Tạo bứt phá mới nâng cao năng suất lao động
Cập nhật ngày: 08/08/2019 09:22 (GMT +7)

Năng suất lao động (NSLĐ) đang là điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam. Tăng NSLĐ là yếu tố quyết định tới sức cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp (DN). Chủ trì Hội nghị “Cải thiện NSLĐ quốc gia” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hôm qua (7-8), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: NSLĐ của Việt Nam còn thấp nhưng đang được cải thiện nhanh chóng và tiềm lực để tăng năng suất trong mỗi DN, mỗi người dân còn rất nhiều.

Năng suất lao động có tốc độ tăng nhanh

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), NSLĐ phản ánh năng lực tạo ra của cải. Thời gian qua, NSLĐ của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Tính đến năm 2018, chỉ số NSLĐ của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/lao động/năm, tương đương 4.521 USD/lao động/năm (theo giá hiện hành), cao hơn gần gấp đôi so với năm 2011, tăng bình quân 4,88%/năm giai đoạn 2011-2018, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN (Singapore tăng 1,4%/năm; Malaysia tăng 2%/năm; Thái Lan tăng 3,2%/năm; Indonesia tăng 3,6%/năm; Philippines tăng 4,4%/năm).

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, NSLĐ của nước ta vẫn ở mức thấp. Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, NSLĐ nước ta đạt 11.142 USD thì chỉ bằng 7,3% NSLĐ của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Philippines. NSLĐ của Việt Nam chỉ cao hơn 1,6 lần NSLĐ của Campuchia.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm: Nguyên nhân khiến tình trạng NSLĐ Việt Nam còn thấp là do xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, hiệu quả sử dụng nguồn lực còn thấp. Đặc biệt, hiện nay nguồn lao động Việt Nam trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp vẫn còn cao. Ngành nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 16% GDP, nhưng lao động trong khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, hơn 42% tổng số lao động toàn xã hội.


Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty May 10 ở TP Hà Nội. Ảnh: MINH ĐỨC.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết: "Thời gian qua, Việt Nam cạnh tranh chủ yếu dựa trên giá lao động rẻ và chi phí nguyên liệu, trong khi Thái Lan và Malaysia tạo dựng lợi thế cạnh tranh bằng cách liên tục cải tiến sản phẩm, dịch vụ, còn Singapore từ lâu đã cạnh tranh thông qua các sản phẩm, dịch vụ đặc thù với trình độ kỹ thuật rất cao. Việc dựa dẫm vào lợi thế lao động giá rẻ và chi phí thấp trong một thời gian dài đã khiến các DN lơ là trong việc nâng cao khả năng hoạch định chiến lược, trình độ quản trị, đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện tay nghề lao động và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, dẫn đến NSLĐ Việt Nam ngày càng thấp hơn so với các nước trong khu vực”.

Công nghệ và thể chế là giải pháp quan trọng 

NSLĐ Việt Nam còn có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực, điều này cho thấy việc cải thiện NSLĐ của nước ta là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới.

Đề cập tới các giải pháp thúc đẩy NSLĐ, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Việc sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia là rất cần thiết. Trong đó hình thành bộ máy, cơ quan chuyên sâu về NSLĐ, thực hiện nhiệm vụ điều phối, phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia. Cùng với đó, nâng cao NSLĐ trong khu vực DN đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao NSLĐ của toàn bộ nền kinh tế. Do đó, Chính phủ sẽ tập trung cơ chế chính sách, nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Còn DN cần chủ động thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh, ứng dụng các mô hình quản trị hiện đại.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng trong giai đoạn hiện nay, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ, giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng NSLĐ là cần tập trung cải thiện năng suất nội tại của các ngành, các DN. Nêu rõ về vấn đề này, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, bà Thái Hương cho biết: "NSLĐ của ngành nông nghiệp thấp nhất trong các ngành nhưng với Tập đoàn TH-đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, NSLĐ rất cao và ngày càng gia tăng. Điều này xuất phát từ việc Tập đoàn TH đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, ứng dụng khoa học quản trị để có nguồn nhân lực tốt nhất, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo nên giá trị gia tăng rất lớn".

Đồng tình với ý kiến này, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) đề xuất: "Để có thể thực hiện các bước như ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hay đầu tư nguồn lực thì cần phải quy hoạch lại ngành nghề, để có hướng đào tạo cho đúng; cùng với đó cần có quy hoạch địa phương, quy hoạch DN để có được địa phương, DN dẫn đầu, sẽ là nền tảng dẫn dắt các địa phương, DN khác đi lên".

Phát động phong trào năng suất lao động quốc gia

Sau khi lắng nghe ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, NSLĐ tại Việt Nam chưa cao nhưng tăng trưởng NSLĐ năm sau đều cao hơn năm trước, cao hơn nhiều so với các nước ASEAN và nhiều nước trên thế giới. “Tiềm lực để tăng NSLĐ trong mỗi người dân còn nhiều. Nếu chúng ta tăng gấp đôi NSLĐ, khoảng cách thu nhập và mức sống so với các nước sẽ rút ngắn hơn nữa”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định.

Thủ tướng chỉ ra nguyên nhân khiến NSLĐ chưa cao, trong đó nguyên nhân chính là do xuất phát điểm của Việt Nam thấp; một phần vì các điểm nghẽn về thể chế kinh tế; trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực còn thấp; thiếu nhân lực kỹ năng cao, đặc biệt là kỹ năng mới nổi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số; nút thắt về cơ sở hạ tầng, đất đai, tài chính, tiếp cận nguồn lực; tiền lương chưa được vận hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường…

Từ cách phân tích trên, Thủ tướng nêu các định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy tăng NSLĐ. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh cải cách thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao năng lực quản trị Nhà nước, quản trị nền kinh tế. Mọi người dân đều được trao cơ hội phát triển, đóng góp vào sự phát triển đất nước. Định hướng quan trọng để giải bài toán năng suất hiện nay là cải cách khu vực tài chính ngân hàng, để dòng vốn chảy vào khu vực có năng suất cao nhất. Phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường. Cải cách mạnh mẽ và nhanh hơn nữa khu vực DN Nhà nước để khơi thông và giải phóng các nguồn lực cho phát triển; khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tới quan điểm tiếp tục thu hút FDI một cách có chọn lựa, có tính lan tỏa, những ngành có giá trị gia tăng cao, công nghệ tốt, thúc đẩy NSLĐ trong nước. Cùng với đó, tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng thương mại tự do, tận dụng các dòng chảy thương mại để cải thiện NSLĐ của quốc gia.

Đáng chú ý, theo Thủ tướng, một trong những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy NSLĐ quốc gia là thiết lập cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút nhân tài. Ngoài ra, lao động phải được trang bị vốn và công nghệ mới có thể phát huy được năng lực, do đó, đầu tư vào ứng dụng khoa học công nghệ cũng là một chính sách đặc biệt ưu tiên của Chính phủ. “Người Việt Nam có câu ‘Một người lo bằng kho người làm”. Người tài bao giờ cũng giải quyết được nhiều vấn đề trong xã hội”, Thủ tướng phân tích.

Tại hội nghị, Thủ tướng chính thức phát động phong trào NSLĐ quốc gia và khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ luôn đồng hành và mong muốn sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chung tay của các cấp các ngành, cộng đồng DN để cùng nhau tạo nên một cuộc bứt phá mới trong NSLĐ, đưa đất nước Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.

QĐND
Các tin khác:
Niềm vui xuân mới (06/02/2024 07:06)

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục