Phát triển chipset và thiết bị mạng 5G tại Việt Nam
Cập nhật ngày: 01/11/2019 08:10 (GMT +7)

Đây là thông tin được đại diện Viettel, Vingroup, FPT cho biết tại Tọa đàm định hướng và giải pháp phát triển chipset và thiết bị mạng 5G tại Việt Nam vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức tại Hà Nội.

Làm chủ việc thiết kế, sản xuất chip và thiết bị mạng 5G

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh, Chính phủ có chiến lược "Make in Vietnam" và coi đó là con đường tất yếu để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Đối với công nghiệp viễn thông sẽ đặt mục tiêu sản xuất chip set cho mạng 5G và các thiết bị IoT. Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi cho sản xuất chip set 5G, IoT vì đây là lĩnh vực công nghệ cao để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Hiện nhiều doanh nghiệp của Việt Nam như: Viettel, FPT, Vingroup đã bắt tay nghiên cứu sản xuất thiết bị này. Tuy nhiên, để làm được việc này cần rất nhiều nhân tài ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, muốn thành công này cần phải xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp sản xuất thiết bị công nghiệp CNTT lớn mạnh.

Theo Vụ Công nghiệp Công nghệ thông tin của Bộ TT&TT, phát triển mạng 5G là một trong những định hướng trọng tâm về nâng cao năng lực hạ tầng số, phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Để triển khai định hướng này, một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng là Việt Nam cần nghiên cứu làm chủ việc thiết kế, sản xuất chip và thiết bị mạng 5G.


Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam.

Hiện trên thế giới có khoảng 131 nhà mạng công bố việc đầu tư phát triển công nghệ 5G. Nhiều công ty lớn như: Ericsson, Nokia, Huawei, ZTE đều đã có sản phẩm trạm BTS 5G thương mại nhằm triển khai cho các nhà mạng. Tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã cấp giấy phép cho doanh nghiệp Viettel, VNPT, MobiFone để bắt đầu thử nghiệm công nghệ 5G tại một số thành phố lớn. 

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel Nguyễn Cương Hoàng cho biết, Viettel có hơn 1.000 kỹ sư CNTT và dành tới 300 kỹ sư có nhiều kinh nghiệm cho chương trình nghiên cứu sản xuất 5G. Tập đoàn này đã phê duyệt dự toán ngân sách 500 tỷ đồng cho việc phát triển Microcell 5G và đang đầu tư phòng Lab 5G trị giá 200 tỷ đồng. Viettel đang hợp tác với nhiều đối tác của Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ về chipset và phần cứng, phần mềm cho 5G.

“Lịch sử Việt Nam chưa bao giờ làm được con chip (bộ vi xử lý) từ đầu đến cuối. Khi chúng tôi nói sẽ sản xuất chipset thì nhiều người không tin. Nhưng chỉ sau 3 năm, Viettel đã làm được chip”, ông Nguyễn Cương Hoàng chia sẻ và cho biết, Viettel sẽ thử nghiệm dịch vụ Microcell 5G vào khoảng tháng 6-2020 và Microcell 5G trên mạng lưới của Viettel. Toàn bộ phần cứng và phần mềm cho thiết bị 5G đều được Viettel nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam. Viettel cam kết sẽ theo đuổi chương trình 5G này.

Trong khi đó, đại diện FPT cho rằng việc sản xuất được chipset là vô cùng khó vì vậy FPT rất nể Viettel chỉ có 3 năm mà sản xuất được. FPT đã đưa ra chiến lược sản xuất chip với thời gian 10 năm và đi từng bước đi khá thận trọng. Sau 5 năm, FPT có hơn 100 kỹ sư có thể thiết kế được chip. Ban đầu FPT chưa làm chip riêng mà mới chỉ có đội ngũ kỹ sư làm chip cho đối tác nước ngoài.


Trình diễn công nghệ 5G đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh.

Điện thoại 5G "Made in Vietnam" sẽ sớm xuất hiện

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Ngô Hoàng Anh, Trưởng phòng Phần mềm nhúng, Viện Nghiên cứu Thiết bị Viễn thông – Công ty VinSmart, thuộc Tập đoàn Vingroup cho biết đang tập trung nghiên cứu và sẽ sản xuất các hệ thống thiết bị 5G, IoT. "Chúng tôi đã xây dựng phòng Lab để hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển điện thoại 5G và các thiết bị viễn thông 5G. Dự kiến, đến tháng 7-2020 sẽ có sản phẩm điện thoại 5G đầu tiên ra mắt. Đến tháng 8-2020 chúng tôi sẽ bắt đầu thử nghiệm các thiết bị viễn thông 5G. Hiện nay, VinSmart cũng đã làm việc với Cisco, Intel để phát triển các thiết bị mạng 5G", ông Ngô Hoàng Anh chia sẻ.


Dây chuyền gắn linh kiện điện tự động tại nhà máy Vsmart.

“FPT cũng như các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam rất máu lửa, mong muốn mình làm được cái gì đấy. Thế giới nói nhiều về 5G và IoT. Hai sản phẩm này là cơ hội vàng cho Việt Nam. Ngành vi mạch của Việt Nam không phải là mới, từ những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã làm được. Thực tế đa số người dùng mua điện thoại chứ không mua chip. Làm chip xong không biết bán cho ai vì chúng ta thiếu hệ sinh thái. Số lượng công ty làm chip rất hiếm, đa số nước ngoài mở nhà máy ở Việt Nam để sản xuất. Thế nhưng chúng ta phải có tư duy làm chủ sản phẩm của mình. Để làm được điều đó cần Nhà nước hỗ trợ như miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân ở khu công nghệ cao”, đại diện FPT nói tại tọa đàm.

Đại diện FPT còn cho rằng, hiện Việt Nam đang trở thành hub cho thiết kế vi mạch. Việt Nam có khoảng hơn 3.000 kỹ sư thiết kế vi mạch. Vì vậy việc sản xuất chip "Made in Việt Nam" không quá xa vời. Tuy đông người, nhưng các công ty của Việt Nam khá rời rạc, không liên kết với nhau.

Với VinSmart, công ty này kiến nghị Bộ TT&TT về việc cấp tần số để có thể thử nghiệm mạng 5G. Do Vinsmart chỉ là một công ty sản xuất thiết bị, việc xin giấy phép khó khăn hơn so với các nhà mạng, ông Ngô Hoàng Anh cho biết. 

Trước đề nghị của VinSmart, đại diện Cục Tần số, Bộ TT&TT cho biết, sẵn sàng tạo điều kiện cấp phép tần số cho Vinsmart để thử nghiệm thiết bị 5G; còn đại diện Cục Viễn thông lưu ý các nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật mà Việt Nam công bố. 

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm yêu cầu Cục Tần số nghiên cứu thêm cấp phép tần số thử nghiệm cho các doanh nghiệp sản xuất thiết bị 5G mà không phải là nhà mạng. Thứ trưởng Phan Tâm mong muốn các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp các trường đại học trong nước để hình thành cộng đồng nghiên cứu và sản xuất chip tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng mong muốn thu hút sự hỗ trợ cộng đồng nước ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước sản xuất chip set. Bộ TT&TT sẽ đứng ra kết nối và tìm ra con đường hợp tác phát triển chip và sẽ nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để sớm đạt được mục tiêu này. Bộ TT&TT sẽ có trách nhiệm hình thành nên một chiến lược để xác định rõ hơn vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thúc đẩy kế hoạch phát triển chipset của các doanh nghiệp Việt Nam. 

QĐND
Các tin khác:
Niềm vui xuân mới (06/02/2024 07:06)

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục