Có dịp gặp Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Mạnh Hùng trong lần Tiểu đoàn Đặc công 20 (Bộ Tham mưu Quân khu) tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống, người Phó tiểu đoàn trưởng của Tiểu đoàn 20 năm nào (sau này là Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn Đặc công 198, Binh chủng Đặc công) vẫn nhớ như in từng trận đánh, chiến dịch mình tham gia trong kháng chiến chống Mỹ. Trong những ngày tháng vào sinh, ra tử rất đỗi vinh quang ấy, ông cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 20 tham gia đánh Kho Mai Hắc Đế - trận mở màn Chiến dịch Tây Nguyên, cùng nhiều trận đánh tiêu biểu khác...

Đại tá Lê Mạnh Hùng sinh ngày 15-4-1950, tại xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương (Thái Bình), nhập ngũ ngày 15-7-1968. Cuộc đời binh nghiệp của ông từ ngày nhập ngũ đến khi nghỉ hưu gắn bó với bộ đội đặc công, nhất là sự ra đời, trưởng thành, lớn mạnh và lập công xuất sắc của Trung đoàn 198 (nay là Lữ đoàn Đặc công 198).


Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Mạnh Hùng (thứ tư từ trái sang) và các cựu sĩ quan đặc công trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 20, Bộ Tham mưu Quân khu (tháng 6-2019).

Ngày 30 tháng 6 năm 1969, tại xã Tiên Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang), Tiểu đoàn 20 tổ chức công bố quyết định thành lập. Lực lượng ban đầu của Tiểu đoàn có 350 cán bộ, chiến sĩ, được tuyển chọn từ Tiểu đoàn 12 và các Tiểu đoàn huấn luyện tân binh trong Binh chủng Đặc công. Trong số chiến sĩ đó có Lê Mạnh Hùng, vừa hoàn thành xuất sắc khóa huấn luyện nghiệp vụ chiến đấu.

Cuối tháng 1-1970, Tiểu đoàn 20 được lệnh tham gia chiến đấu trên chiến trường nước bạn Lào. Đầu tháng 2, Tiểu đoàn hành quân sang Thượng Lào, tham gia chiến dịch 139 giải phóng Cánh Đồng Chum- Xiêng Khoảng. Đầu tháng 3-1970, đơn vị được giao nhiệm vụ luồn sâu đánh chiếm các mục tiêu ở tuyến trong. Ngày 5-3-1970, đơn vị đánh chiếm đồi Không Tên, tiếp sau đó, đánh cứ điểm Vành Khăn.

Tháng 2-1971, Lê Mạnh Hùng cùng cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của quân chủ lực Sài Gòn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Nam Lào, Tiểu đoàn 20 được điều động vào chiến trường Tây Nguyên, mang phiên hiệu Tiểu đoàn 20B, trực thuộc Trung đoàn Đặc công 198, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, ngày 10-3-1975, với quân hàm Thượng úy, trên cương vị Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn 20B, Lê Mạnh Hùng chỉ huy đơn vị hiệp đồng cùng các lực lượng bất ngờ đánh chiếm Kho Mai Hắc Đế ngay trong thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là tổng kho, chứa mọi lương thực, vũ khí của Tây Nguyên. Chiếm được kho này sẽ tạo bàn đạp cho chiến dịch phát triển đánh tiếp vào sào huyệt địch. Chính vì quan trọng như vậy nên địch bố phòng, tổ chức tuần tra canh gác rất nghiêm ngặt.

Ngoài cả chục lớp rào bằng dây thép gai, còn có một hàng rào bằng tôn dựng sừng sững, leo không được mà vượt qua cũng không được, trong khi đèn lúc nào cũng thắp sáng trưng, trong các lô cốt lính ngụy dày đặc. Vào trận, Thượng úy Hùng trực tiếp chỉ huy 16 tay súng bí mật vượt rào, tiếp cận các vị trí bên trong trận địa, trước đó, anh đã lệnh cho 1 tổ trinh sát kiên trì đào ngách dưới chân hàng rào tôn để từng chiến sĩ có thể lèn người qua. Khi đội hình đang cơ động, thì bất ngờ địch quăng lựu đạn, làm một trung đội phó hy sinh tại chỗ, binh nhất Sơn bị đứt lìa một chân, quằn quại trên vũng máu.

Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, Đại tá Lê Mạnh Hùng không bao giờ quên được hình ảnh thương tâm này cũng như tinh thần dũng cảm của người thương binh. Mắt nhòa lệ, anh ôm chiến sĩ Sơn vào lòng, thầm thì: “Sơn ơi, em mà lên tiếng rên la là tất cả đều chết hết”. Chiến sĩ Sơn không nói nên lời vì quá đau, chỉ trợn mắt, cắn răng gật đầu cho các chiến sĩ chuyển về tuyến sau, không hề có một tiếng rên nhỏ.

Sau khi cả đội hình đã vào trót lọt, đúng giờ G, anh lệnh cho chiến sĩ điểm hỏa khối bộc phá nặng 2kg làm hiệu lệnh. Phía sân bay Hòa Bình, một mũi tiến công của Trung đoàn Đặc công 198 cũng khai hỏa đánh địch. Chiến dịch Tây Nguyên mở màn.

Trong trận này, Lê Mạnh Hùng chỉ huy đơn vị tiêu diệt gần 100 tên, bắt sống 15 tên địch, phá hủy 3 xe tăng, thu nguyên vẹn hơn 100 nghìn tấn đạn pháo và toàn bộ phương tiện, vũ khí trong kho của địch.

Sau trận đánh, Lê Mạnh Hùng tiếp tục tham gia nhiều trận khác trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông gắn bó với bộ đội đặc công đến khi nghỉ hưu trên cương vị Đoàn trưởng Đoàn 198 (năm 2005). 

Với những chiến công xuất sắc, đồng chí Lê Mạnh Hùng đã góp phần quan trọng để Trung đoàn 198 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân ngày 3-6-1976. Cá nhân đồng chí được tặng thưởng 8 Huân chương Chiến công các loại; Huy hiệu Kháng chiến hạng Nhì; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang; Huy hiệu 30 năm, 40 năm, 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, ngày 30-8-2018, Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Đại tá Lê Mạnh Hùng, vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ở tuổi 70, dù đang nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh, ông vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với đồng đội và các đơn vị mình từng gắn bó, là tấm gương để thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay học tập, noi theo.

Bài và ảnh: CHU VI
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục