Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu hụt khoảng 200.000 tấn. Nguyên nhân là do dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung trong nước bị giảm, giá thịt lợn trong nước tăng cao. Để bình ổn thị trường, đặc biệt là trước và sau Tết, Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu thịt lợn .

Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn(NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho hay, mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019.

Theo đó, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh để giảm thiệt hại. Ban Bí thư và Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo sát sao để giảm thiểu thiệt hại của dịch tả lợn châu Phi ở mức thấp nhất có thể.

Dịch bệnh đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay, số lợn buộc tiêu huỷ là 152.000 con, giảm 65% so với tháng 10/2019 và giảm 88% so với tháng 5/2019 – là tháng cao điểm. Đã có hơn 60% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó có 14 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày. Nhiều địa phương cũng đã chỉ đạo tái đàn để cung cấp lợn thịt cho thị trường.


Lo thiếu thịt lợn dịp Tết, Việt Nam sẽ nhập khẩu từ nước ngoài. Ảnh minh họa

"Tổng đàn lợn hiện còn 25 triệu con, trong đó lợn nái 2,7 triệu con, lợn giống thuần chủng 109.000 con, đảm bảo việc tái đàn bằng giống chất lượng cao", ông Tiến nói.

Bộ NN&PTNN đã chỉ đạo, phổ biến, hướng dẫn tái đàn lợn, để nhân rộng các mô hình gia trại, trang trại, doanh nghiệp và tỉnh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm tăng cường sức đề kháng, do đó hạn chế dịch tả lợn châu Phi.

Ngoài ra, so với năm 2018, năm nay tổng sản lượng thực phẩm tăng 390.000 tấn gồm thịt gia cầm, thịt trâu bò, dê cừu..., một phần phục vụ tăng trưởng, phần khác bù đắp thiếu hụt thịt lợn.

Trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng lượng thịt lợn nhập khẩu là 54.000 tấn. Nhằm  bình ổn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý tới đây, Bộ NN&PTNT đã đề xuất cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có hiệp định song phương về xuất, nhập khẩu thịt lợn để cân đối việc thiếu hụt thịt lợn trong nước và đảm bảo hải hoà lợi ích giữa các bên.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lo ngại, nguồn cung thịt lợn trong nước bị giảm, khiến  giá thịt lợn trong nước tăng cao. Nếu không cẩn trọng, tới Tết và cả sau Tết vấn đề thiếu thịt  không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của người dân mà còn đến cả CPI, sự ổn định của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có chỉ đạo đề nghị Bộ NN&PTNT tính toán cân đối cung cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là nhu cầu tăng cao trong những ngày lễ, tết để cùng với Bộ Công Thương có phương án nhập khẩu thịt lợn ở các nước có thương mại hai chiều với nước ta.

Bộ Công Thương sẽ  tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, kể cả các doanh nghiệp để nắm bắt được tình hình trong nước, cung-cầu, với các biện pháp phù hợp đảm bảo nguồn cung trong nước. Trước mắt,  đã phối hợp với các doanh nghiệp để đảm bảo được lượng lợn nhập khẩu ở các nước và ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ với các nước đã ký hiệp định thương mại với Việt Nam để đảm bảo nguồn cung về thịt lợn nói chung từ nay đến Tết và cả sau Tết.

SK&DS
Các tin khác:
Niềm vui xuân mới (06/02/2024 07:06)

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục