Trong khi cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng phấn khởi chào đón, nỗ lực thi đua chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1-8-1930/1-8-2020), thì một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) lại có biểu hiện tư tưởng tiêu cực, xem nhẹ vai trò của công tác tuyên giáo (CTTG) đối với sự nghiệp cách mạng; chưa thấy hết những nỗ lực, đóng góp, cống hiến, hy sinh của đội ngũ cán bộ tuyên giáo cả nước qua các thời kỳ.

 Bài 1: Không thể phủ nhận một thành quả vĩ đại!

Biểu hiện rõ nét đầu tiên dễ nhận thấy là một số CB, ĐV định kiến cho rằng: Cán bộ tuyên giáo là những người “chỉ giỏi nói, chứ không làm”, không sinh ra vật chất hữu ích cho xã hội, thành thử khi về cơ sở, khi đến với dân, vận động quần chúng kém hiệu quả, không được dân tin, dân theo; hoặc nếu có cũng chỉ là những cái “gật đầu” do gượng ép, nể nang hình thức.

1. Thực chất của những biểu hiện trên là mầm mống ban đầu của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tác hại không nhỏ đến đời sống tư tưởng, tâm lý cộng đồng xã hội; khiến nhiễu loạn thông tin đối với quần chúng nhân dân. Bởi thế, dẫu các biểu hiện chưa rõ hình hài, mới manh nha bước đầu, nhưng cấp thiết phải được nhận diện, đẩy lùi, trả lại sự thật khách quan. Với cách tiếp cận đó, xin viện dẫn ra đây một số câu chuyện đơn lẻ, đời thường để tái hiện bức tranh chân thật nhất về hiệu quả CTTG và những đóng góp của đội ngũ cán bộ tuyên giáo.

Chuyện ở buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’Gar, Đắc Lắc. Trong ngôi nhà văn hóa buôn vốn còn nhiều đơn sơ, thiếu thốn cơ sở vật chất, lại trưng bày một tủ sách khá hiện đại với đầy đủ các loại sách lý luận, văn hóa, nghệ thuật được sắp đặt ngay ngắn, gọn gàng phục vụ nhu cầu đọc của người dân. Nói như khoe với chúng tôi, ông Ma Bút (67 tuổi) buôn trưởng Ea Mấp giọng chưa chuẩn tiếng phổ thông nhưng rất hào sảng: “Đây là chiếc tủ chứa mặt trời của buôn!”.


Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951). Ảnh tư liệu.

Theo ông Ma Bút, mặt trời của buôn Ea Mấp trước hết là tri thức mà sách mang lại, nhưng quý hơn là “ánh sáng của Đảng” được phản ánh trong sách. Nhờ đọc, nhờ học, nhờ đi theo Đảng mà người dân trong buôn tìm được con đường đến với mặt trời. Họ không còn nặng gánh trước những hủ tục nhiêu khê, không còn nghe lời mật ngọt xúi giục, lôi kéo của người xấu và những kẻ chống đối cách mạng, để rồi "bị lừa" tham gia gây rối trật tự an toàn xã hội như thời điểm những năm 2001, 2004... Giờ đây, mặt trời của buôn Ea Mấp luôn được chiếu sáng mỗi ngày-đó là chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước được tuyên truyền, giáo dục đến với từng người dân; đó là sự hỗ trợ, giúp đỡ của hệ thống chính trị địa phương, trong đó có đóng góp rất lớn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắc Lắc-đơn vị kết nghĩa với buôn Ea Mấp, giúp người dân từng bước nâng cao nhận thức, xóa đói giảm nghèo.

Một câu chuyện khác hiện hữu nơi ngã 3 giao nhau giữa con phố Lý Nam Đế và Phan Đình Phùng (TP Hà Nội). Nơi ấy có một người đàn ông chạy xe ôm tên là Trần Quốc Trọng (66 tuổi) hay dừng xe đón khách. Kỳ lạ thay, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng ngày nào ông cũng dành dụm chút tiền mua báo để đọc. Bắt chuyện với ông-người đàn ông chưa được học bất kỳ trường lớp đại học nào, nhưng kiến thức chính trị và khả năng luận bàn các vấn đề thời sự thì không phải ai cũng theo kịp. Ông khảng khái bằng chất giọng chân chất, rằng nếu người dân không quan tâm đến chính sự, thời sự đất nước thì người ấy không phải là công dân yêu nước, không xứng là công dân Việt Nam. Bởi thế, ông rất vui trước nhiều quyết nghị của Trung ương về công tác nhân sự vừa qua, nhất là những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về lĩnh vực này. Ông kể rằng, có thời điểm mất ngủ vì lo ngại trước các vấn đề ở Biển Đông, hay thực trạng tham nhũng ở một số nơi còn phổ biến...

Ở một nơi khác giữa đất Tổ Vua Hùng, Thương binh Cao Văn Minh (75 tuổi, ở tổ 2, khu 8, Nông Trang, Việt Trì, Phú Thọ) chia sẻ rằng, bây giờ, cầm điện thoại lên, bật ti vi kết nối Youtube là có thể tình cờ bắt gặp, đọc và xem những bài viết, clip có nội dung tung tin hỏa mù, phản động, chống phá cách mạng của các lực lượng thù địch. Giữa hỗn tạp thông tin, mỗi người dân luôn có trách nhiệm lựa chọn, tiếp nhận thông tin chính thống, biết xem cái đúng, cái hay, cái có lợi cho bản thân, xóm giềng, quê hương. Đó là một thành quả của CTTG và công tác tư tưởng (CTTT) của Đảng.

Đúng như vậy! Ít dân tộc nào trên thế giới như dân tộc Việt Nam, dù vẫn còn đó nhiều hạn chế, khó khăn; vẫn bị ảnh hưởng bởi lề lối, nếp nghĩ của tư tưởng phong kiến và tác phong nông nghiệp, nhưng hết thảy người dân đều rất quan tâm đến thời cuộc và các vấn đề chính trị của đất nước. Thật dễ để bắt gặp, chứng kiến những cuộc trò chuyện bên bàn cờ, ấm chè, bữa rượu... nhưng người dân lại luận bàn về vấn đề nhân sự đại hội, chia sẻ quan điểm về tình hình thời sự thế giới, khu vực; thông tin cho nhau về các chủ trương, giải pháp mới của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; hay bày tỏ sự chưa hài lòng, băn khoăn trước những tồn tại, nảy sinh... Và hơn thế, rất dễ cảm nhận được bầu không khí lạc quan, yêu thương, kính trọng của người dân dành cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước...

Hướng về Đảng, quần chúng một lòng cần mẫn, sáng tạo lao động sản xuất; nhịp điệu thi đua yêu nước rộn ràng, nhộn nhịp khắp mọi thôn làng, ngõ xóm, đường phố: Xã mình phải cán đích nông thôn mới vào năm nay; làng ta phải xây cho bằng được nhà văn hóa; đất nước ta phải giàu có... Những câu nói ấy không chỉ hiện hữu trên trang sách giáo khoa, trong lời giảng của thầy, cô mà là lời răn dạy truyền tai nhau qua nhiều thế hệ, giữa cộng đồng chòm xóm, láng giềng. Đặc biệt, dường như tính Đảng vốn có sẵn trong mỗi người dân Việt Nam, lộ ra là tinh thần đấu tranh chống tiêu cực, mạnh mẽ phê bình đội ngũ cán bộ, tổ chức đảng địa phương và cả xóm giềng vì chưa quyết tâm lao động làm giàu, còn sống cá nhân, thiếu ý thức cộng đồng... Bởi thế, mỗi khi đội bóng đá Việt Nam thắng trận, hàng triệu người lại phất cao cờ Đảng, cờ Tổ quốc, hò reo, hô vang hai chữ Việt Nam. Bởi thế mà khi đại dịch Covid-19 tràn qua mọi vùng lãnh thổ, quốc gia trên thế giới, toàn thể người dân Việt Nam lại chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh, ai cũng biết đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết để đất nước tìm lại bình yên.

2. “Đó là một thành quả lớn, lớn lắm, quý lắm, quý hơn cả khối vật chất khổng lồ về cơ sở hạ tầng mà chúng ta dày công xây dựng hơn 35 năm đổi mới”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Tư lệnh Quân khu 4) nhận định như vậy khi nói về thành quả của CTTT và đóng góp của ngành Tuyên giáo cả nước thời gian qua. Và quả đúng vậy, đã có hàng trăm đề tài khoa học, hàng nghìn cuốn sách, hàng triệu tác phẩm báo chí nói về thành quả CTTT trong Đảng và nêu bật đóng góp lớn lao của CTTG trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong kỷ yếu Hội thảo khoa học kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1-8-1930/1-8-2020), hàng trăm nhà khoa học đầu ngành cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương đã cung cấp thêm dữ liệu thực tiễn, luận cứ khoa học để góp tiếng nói, khẳng định thành quả kỳ vĩ, to lớn của ngành Tuyên giáo đối với sự nghiệp cách mạng nói chung, với CTTT của Đảng nói riêng.

Sự đóng góp của CTTG được thể hiện trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực nổi bật, như tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế; củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, về đất nước và con người Việt Nam; nâng cao uy tín và vị thế của đất nước; góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới... Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, CTTG từ Trung ương đến địa phương đã có sự chuyển biến sâu sắc và đạt được những kết quả nổi bật, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Các nhà khoa học cũng nhận rõ một thực tế rằng, làm CTTT trong kỷ nguyên số hiện nay sẽ gặp không ít khó khăn, phức tạp hơn trước. Điều đó không chỉ đòi hỏi đội ngũ cán bộ nói chung, nhất là cán bộ tuyên giáo phải thực sự dấn thân vào thực tiễn, mà rất cần tri thức, trình độ, kinh nghiệm và sự sáng tạo tuyệt vời của từng tổ chức, cá nhân đang gắn bó với ngành Tuyên giáo của đất nước.

3. Với sứ mệnh "đi trước, mở đường" và dự báo sớm tình hình đó, từ rất lâu, ngành Tuyên giáo đã triển khai những giải pháp toàn diện, đồng bộ, sát thực tiễn cơ sở. Ở mỗi thôn, bản, làng quê, phố phường cho đến biên cương, hải đảo... ngành Tuyên giáo đều bố trí đội ngũ cộng tác viên hùng hậu và cắt cử cán bộ chuyên trách quản lý địa bàn, tiến hành CTTT ở mọi lúc, mọi nơi.

Đúng như cách so sánh, ví von độc đáo của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, ngành Tuyên giáo giống như một cái cây khổng lồ, với bộ rễ hết sức đặc biệt, ăn sâu, bám kỹ vào cộng đồng, kết nối đến từng người dân và hộ gia đình. Đó là một bộ máy khoa học và cách mạng triệt để, bởi người trong biên chế không đông về số lượng, nhưng toàn ngành đã huy động sự vào cuộc của đông đảo cộng tác viên, người có uy tín ở cộng đồng và phát huy hiệu quả “tai mắt nhân dân” tham gia hiệu quả vào mặt công tác đặc biệt hệ trọng của Đảng.

Rất dễ dàng để bắt gặp những cán bộ tuyên giáo, cán bộ của Đảng về cơ sở, ăn cùng dân, ở cùng dân, bám dân để giúp dân và tuyên truyền, giáo dục, tiến hành CTTT. Để rồi từ những tế bào nhỏ ấy kết lại, tạo nên nguồn dữ liệu khổng lồ, giúp việc nhận định, đánh giá, tổng hợp, dự báo, định hướng CTTT, dư luận xã hội được sát, đúng, hiệu quả. Cũng từ đó, CTTT trong Đảng, trong dân, giúp Đảng ban hành những chủ trương, giải pháp giữ yên lòng dân, phát huy sức dân và củng cố, tăng cường niềm tin vững chắc của dân dành cho Đảng.

Đảng cần dân liệu, Đảng cần dân lo, Đảng phát dân động, Đảng lãnh đạo dân hưởng ứng, thực hiện... là trục chính trong bầu không khí tư tưởng quần chúng. Niềm tin của dân với Đảng thể hiện không chỉ bằng quyết tâm chính trị mà rõ ràng hơn, thiết thực hơn là ở thành quả cách mạng. Từ hiệu lệnh chỉnh đốn Đảng, dân dùng tai, mắt phản ánh, kiểm tra, giám sát tiêu cực, đấu tranh với bệnh tật trong hàng ngũ cầm quyền. Từ tiếng trống lệnh đổi mới, dân cần mẫn trên từng luống cày, nhiệt huyết làm giàu đổi mới chính mình, góp phần dựng xây quê hương, non sông, gấm vóc. Từ chủ trương xây dựng nông thôn mới, đâu đâu cũng toát lên tinh thần “nhà nước và nhân dân cùng làm”, thôn nào, xã nào cũng có những tấm gương người dân hiến đất làm đường, những hạt nhân đoàn kết “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Để chỉ trong khoảng 10 năm triển khai, diện mạo nông thôn cả nước được thay áo mới, chất lượng đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Từ chủ trương của Đảng về xây dựng khu vực phòng thủ, giữ vững an ninh chính trị địa bàn, mỗi người dân bỗng trở thành chiến sĩ, mỗi làng bản là một pháo đài... Hay từ quyết tâm chính trị bảo vệ biển đảo Tổ quốc, mỗi con thuyền ngư dân ra khơi đều tung bay cờ Tổ quốc, với lời thề giữ biển và làm chủ tài nguyên giàu có của đất nước không chỉ bằng trí tuệ, mồ hôi mà cả sự hy sinh, cống hiến lớn lao!

Tất cả những vốn liếng thực tiễn ấy là minh chứng rõ nét cho lòng tin và niềm tin của nhân dân dành cho Đảng, một lòng đi theo con đường đổi mới mà Đảng đã lựa chọn. Điều đó cũng minh chứng cho hiệu quả CTTT của Đảng trong dọc dài những chặng đường lịch sử vẻ vang và nhất là trong buổi bình minh của kỷ nguyên số hôm nay.

Đó cũng là cơ sở để phủ nhận, đẩy lùi mọi biểu hiện xem nhẹ hoặc xét lại thành quả CTTT của Đảng và hạ thấp những đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà trong một bộ phận CB, ĐV hiện nay!

(còn nữa)

QDND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục