Cả nước vì Hải Dương – Hải Dương vì cả nước
Cập nhật ngày: 02/03/2021 07:09 (GMT +7)

Bám trụ tại "tâm dịch Covid-19" Hải Dương gần 2 tuần qua, chúng tôi đã chứng kiến nhiều chuyện cảm động về tình cảm, sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ của cả nước với tỉnh Hải Dương cùng sự nỗ lực, quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hải Dương trong phòng, chống dịch (PCD), quyết tâm không để dịch lan rộng với tinh thần: Hải Dương vì cả nước....

Cả nước vì Hải Dương...

Ngay khi dịch Covid-19 tại tỉnh Hải Dương bùng phát mạnh, nhóm phóng viên của Báo Quân đội nhân dân đã hành quân vào vùng "tâm dịch". Trên đường đi, chúng tôi nhận được tin vui: Bộ tư lệnh Quân khu 3 đã điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện, thiết bị PCD hỗ trợ tỉnh Hải Dương "chiến đấu" với dịch Covid-19. Khi chiếc xe chở chúng tôi vừa dừng trước chốt kiểm soát xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc-cửa ngõ ra vào vùng dịch-cũng là lúc 500 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Công an được điều động đến tăng cường cho các chốt phòng dịch, điểm cách ly ở Hải Dương. Những ngày tiếp theo, khi tác nghiệp tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, chúng tôi gặp nhiều y, bác sĩ đến từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và cả những y, bác sĩ đến từ TP Hồ Chí Minh xa xôi... Tất cả đều sát cánh cùng với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hải Dương trên mặt trận PCD.

Trước tình thế dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Hải Dương phải mở rộng, bố trí thêm các điểm cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến. TP Đà Nẵng và Tập đoàn Sun Group đã nhanh chóng giúp Hải Dương triển khai nhanh Bệnh viện dã chiến số 3; Quân khu 3 đã biến các doanh trại trên địa bàn TP Chí Linh thành nơi cách ly tập trung. Bên cạnh đó, các đoàn chuyên gia PCD cũng tình nguyện làm việc xuyên Tết, kéo dài thời gian hỗ trợ tỉnh trong giám sát dịch tễ, điều trị cho các bệnh nhân. Đặc biệt, Bộ Y tế đã điều động nhiều nhân lực, chuyên gia đầu ngành và hàng chục tấn trang thiết bị, thuốc men góp phần quan trọng bảo đảm cho công tác PCD Covid-19, như: Hỗ trợ máy móc với năng lực điều trị cho 200 người tại bệnh viện dã chiến số 1 ở TP Chí Linh và 400 người tại Bệnh viện dã chiến số 2 ở TP Hải Dương...


Hơn 800 công nhân trong khu vực bị phong tỏa tại thôn Tiền, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng được hỗ trợ gạo và các nhu yếu phẩm. 

Những ngày qua, sau khi Báo Quân đội nhân dân và một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh việc nông dân Hải Dương gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản, nhiều tổ chức, cá nhân đã nhiệt tình kêu gọi và tổ chức tiêu thụ nông sản giúp bà con Hải Dương. Ngày 1-3, chứng kiến từng đoàn xe gắn dòng chữ “Xe đi thu mua nông sản ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng dịch Covid-19”, Thượng tá Nguyễn Ngọc Tú, Chính trị viên Ban CHQS huyện Tứ Kỳ, cho biết: "Tứ Kỳ là huyện thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu trông chờ vào nông sản. Thời gian đầu dịch bùng phát, hàng nghìn tấn nông sản bị hỏng do không tiêu thụ kịp. Tuy nhiên, sau đó nhờ có sự hỗ trợ tiêu thụ giúp bà con nên gần 1.600 tấn rau, củ, quả đã được "giải phóng", đời sống và sản xuất của người nông dân bớt nhiều khó khăn". Cùng với Tứ Kỳ, nông sản đến kỳ thu hoạch trên khắp tỉnh Hải Dương đã được nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiêu thụ. Thật cảm động khi nhiều bà mẹ, chị em ở Hà Nội dù nhà neo người vẫn mua cả bao tải rau, củ, quả từ các xe hay cửa hàng "giải cứu nông sản giúp bà con Hải Dương" với nụ cười hồn hậu "mua nhiều để giúp bà con vùng dịch, về chia sẻ với hàng xóm nữa"...

Hôm tới thôn Tiền (thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng), chúng tôi được chứng kiến buổi chính quyền địa phương hỗ trợ gạo cho công nhân trong khu vực bị phong tỏa. Ông Nguyễn Văn Quê, Trưởng thôn Tiền cho biết: "Chúng tôi nhận được khoảng 3 tấn gạo từ các đơn vị ủng hộ để trợ giúp cho khoảng 800 công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Đại An và Đại Dương. Trước đó đã có đội thiện nguyện đi 5 xe ô tô chở khoảng 10 tấn rau xanh đến ủng hộ”.


Hội Chữ thập đỏ TP Hải Dương chuẩn bị cấp phát lương thực, nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Trước sự đồng hành, tương trợ và động viên, chia sẻ của cả nước dành cho tỉnh Hải Dương, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương xúc động cho biết: "Dân tộc ta vốn có truyền thống "lá lành đùm lá rách". Trong lúc khó khăn do dịch bệnh gây ra, tỉnh Hải Dương đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ về nhân lực, vật chất và tinh thần của cả nước. Đây là nguồn động viên rất lớn, là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương thêm quyết tâm, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, sớm đẩy lùi dịch bệnh, góp phần cùng cả nước chiến thắng đại dịch Covid-19".

Hải Dương vì cả nước

Những ngày tác nghiệp ở vùng "tâm dịch", chúng tôi nhận rõ, đáp lại tình cảm của cả nước hướng về Hải Dương, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hải Dương đã triển khai quyết liệt các biện pháp PCD theo đúng quan điểm chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”; quyết tâm khống chế, ngăn chặn kịp thời, không để dịch lây lan. "Chúng tôi luôn đề cao trách nhiệm cùng cả nước PCD với tinh thần "chống dịch không chỉ riêng cho Hải Dương mà còn giữ an toàn cho cả nước". Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có nơi, có lúc thực hiện các biện pháp PCD chưa thực sự bài bản. Nhưng Hải Dương rất cầu thị, tiếp thu, khắc phục ngay những vấn đề còn tồn tại mà Trung ương yêu cầu..."-đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Chúng tôi hiểu những điều đồng chí cán bộ đứng đầu Đảng bộ tỉnh Hải Dương tâm sự, bởi trong gần hai tuần tác nghiệp tại "tâm dịch", nhóm phóng viên nhiều lần gặp Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh và cán bộ các sở, ngành, cấp huyện, xã... ở những điểm "nóng", nhất là các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, khu vực phong tỏa... Có những đêm hơn 23 giờ, phóng viên Báo QĐND gọi điện hỏi thông tin PCD mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy vẫn nhiệt tình cung cấp...


 Gia đình chị Đồng Thị Phú ở thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tình nguyện mỗi ngày bảo đảm hơn 100 suất ăn cho lực lượng phòng, chống dịch và công dân trong khu cách ly.

Không chỉ các đồng chí lãnh đạo quyết liệt, sát sao trong công tác PCD, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, dân quân tự vệ, nhân viên y tế, giáo viên, thanh niên tình nguyện và cả các cựu chiến binh xung phong trực tại các chốt kiểm soát phòng dịch hoạt động suốt 24/24 giờ, đội mưa làm nhiệm vụ. Nhiều y sĩ, bác sĩ cả dân y và quân y trực cả tháng trời trong các bệnh viện dã chiến, khu cách ly; tận tình phục vụ bệnh nhân Covid-19 và các F1, F2 xuyên Tết không về nhà, trong điều kiện lúc nào cũng phải mang mặc đồ bảo hộ rất gò bó, khó chịu và nhiều đêm phải thức trắng... Được biết, toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 11.000 tổ giám sát Covid cộng đồng, với sự tham gia của gần 2,5 vạn người. Hằng ngày, thành viên các tổ này "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đúng các quy định PCD, lấy khai báo y tế và kịp thời phát hiện các "F" để vận động, đề nghị đưa đi cách ly y tế... Chúng tôi nhớ mãi hình ảnh ông Nguyễn Quang Huy ở thôn Thu Lãng, xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) dù tuổi cao nhưng vẫn dò dẫm trong lúc trời tối đến từng gia đình vận động thực hiện quy định PCD, bởi theo ông: "Giờ này thì bà con mới ở nhà đầy đủ các chú ạ"!

Đến thời điểm này, có thể khẳng định, công tác PCD Covid-19 ở Hải Dương đã đi đúng hướng, đạt hiệu quả rõ rệt. Tình hình dịch bệnh đã được chủ động kiểm soát tốt; số ca dương tính với virus SARS-CoV2 chủ yếu là từ diện F1 đã được cách ly tập trung, không có khả năng lây ra cộng đồng và đang giảm dần, nhất là ở những khu vực từng là "điểm nóng" của dịch như TP Chí Linh, TP Hải Dương, huyện Cẩm Giàng; nguy cơ lây lan đã được khống chế. Đồng bào cả nước đã nhận được nhiều tin vui từ Hải Dương: Số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi, ra viện ngày càng đông; các khu cách ly đã giảm dần số người. Trong số hơn 16.400 người diện F1 cách ly tập trung, đã có 13.000 người được về cách ly tại nhà; nhiều nhà máy, xí nghiệp, công ty đã trở lại hoạt động...

Tại cuộc họp sáng 1-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương thống nhất từ ngày 3-3-2021, tỉnh Hải Dương kết thúc 15 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng, đồng thời chuyển toàn tỉnh sang trạng thái mới, vừa PCD Covid-19, vừa thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội (các xã, khu, điểm dân cư đang phong tỏa thì thực hiện cho tới khi hết lệnh phong tỏa). Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện nhanh các ca nhiễm SARS-CoV-2 để kịp thời khoanh vùng, truy vết thần tốc, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức điều trị hiệu quả, dập dịch dứt điểm, không để dịch có cơ hội lây lan, tiến tới dập dịch hoàn toàn... Tại cuộc họp này, tỉnh Hải Dương bước đầu rút ra "5 chủ động trong PCD", gồm: Giám sát phát hiện mầm bệnh trong cộng đồng với hệ thống y tế được kích hoạt lên mức độ cao nhất, lấy mẫu xét nghiệm bất kể ngày đêm, trả kết quả chỉ trong 24 giờ (với công suất xét nghiệm 80.000 mẫu gộp/ngày đêm; truy vết khoanh vùng, dập dịch, phản ứng nhanh nhạy với mọi tình huống phát sinh; tổ an toàn Covid-19 cộng đồng hoạt động hiệu quả, là "cánh tay nối dài" của ban chỉ đạo PCD, cấp ủy, chính quyền các cấp với phương châm hoạt động "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người"; công tác điều trị bệnh nhân tích cực, không có bệnh nhân nào tử vong; chủ động áp dụng các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh với các Tổ an toàn Covid-19 trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Tin tưởng, theo tinh thần "Cả nước vì Hải Dương-Hải Dương vì cả nước", với sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của Trung ương và các bộ, ngành, địa phương, nhân dân mọi miền Tổ quốc; với những kinh nghiệm đã được đúc rút và sự chủ động, quyết liệt, thần tốc, nỗ lực vượt khó của cả hệ thống chính trị, quân và dân tỉnh Hải Dương, chỉ trong thời gian ngắn nữa dịch Covid-19 ở Hải Dương sẽ được dập tắt hoàn toàn, góp phần cùng cả nước chiến thắng đại dịch Covid-19, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Đảng, Nhà nước đã xác định.

Sáng 1-3, phát biểu tại hội nghị trực tuyến đánh giá công tác PCD Covid-19 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức, PGS,TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng đoàn PCD Covid-19 của Bộ Y tế nhận định: Dịch Covid-19 biến chủng ở Hải Dương phức tạp, nguy hiểm hơn rất nhiều so với những lần bùng phát dịch trước đây. Tỉnh Hải Dương có số lượng F1 cao nhất cả nước, lên đến 16.388 người, đã lấy mẫu xét nghiệm 377.066 người... Nhưng với sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, sau 34 ngày chống dịch không ngừng nghỉ, Hải Dương đã khống chế tốt dịch Covid-19. Nhất là tỉnh Hải Dương đã triển khai mô hình "Tổ Covid-19 cộng đồng" và "Tổ an toàn Covid-19". Đây là "vũ khí" hiệu quả của "cuộc chiến tranh nhân dân trong dập dịch Covid-19" nên đề nghị tỉnh Hải Dương cần tiếp tục duy trì mô hình này một cách thực sự hiệu quả...

QĐND
Các tin khác:
Niềm vui xuân mới (06/02/2024 07:06)

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục