Bài 1: Vì sao “sàng nhiều, lọc ít”
Cập nhật ngày: 24/09/2020 09:58 (GMT +7)

Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 21-1-2019 "Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng” đã qua gần hai năm đi vào cuộc sống nhưng không ít cấp ủy, tổ chức đảng vẫn còn lúng túng tìm giải pháp, biện pháp thực hiện.

Loạt bài này của chúng tôi muốn tìm ra nguyên nhân của sự lúng túng nói trên, từ đó luận bàn một vài giải pháp khả thi nhất, mong góp phần triển khai một công tác được coi là rất khó khăn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay...

Sàng lọc đảng viên là yêu cầu khách quan của mọi chính đảng. Đảng như một cơ thể sống, mỗi đảng viên là một tế bào của đảng. Tế bào khỏe mạnh thì đảng phát triển, tế bào hư hỏng thì đảng yếu ốm, vì thế phải đào thải tế bào hư hỏng, tránh để lâu trong đảng sẽ “di căn” sang tế bào khác. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền. Vào Đảng là cơ hội để đảng viên cống hiến, hy sinh cho lý tưởng của Đảng; đồng thời cũng là cơ hội để đảng viên được giữ những chức vụ nhất định trong hệ thống chính trị. Có chức vụ thì có danh, có lợi, điều đó là một sự thực hiển nhiên. Vì thế mà Đảng cầm quyền phải đặc biệt coi trọng công tác sàng lọc đảng viên, nhằm đưa ra khỏi Đảng những kẻ thoái hóa, biến chất, cơ hội, vụ lợi.

Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư đánh giá: “Công tác rà soát, sàng lọc đảng viên chưa kịp thời, không quyết liệt, còn lúng túng, thiếu thống nhất giữa các tổ chức đảng. Còn một bộ phận đảng viên thiếu gương mẫu, thiếu bản lĩnh, bị cám dỗ bởi lợi ích cá nhân, suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; có việc làm, phát ngôn sai nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng; một số có biểu hiện dao động, hoài nghi về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Những khuyết điểm, yếu kém đó ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng”. Qua gần hai năm thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW, có thể thấy, đánh giá trên vẫn giữ nguyên tính thời sự.


Ảnh minh họa: vov.vn. 

Vì sao việc sàng lọc đảng viên lại khó như vậy? Trước hết, bởi một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ đảng viên rơi vào suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã ảnh hưởng lớn đến tính chiến đấu của nhiều chi bộ, cấp ủy, tổ chức đảng. Lâu nay, nhiều người vẫn thường đặt câu hỏi: “Một bộ phận không nhỏ là bao nhiêu, gồm những ai?” mà không thấy rằng, trong mỗi con người đều có mặt, có lúc, có nơi bị suy thoái, biến chất, không ai tốt đẹp tới mức hoàn mỹ cả và việc chỉ ra những đảng viên suy thoái, biến chất là trách nhiệm chung của tất cả mọi người. Người dân có trách nhiệm chỉ ra đảng viên (nhất là đảng viên có chức, có quyền) suy thoái, biến chất. Đảng viên có trách nhiệm chỉ ra những người đồng chí của mình đã và đang bị suy thoái, biến chất. Chừng nào Đảng ta chưa tuyên truyền, giáo dục và tổ chức cho quần chúng, đảng viên hiểu rõ điều này, tham gia tích cực vào khâu giám sát, quản lý đảng viên thì công tác sàng lọc đảng viên còn gặp khó khăn.

Đặc điểm tâm lý, văn hóa con người Việt Nam cũng là một nhân tố khách quan tác động đến công tác sàng lọc đảng viên. Trải qua hàng nghìn năm cùng nhau dựng nước và giữ nước, sống trong cộng đồng làng xã nên người Việt Nam coi trọng lối sống tình nghĩa, thủy chung, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Mặt trái của lối sống duy tình ấy là tâm lý xem thường lối sống duy lý, thiếu kỷ cương, kỷ luật theo nếp nghĩ “phép vua thua lệ làng”, “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, “đóng cửa bảo nhau”, “tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại”, cả nể... Tâm lý ấy cản trở tinh thần đấu tranh, khuyến khích kiểu sống “dĩ hòa vi quý”, “mũ ni che tai”. Trong khi đó, Đảng ta lấy tự phê bình và phê bình là nguyên tắc tổ chức sinh hoạt, là quy luật tồn tại và phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều bài về tự phê bình và phê bình. Người nhấn mạnh: Tự phê bình rất khó, nhưng không tự phê bình khác nào người có bệnh mà giấu bệnh. Giấu bệnh thì càng ngày bệnh càng nặng, đến khi nặng quá không chữa được thì chết.

Cách ví dụ rất sinh động, dễ hiểu như vậy, đảng viên ta nói chung ai cũng thấy đúng, nhưng không phải ai cũng thật thà tự phê bình. Vì thế mà khi tiến hành sàng lọc đảng viên, các căn bệnh cũ tái phát, việc sàng lọc lâm vào lúng túng, “ai cũng biết nhưng không ai thấy”.

Tâm lý duy tình còn tác động vào quan hệ giữa khen thưởng và thi hành kỷ luật Đảng. Điều lệ Đảng hiện nay, Điều 35 quy định: “Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời” thì Điều 34 quy định: “Tổ chức đảng và đảng viên có thành tích được khen thưởng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương”. Quy định là như vậy, nhưng chúng ta không có điều khoản nào nói về mối quan hệ giữa khen thưởng và kỷ luật, hay nói cách khác là giữa công và tội. Thành ra, khi xem xét xử lý kỷ luật, phần xét công để giảm tội rất cảm tính. 

Để sàng lọc đảng viên có hiệu quả, điều mà các chi bộ, cấp ủy, tổ chức đảng cần nhất hiện nay là hệ thống văn bản, quy chế, quy định, hướng dẫn nội dung, phương thức, quy trình, thủ tục một cách cụ thể, rõ ràng của Đảng. Tuy nhiên, hệ thống văn bản lãnh đạo hiện hành của Đảng chưa bao quát hết những yêu cầu trên. Thực tế, đã có nhiều tỉnh ủy tích cực, rốt ráo chỉ đạo việc rà soát, sàng lọc đảng viên theo Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư, nhưng mỗi nơi làm một kiểu. Có nơi ban hành chỉ thị, có nơi ban hành hướng dẫn, có nơi gắn với hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo định kỳ, cá biệt có nơi để chỉ thị này “ngủ yên” trong ngăn kéo. Điều đó dẫn đến tình trạng “sàng nhiều, lọc ít”.

Sàng lọc đảng viên là vấn đề con người, vấn đề chính trị của Đảng, của đất nước, nhưng chúng ta chưa có cơ chế, quy định, hướng dẫn cụ thể để người dân và đảng viên tham gia. Một trong những cơ sở để sàng lọc đảng viên không còn đủ tư cách là vấn đề minh bạch tài sản. Người dân sống cùng khu dân cư, đảng viên sống cùng chi bộ có thể cảm nhận và biết được sự bất thường về tài sản của cán bộ, đảng viên nhưng cơ chế nào để cấp ủy, tổ chức đảng thu nhận được đầy đủ ý kiến của họ làm căn cứ sàng lọc đảng viên? Đây cũng là một vấn đề lớn, gây lúng túng, bị động trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư. Trong khi đó, những vấn đề mới phát sinh, ví dụ như dư luận trên mạng xã hội có phải là căn cứ để tiến hành sàng lọc đảng viên hay không? Thực tế đã có cấp ủy, tổ chức đảng xử lý kỷ luật đảng viên từ thông tin trên mạng xã hội và đáng tiếc là có những vụ xử lý oan sai, gây khiếu kiện trong đảng viên.

Tất cả những vấn đề trên cho thấy, sau Chỉ thị số 28-CT/TW, Đảng cần có những văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể, cập nhật sát thực tế hơn nữa thì chỉ thị mới có thể đi vào thực tế cuộc sống. Đó sẽ là “cái sàng” để tổ chức cơ sở đảng tiến hành thanh lọc đảng viên.

Năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Lâu nay, công tác cán bộ được bàn nhiều nhưng công tác đảng viên thì còn ít được bàn, trong khi đây là công tác rất quan trọng. Muốn Đảng mạnh, trước hết mỗi đảng viên phải tốt.Muốn vậy, phải làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên, sàng lọc, xử lý những đảng viên vi phạm, chống cho được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ, thà ít mà tốt còn hơn đông nhưng không mạnh, hữu danh vô thực... 

(còn nữa)

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục