thông qua bất kỳ một bộ phận, khâu trung gian nào; Đảng lãnh đạo toàn diện các mặt công tác, các nhiệm vụ mà quân đội thi hành.

Để tăng cường vai trò lãnh đạo của mình, Đảng đã tổ chức ra hệ thống tổ chức của Đảng trong quân đội. Về mặt hình thức, hệ thống tổ chức của Đảng được tổ chức theo hệ thống dọc từ Quân ủy Trung ương cho đến chi bộ. Trong Điều lệ Đảng được Đại hội XI của Đảng thông qua, tại các điều: 25, 26, 27 đã quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Đảng trong quân đội. Bên cạnh đó, Ban Bí thư đã ban hành các quy định về tổ chức đảng, về cơ quan chính trị; Quân ủy Trung ương quy định về tổ chức cơ sở đảng trong QĐND Việt Nam cũng rất rõ ràng. Nhất là từ năm 2005, Đảng ta thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam theo Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 20-7-2005 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (thực hiện chính thức từ ngày 19-5-2006) thì sự cụ thể hóa những vấn đề cơ bản về xây dựng Đảng và tổ chức lãnh đạo của Đảng trong quân đội được quy định trong Điều lệ Đảng càng trở nên rõ ràng và chặt chẽ. Các quy định đó còn thể hiện sự quán triệt tinh thần đổi mới trong công tác tổ chức và cán bộ, đổi mới phong cách làm việc, thể hiện ý chí giữ vững nguyên tắc tổ chức và lãnh đạo của Đảng đối với quân đội mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.   

Cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội được xác định trong các văn kiện của Đảng đã phản ánh những vấn đề cơ bản của học thuyết Mác-Lênin về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, về xây dựng LLVT cách mạng. Cơ chế lãnh đạo này cũng thể hiện sự quán triệt đường lối, nhiệm vụ chính trị, đường lối nhiệm vụ quân sự của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới; đồng thời nó phát huy được truyền thống tốt đẹp và kinh nghiệm quý báu của Đảng ta, Quân đội ta trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Cơ chế đó cũng là sự đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của Đảng, từ những bài học đau xót sau sự sụp đổ của Đảng Cộng sản ở các nước Đông Âu và Liên Xô. Cơ chế lãnh đạo mà Đảng ta đã xác định “bảo đảm sự lãnh đạo vững chắc của Đảng trong mọi tình huống, giữ vững nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phát huy cao độ trách nhiệm vai trò của người chỉ huy và hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị, không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội”.

Thực tế 75 năm qua (từ khi QĐND Việt Nam thành lập - 22-12-1944 / 22-12-2019), sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội luôn là nguyên tắc cơ bản, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi và sự trưởng thành của Quân đội ta. Trong tình hình hiện nay, sự nghiệp xây dựng LLVT, củng cố quốc phòng nói chung, xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại nói riêng càng đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Điều đó sẽ bảo đảm cho quân đội luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, trung thành vô hạn với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội (CNXH), tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân.

Như trên đã đề cập, sự lãnh đạo của Đảng không chỉ thể hiện ở Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà còn được thể hiện ở hệ thống tổ chức đảng các cấp trong quân đội. Như vậy, tôn trọng và phục tùng sự lãnh đạo của Đảng là không chỉ tôn trọng và phục tùng sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương mà còn phải tôn trọng và phục tùng sự lãnh đạo của tổ chức đảng các cấp trong quân đội. Qua một thời gian dài thực hiện các nghị quyết của Đảng và từ kiểm nghiệm thực tiễn, cho phép chúng ta nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc về hệ thống tổ chức của Đảng trong quân đội và càng khẳng định Đảng bộ Quân đội tổ chức theo hệ thống dọc là chính xác, khoa học và hợp lý. Kinh nghiệm xương máu rút ra từ phương pháp tổ chức hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội ta và quân đội của một số nước XHCN trước đây ở Đông Âu cho thấy, muốn có sự lãnh đạo vững chắc, thì sự lãnh đạo đó phải luôn được bảo đảm trực tiếp từ trên xuống dưới, không một tổ chức nào có thể thay thế được vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và cấp ủy đảng.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, và duy trì sức mạnh của quân đội thì mọi hoạt động, tổ chức, sinh hoạt nội bộ và phong cách làm việc, phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong cấp ủy, phải nghiêm chỉnh thực hiện chế độ đảng ủy lãnh đạo tập thể đi đôi với phân công cá nhân phụ trách. Đây là chế độ lãnh đạo duy nhất đúng đã được kiểm nghiệm qua hai cuộc chiến tranh giải phóng và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Do đó, bất kỳ đảng viên nào, dù giữ cương vị chủ trì lãnh đạo hay chỉ huy đều phải hành động theo sự phân công của tập thể cấp ủy, chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết của tập thể cấp ủy theo chức trách của mình. Mọi sự tập trung quan liêu, chuyên quyền, độc đoán, gia trưởng, đặt “cái tôi” lên trên sự lãnh đạo của tập thể cấp ủy... đều trái với nguyên tắc lãnh đạo của Đảng và sẽ dẫn đến những sai lầm trong lãnh đạo, chỉ huy, là mầm mống gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng, làm cho vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước trở nên kém hiệu lực.

Trên cả bình diện lý luận và thực tiễn ta có thể thấy, chế độ đảng ủy là chế độ tổ chức để thực hiện và giữ vững sự lãnh đạo của Đảng ở tất cả các cấp, các đơn vị trong QĐND Việt Nam. Chế độ đó phát huy đầy đủ trí tuệ tập thể cũng như trách nhiệm của các cá nhân trong thực hiện mọi nhiệm vụ, mọi mặt công tác của các cơ quan, đơn vị. Thông qua việc thực hiện nghiêm ngặt chế độ lãnh đạo đó để bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên về lập trường, quan điểm tư tưởng, về phẩm chất và năng lực, về tính Đảng, tính nguyên tắc, ý thức tổ chức kỷ luật, nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ kiên trung, “vừa hồng, vừa chuyên” cho quân đội và đất nước. Thực hiện chế độ đó cũng là sự bảo đảm để quân đội tạo ra sức mạnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu chính trị, mục tiêu chiến đấu của mình.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là cấp thiết

Trong tình hiện nay, khi mà các thế lực thù địch luôn tìm đủ mọi cách để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là chúng đang ráo riết tìm đủ chiêu trò, âm mưu, thủ đoạn hòng loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ra khỏi lực lượng vũ trang thì việc tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng quân đội và công an càng trở nên bức thiết. Để làm tốt vấn đề trên thì cần tập trung vào một số giải pháp như sau:

Một là, trong bất luận hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo QĐND và CAND tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt. Trên cơ sở nguyên tắc, cấp ủy, người chỉ huy các cấp phải thường xuyên tập trung củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức đảng trong QĐND và CAND, bảo đảm vừa phù hợp với cơ chế, nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, vừa đúng với nguyên lý, lý luận Mác-Lênin về tổ chức quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng QĐND. Đồng thời, phải không ngừng tự chỉnh đốn, tự đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về công tác xây dựng Đảng, gắn với thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bảo đảm cho Đảng bộ Quân đội luôn là một khối thống nhất về ý chí và hành động.

Hai là, trong mọi hoạt động của các tổ chức đảng trong quân đội, phải đặc biệt tôn trọng và đề cao nguyên tắc lãnh đạo tập trung dân chủ, đi đôi với phân công cá nhân phụ trách. Mọi hoạt động của đơn vị và người chỉ huy phải lấy phục tùng nghị quyết của cấp ủy cấp mình và cấp trên làm tiêu chí cao nhất để tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Các hoạt động của cơ quan, đơn vị đều phải được lãnh đạo bằng nghị quyết, bảo đảm cho mọi hoạt động của bộ đội, của đơn vị đều có sự lãnh đạo của Đảng. Trước mắt cần tập trung lựa chọn cán bộ, chuẩn bị tốt nhân sự cho đại hội đảng các cấp trong quân đội tiến tới Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và Đại hội XIII của Đảng. Đội ngũ cán bộ được lựa chọn dự bầu cấp ủy phải là những người có đầy đủ năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, đủ khả năng lãnh đạo, chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ba là, phải tăng cường bồi dưỡng lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về xây dựng Đảng và xây dựng QĐND cho mọi cán bộ trong quân đội nói riêng và LLVT nói chung, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến dịch, chiến lược. Phải làm cho đội ngũ cán bộ của quân đội luôn có nhận thức đúng đắn về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, nắm chắc mục tiêu, nhiệm vụ của đơn vị, từ đó xác định trách nhiệm và đề ra các giải pháp để xây dựng tổ chức đảng ở cấp mình luôn trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Đối với cán bộ trong các tổ chức dân chính Đảng cũng cần phải được tăng cường bồi dưỡng, giáo dục về lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, để từ đó không ngừng nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm của mình trong xây dựng LLVT nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.  

Bốn là, phải tích cực đấu tranh chống lại các quan điểm, tư tưởng sai trái, các nhận thức lệch lạc về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần phải xây dựng các giải pháp để không ngừng củng cố tư tưởng của bộ đội, xây dựng môi trường văn hóa trong đơn vị, làm cơ sở chống lại các loại văn hóa xấu độc có thể xâm nhập vào đơn vị. Muốn thực hiện tốt vấn đề này, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần phải nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, đi trước, làm trước, lời nói đi đôi với việc làm, bảo đảm luôn đúng với quan điểm, đường lối của Đảng. Cần phải cảnh giác, chủ động phòng, chống lại mọi biểu hiện về “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch; chống lại mọi biểu hiện tư tưởng “dân sự hóa” quân đội, hạ thấp vai trò, uy tín của QĐND Việt Nam.

      *

     *          *

Xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại là một nội dung tiếp tục được Đảng ta xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X. Yếu tố “cách mạng” của QĐND Việt Nam chỉ có thể được bảo đảm, sức mạnh của quân đội chỉ có thể được tăng cường, khi vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội được giữ vững và được thực hiện nghiêm chỉnh ở khắp các cấp, các cơ quan, đơn vị trong quân đội. Đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng là quân đội tự hủy hoại sứ mệnh chính trị và sức mạnh chiến đấu của mình. Nhận thức và thấu suốt quan điểm trên để thấy, mọi mưu đồ nhằm tách QĐND Việt Nam khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là âm mưu đen tối của các thế lực thù địch, là trò lừa phỉnh của những kẻ cơ hội về chính trị mà chúng ta cần phải tích cực đấu tranh, kiên quyết loại bỏ nó khỏi đời sống của cán bộ, chiến sĩ thuộc QĐND Việt Nam nói riêng và LLVT Việt Nam nói chung.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục