42 năm Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc (20-9-1977 / 20-9-2019) Việt Nam - thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên hợp quốc
Cập nhật ngày: 20/09/2019 09:08 (GMT +7)

Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc (LHQ) vào ngày 20-9-1977, đánh dấu sự ghi nhận của tổ chức toàn cầu lớn nhất hành tinh và cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ. Trong suốt hơn 4 thập niên qua, Việt Nam và LHQ luôn nỗ lực vun đắp, xây dựng mối quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp với những kết quả tích cực.

Một mặt, Việt Nam luôn trân trọng sự hỗ trợ và đồng hành của LHQ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nhất là sự hỗ trợ quý báu và thiết thực về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật trong những năm tháng khó khăn sau chiến tranh. Mặt khác, Việt Nam cũng là thành viên tích cực tham gia và có nhiều đóng góp thiết thực vào cả 3 lĩnh vực thuộc quan tâm chung của LHQ là hòa bình-an ninh, phát triển và bảo đảm quyền con người.


Các nước chúc mừng Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 tại Khóa họp 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 7-6-2019. Ảnh: Tân Hoa xã. 

Trong lĩnh vực hòa bình-an ninh, Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ trong việc giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam là thành viên của hầu hết các điều ước quốc tế về giải trừ quân bị, như: Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Công ước Cấm vũ khí sinh học (BWC), Công ước Cấm vũ khí hóa học (CWC)… Một mốc son phải kể đến, đó là bắt đầu từ năm 2014, Việt Nam đã cử các sĩ quan tham gia các phái bộ Gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Trong lĩnh vực phát triển, từ một nước nghèo bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành một nước có thu nhập trung bình. Việt Nam có thể tự hào vì với sự trợ giúp hiệu quả của LHQ, chúng ta đã trở thành một trong những quốc gia thành công trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ. Trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các nỗ lực thúc đẩy quyền con người trên thế giới, đề xuất và được thông qua nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em, đưa ra và tham gia nhiều sáng kiến như bảo vệ quyền lao động của người khuyết tật, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển, tăng cường giáo dục, phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái… Việt Nam cũng là thành viên của các điều ước quốc tế chủ chốt nhất về quyền con người như: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước quyền trẻ em.

Với những nỗ lực và đóng góp có hiệu quả đối với các hoạt động và quá trình phát triển của LHQ, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tín nhiệm, đánh giá cao, thể hiện rõ nhất qua việc chúng ta được bầu với số phiếu cao vào nhiều cơ quan của LHQ, như: Hội đồng Bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2008-2009), Hội đồng Kinh tế-Xã hội (hai nhiệm kỳ 1998-2000 và 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (nhiệm kỳ 2015-2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (nhiệm kỳ 2017-2021). Và mới đây nhất, Việt Nam đã được đông đảo các quốc gia thành viên tín nhiệm cao bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Việc Việt Nam lần thứ hai trong vòng hơn 10 năm được bầu là thành viên cơ quan có vai trò hàng đầu của LHQ trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế của Việt Nam đổi mới, hội nhập, mà còn là sự tin tưởng, kỳ vọng vào những đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế trong những năm tới.

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn coi quan hệ hợp tác với LHQ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Trên cơ sở quan hệ tốt đẹp hơn 40 năm qua, chúng ta hoàn toàn lạc quan về mối quan hệ Việt Nam-LHQ trên chặng đường phía trước, qua đó cùng đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để màu cờ xanh của LHQ sẽ mãi là màu xanh của hòa bình, của phát triển bền vững, là màu xanh của niềm tin và hy vọng vào một tương lai tươi sáng.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục