Những người gác cột mốc biên cương
Cập nhật ngày: 09/12/2019 14:38 (GMT +7)

Tháng Mười một, tiết trời đỏng đảnh như hờn giận, vừa sáng sớm còn rét cắt da thịt, nhưng đến trưa lại đổ nắng như trời hạ. Mặc kệ, từ vùng đất thủ phủ gió ngàn Thái Nguyên, chúng tôi ngược Quốc lộ 1B lên tỉnh Lạng Sơn, để về huyện Cao Lộc, tham quan cột mốc biên cương số 1116. Nơi phân định danh giới giữa nước ta với nước bạn láng giềng Trung Quốc.


Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị giới thiệu với du khách về cột mốc 1116.

 

Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn) cho biết: Cột mốc 1116 được chính phủ 2 nước thống nhất xây dựng từ hơn 10 năm nay. Đây là một trong những cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới Việt Trung. Đối diện với cột mốc này, bên Trung Quốc cắm cột mốc 1117. Đây là các cột mốc cỡ lớn được 2 nước gắn Quốc huy. Và ở khoảng giữa của 2 cột mốc là cửa khẩu Quốc tế hữu nghị, điểm nối tuyến đường cao tốc từ thủ đô Hà Nội sang T.P Nam Ninh (Trung Quốc). Từ xưa, đây có tên gọi: Lăng Quang, sau đổi thành các tên: Đại Nam Quan, giới Thủ Quan, Nam Quan. Năm 1965, cửa khẩu này được đổi thành Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.

Từ nhiều năm nay, cột mốc 1116 được ví như địa chỉ đỏ cho các thế hệ “con rồng cháu tiên” của non sông đất Việt tìm về, trải lòng và hoài cảm lần ngược dòng sử xanh đầy hùng oanh của dân tộc. Bên cột mốc biên cương, nhìn cả một vùng rộng lớn đất đai, núi đè lên núi, rừng rậm, vực sâu, đường dài thăm thẳm mà cảm khái tự hào về thuở đất nước hàn vi, mọi việc đi lại, vận chuyển đều bằng đôi chân đi giày vải, mà cha ông ta một tấc đất không lui. Rồi các thế hệ người Việt Nam, lớp sau theo gương lớp trước, bền bỉ xây cột chủ quyền của sông núi nước Nam. Để từ lâu rồi, cột mốc biên cương 1116, ngoài nghĩa phân định ranh giới giữa 2 quốc gia, còn là một điểm du lịch, một trải nghiệm thú vị và còn là một trường học nhắc nhớ các thế hệ người Việt Nam trân trọng những gì cha ông ta tạo dựng và gìn giữ. 

Thượng tá Bùi Xuân Tài, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cho biết: Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn tuyến biên giới dài gần 4km, với 19 cột mốc, trong đó có cột mốc 1116. Để hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền nhân dân địa phương, xây dựng lực lượng nòng cốt trong nhân dân, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ biên giới. Với phương châm xây dựng trận tuyến từ lòng dân; mỗi người dân là một cột mốc chủ quyền, nên giữa đơn vị và chính quyền nhân dân địa phương luôn có sự phối hợp chặt chẽ trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới. Vì thế, hầu hết các nhóm tội phạm như đưa người qua biên giới trái phép, vận chuyển, buôn bán trái phép các chất ma túy; việc lưu thông hàng hoá, xuất nhập cảnh sai trái với các quy định của Nhà nước đều được phát hiện xử lý kịp thời.

 


Đường lên cột mốc 1116, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

 

Từ chân cột mốc 1116, phóng mắt nhìn thấy cả một vùng biên cương đầy núi cao chất ngất, sừng sững, chúng tôi liên tưởng đến những đường tuần tra của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ biên phòng phải đạp chân lên đá tai mèo sắc nhọn, băng trên đường mòn theo suốt dọc biên cương đầy suối, khe với muỗi mòng, vắt rừng. Rồi sự khắc nghiệt của tiết trời biên giới, nhất là những ngày mùa Đông, sương mù bao phủ, lạnh thấu xương, quần áo phơi không khô vì độ ẩm không khí cao. Nhiều điểm chốt, ngồi trong nhà, hong tay bên bếp lửa mà sương mù từ ngoài núi ùa vào lạnh tê tái. gian nan cơ khổ là thế, nhưng chưa bao giờ cán bộ, chiến sĩ của Đồn lơ là, mất cảnh giác. Vì nhiệm vụ đặt lên vai những người mang quân hàm xanh là bảo vệ vững chắc cột mốc biên cương Tổ quốc. Trong đội hình, cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn xác định rõ nhiệm vụ, trọng trách của mình là bằng mọi giá phải bảo đảm được sự bình yên cho non sông đất Việt.

Theo Thượng tá Vương Quang Thắng, Chính trị viên của Đồn: Nhằm củng cố, xây dựng niềm tin trong nhân dân, tạo dựng hình ảnh cán bộ, chiến sĩ biên phòng đẹp hơn trong mắt người dân, Đồn thường xuyên tổ chức các hoạt động hướng về nhân dân; “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Vì thế, mỗi cán bộ, chiến sĩ của Đồn tích cực tu dưỡng đạo đức lối sống và rèn luyện tư thế tác phong, ứng xử văn hoá của quân nhân; thường xuyên gần gũi, giúp đỡ nhân dân, như: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. kết nghĩa với địa phương, trường học xây dựng mô hình “Biên giới với học đường”; tham gia cùng địa phương xây dựng một số công trình phúc lợi tại khu dân cư. Đặc biệt, với mô hình “Biên giới với học đường”, cán bộ, chiến sĩ của Đồn chủ động phối hợp cùng các trường học tổ chức nói chuyện, tuyên truyền về đường biên giới Quốc gia, về cột mốc Quốc giới.

Cũng bên cột mốc biên cương 1116, mỗi năm có hàng nghìn lượt nhân dân, du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghe cán bộ, chiến sĩ của Đồn nói chuyện về tình hữu nghị giữa 2 quốc gia, về truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam được hun đúc, rèn giũa phát huy ở mọi thời đại. Và mỗi ngày, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị luôn giữ vững đội hình, lặng lẽ trên đường tuần tra, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo BaoThaiNguyen
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục