Những tháng ngày không thể nào quên
Cập nhật ngày: 16/04/2020 07:52 (GMT +7)

Dù đã 45 năm trôi qua nhưng với nhiều cựu chiến binh (CCB) từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những ký ức về “một thời hoa lửa” vẫn còn nguyên vẹn, đầy xúc cảm và tự hào.

Gần 70 năm tuổi đời nhưng CCB Phạm Đức Quân (SN 1951) ở thôn Ngoài, xã Cao Xá (Tân Yên, Bắc Giang) vẫn nhớ như in những ngày cùng đồng đội “luồn sâu đánh hiểm”, bảo vệ các mục tiêu quan trọng để đại quân ta thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. 20 tuổi, chàng trai đất Cầu Vồng tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Đoàn đặc công 367. Trước thềm chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đoàn 367 chia thành Đoàn 316 và 116, ông Quân chiến đấu trong đội hình Đoàn 116. Khi đơn vị được phân công tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, ông hào hứng, vinh dự lắm, luôn tự nhắc nhở bản thân quyết tâm vì đây là trận quyết định của Quân đội nhân dân Việt Nam. 


Các CCB xã Cao Xá (Tân Yên, Bắc Giang) ôn lại kỷ niệm tham gia giải phóng miền Nam (tháng 3-2020).

CCB đặc công nhớ lại: “Đơn vị của chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ các điểm cầu trọng yếu dẫn vào Sài Gòn. Nơi nào cũng có địch với lực lượng đông, vũ khí hiện đại. Ngày 24-4-1975, mũi tiến công của tôi gồm 40 người bắt đầu áp sát cầu Thủ Đức. Đặc công nước thì bí mật bơi vào gần cầu để cản phá, không cho địch đặt mìn tại khu vực này; đặc công cạn thì sẵn sàng ngăn chặn nếu địch rút chạy. Đến nửa đêm 29-4-1975, đại quân của ta gồm xe tăng, pháo binh, bộ binh hùng dũng tiến vào đánh địch trực diện, chúng tôi nhanh chóng hòa vào đoàn quân bộ binh, nhằm thẳng quân thù mà bắn. Lúc ấy đã 5 ngày liền đói, khát, mệt mỏi nhưng chẳng ai nghĩ đến điều ấy, tất cả chỉ cùng mục tiêu, ý chí quyết đánh giặc mà thôi”. Sau khoảng 30 phút chiến đấu ác liệt, bộ đội của ta đã giành ưu thế, chiếm được cầu Thủ Đức. 

Đoàn 116 của ông Quân sau đó nhận lệnh ở lại bảo vệ Nhà máy nhiệt điện và Nhà máy lọc nước Thủ Đức, Đoàn 316 tiếp tục cùng đại quân tiến vào cầu Rạch Chiếc (cửa ngõ phía Đông vào Sài Gòn) để quét sạch giặc thù. Ông Nguyễn Đình Tứ (SN 1952) ở thôn Hà Phú 12, xã Tam Dị (Lục Nam, Bắc Giang) là một trong số nhiều chiến sĩ đặc công Đoàn 316 tham gia chiến đấu ở mục tiêu này. Cuộc chiến đấu hết sức ác liệt, có thời điểm lực lượng đặc công phải tạm thời lui về tuyến sau. Hồi tưởng lại ký ức đó, ông Tứ ngậm ngùi: “Ở trận này, mũi tiến công của chúng tôi có 81 đồng chí thì hy sinh 52 người, những người còn lại ai cũng bị thương. Người này bồng bế người kia ra khỏi nơi nguy hiểm mà đau xót vô cùng thế nhưng ta vẫn mở được đường xông lên”.

Nhiều đồng chí khác tham gia chiến đấu bảo vệ phòng ngoài, cắt đứt chi viện của địch cũng rất khẩn trương, quyết liệt. Ông Nguyễn Văn Chàn (SN 1953) ở thôn Vàng, xã Cao Xá (Tân Yên, Bắc Giang) là một chiến sĩ chiến đấu trong tình thế đó. Ông là Tiểu đội trưởng Tiểu đội đại liên của Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 207, Sư đoàn 8, Quân khu 8 (sau là Quân khu 9), cánh quân của ông chiến đấu ở vùng sông nước Đồng Tháp để ngăn địch tiến sâu và chi viện. “Những ngày đấy, chúng tôi đào hầm ở bờ bao, người lúc nào cũng ẩm ướt, thiếu thốn lương thực nhưng vẫn bảo nhau quyết không rời vị trí khi không có lệnh”, ông Chàn nói. 

Sáng 30-4, từ phía Đông Nam, đội hình của Quân đoàn 2 lần lượt tiến qua cầu Rạch Chiếc, hướng về Dinh Độc Lập, đầu não của chính quyền Sài Gòn. Nằm trong đội hình của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 anh hùng, ông Cao Chức (SN 1946) ở xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) không thể nào quên thời khắc quyết định của dân tộc cách đây 45 năm về trước. Với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, quyết thắng”, bộ đội Quân đoàn 2 phối hợp với các cánh quân khác thừa thắng xông lên. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, xe tăng số hiệu 390 (Lữ đoàn Xe tăng 203) húc đổ cánh cổng sắt Dinh Độc Lập, Đại úy Bùi Quang Thận cắm lá cờ xanh đỏ sao vàng trên nóc Dinh. Tổng thống Dương Văn Minh và toàn thể nội các Việt Nam cộng hòa đầu hàng vô điều kiện, chiến dịch toàn thắng. Mũi tiến công của ông Chức cùng đồng đội tiếp tục khóa chặt các tuyến đường bộ, đường biển, quyết không cho địch rút chạy. Khí thế lên cao, đội quân đánh dồn dập, chiếm gọn Quận 9, Bộ Tư lệnh hải quân ngụy, khu vực Tân Cảng, thu hồi và bắt giữ hàng trăm tàu địch trên sông Sài Gòn. 

Đang say sưa với mạch hồi tưởng về trận đánh, ông Chức bỗng ngước ánh mắt lên cao như thể cố gắng ngăn hàng nước mắt rơi xuống. Người cựu binh run run nói: “Quên làm sao được những năm tháng đó, anh em chúng tôi ôm lấy nhau nhảy múa, người tung mũ, người giương cao súng, người vẫy cờ, ai cũng hát vang khúc ca “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Thế nhưng, chiến tranh ác liệt khiến nhiều đồng đội không được chứng kiến giây phút hạnh phúc trọn vẹn ấy”.

Sau giải phóng, những người lính ấy người tiếp tục chiến đấu, người chuyển ngành, tài sản lớn nhất của họ có lẽ là chiếc Huân chương chiến sĩ giải phóng cài trên ngực áo bên trái. Về đời thường, những cán bộ, chiến sĩ năm xưa tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trở thành tấm gương sáng cho con cháu noi theo. 

Bài và ảnh: MẠC YẾN
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục