Nắm được âm mưu của quân Pháp, ngày 23/9/1947, Khu ủy Khu 1 chỉ thị cho Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng chỉ đạo nhân dân gấp rút chuẩn bị mọi mặt về quân sự, chính trị và nhấn mạnh phải đề phòng khi quân Pháp tấn công lên Việt Bắc, bọn thổ phỉ sẽ nổi lên quấy rối miền biên giới.


Làng Pác Cáy, xã Hòa Chung (nay là tổ 8, phường Hòa Chung, Thành phố) - nơi chiếc máy bay JU-52 của Pháp bị bắn rơi ngày 9/10/1947. Ảnh: Thế Vĩnh

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức họp phiên mở rộng, tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị cho kháng chiến. Hội nghị đã xác định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tập trung vào củng cố lực lượng vũ trang, xây dựng kế hoạch phòng thủ, triệt để thực hiện kế hoạch tiêu thổ kháng chiến, tập trung phá hoại các tuyến Quốc lộ 3, Quốc lộ 4, xây dựng các khu căn cứ của tỉnh và cơ sở…

Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh ra lời kêu gọi: “Giữa lúc Tổ quốc đang lâm nguy, bổn phận của mỗi người công dân là phải nỗ lực làm việc, tăng gia sản xuất để góp phần xương máu vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”.

Chấp hành Chỉ thị của Trung ương Đảng, của Khu ủy, tỉnh đã tăng cường công tác chuẩn bị chiến đấu, thống nhất các biện pháp thực hiện. Trong thế bố trí lực lượng chung tại Khu 1, Trung đoàn 74 có nhiệm vụ chặn địch trên Quốc lộ 4 (từ Đông Khê lên Cao Bằng về Bắc Kạn). Ngoài ra, các đại đội, trung đội, tiểu đội và du kích tập trung của tỉnh, các huyện triển khai tại các địa bàn trong tỉnh.

Ngày 7/10/1947, thực dân Pháp huy động 12.000 quân tinh nhuệ mở cuộc tiến công quy mô lớn lên 7 tỉnh Việt Bắc và trung du, gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Mục tiêu chính là nhằm vào Khu 1. Trong đó, Binh đoàn bộ binh thuộc địa do Bôphơrê chỉ huy xuất phát từ huyện Đình Lập (Lạng Sơn) tiến công theo Quốc lộ 4 lên Cao Bằng để rồi theo  Quốc lộ 3 vòng xuống Bắc Kạn bao vây phía Đông và phía Đông Bắc căn cứ địa Việt Bắc.

10 giờ sáng ngày 9/10/1947, Tư lệnh chiến trường Bắc Đông Dương là Salăng ra lệnh cho 300 quân dù từ 10 máy bay JU-52 nhảy dù xuống Nà Chướng, Nà Lắc (thị xã Cao Bằng) chiếm giữ một số vị trí xung yếu ở phía Đông Nam. Cuộc chiến đấu đánh quân nhảy dù và đánh trả máy bay địch diễn ra vô cùng ác liệt. Khẩu đội súng thượng liên của Trung đoàn 74 bố trí trên đồi Thiên Văn do xạ thủ Nông Văn Diên lập chiến công đã bắn rơi chiếc máy bay JU-52 của Pháp. Chiếc JU-52 bị rơi xuống làng Pác Cáy, xã Hòa Chung (Thị xã), 12 sĩ quan tham mưu và Đại tá Lămbe, Phó Tham mưu trưởng quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Đông Dương bị tiêu diệt.

Ta thu được toàn bộ bản kế hoạch tấn công Việt Bắc của Pháp mang mật danh Léa. Tài liệu đặc biệt quan trọng này đã được chiến sĩ liên lạc Nguyễn Danh Lộc đi bộ liên tục suốt 4 ngày, 3 đêm về đến Định Hóa - Thái Nguyên giao cho Bộ Tổng tham mưu. Nhờ đó, Bộ Tổng chỉ huy của ta có thêm cơ sở vững chắc hoàn chỉnh phương án đánh địch, quyết phá tan cuộc tiến công lên Việt Bắc của thực dân Pháp.

Quân Pháp ngay khi mới đặt chân xuống Cao Bằng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của dân quân, du kích và bộ đội địa phương. Trong đêm 9/10/1947, đội du kích xã Đề Thám (Hòa An) đã bí mật luồn vào đồi Nà Lắc thu một số vũ khí do Pháp thả dù xuống chưa kịp lấy. Sáng hôm sau, đội du kích xã Đề Thám phục kích quân địch ra thu nhặt dù, tiêu diệt 11 tên, thu 1 khẩu súng trung liên, 2 khẩu súng tiểu liên.

Ngày 10/10/1947, quân Pháp chiếm được thị xã Cao Bằng, chúng  tổ chức càn quét, tiến đánh vùng Lam Sơn nhưng bị lọt vào trận địa phục kích của tự vệ Xưởng quân giới Lê Tổ. Sau hai ngày tiến đánh, địch vẫn không vào được khu vực sản xuất mà còn bị tiêu diệt nhiều quân lính, chúng buộc phải rút lui.

Sau khi chiếm thị xã Cao Bằng, thực hiện kế hoạch “vết dầu loang”, thực dân Pháp tiến đánh ra vùng xung quanh. Ngày 12/10/1947, chúng cho quân đánh chiếm xã Đề Thám (Hòa An), đồng thời cho quân nhảy dù xuống Đông Khê (Thạch An), quân Pháp đã bị các lực lượng du kích và đơn vị bộ đội địa phương 670 của huyện Thạch An phục kích đánh chặn diệt thêm nhiều tên. Ngày 14/10/1947, quân Pháp từ Thị xã tiến vào huyện Nguyên Bình, nhưng đã bị bộ đội và du kích ta phục kích đánh ở Nà Bao tiêu diệt nhiều tên.

Ngày 21/10/1947, chúng tiến công vào Mã Phục, Trà Lĩnh bị dân quân du kích chặn đánh, gây nhiều thiệt hại. Ngày 27/10/1947, quân Pháp từ Mã Phục tiến đánh huyện Quảng Uyên, sau đó đánh sang huyện Trùng Khánh nhưng đã bị đội lão du kích Trùng Khánh sử dụng súng “sàng là” tự tạo bằng gỗ nghiến chặn đánh ở đèo Keng Phác, tiêu diệt 6 tên địch.

Sau trận đánh Keng Phác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thơ ca ngợi gương chiến đấu anh dũng của các cụ lão du kích: Tuổi cao chí khí càng cao/Múa gươm giết giặc ào ào gió thu/Sẵn sàng tiêu diệt quân thù/Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng.

Như vậy, ngay từ những ngày đầu  kháng chiến, quân và dân Cao Bằng đã dũng cảm, kiên cường, chủ động đánh địch trên mọi hướng và thu được những kết quả đáng kể. Ngày 15/10/1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Phải phá tan cuộc tiến công mùa đông của địch”, Tỉnh ủy Cao Bằng đã chỉ đạo phong trào thi đua giết giặc và phá hoại các đoạn đường để ngăn cản bước tiến của quân địch, đồng thời chỉ đạo các địa phương gặt nhanh lúa mùa…, dự trữ lương thực phục vụ kháng chiến.

Ở vùng an toàn khu Nà Cốc, Nà Kẻ (miền Tây huyện Thạch An), vùng Lam Sơn (huyện Hòa An), Hà Quảng... là những nơi có cơ quan sơ tán đến ở đã được nhân dân các dân tộc ở địa phương đón tiếp và tạo điều kiện thuận lợi về nơi ăn, ở, chỗ làm việc; nhân dân tản cư cũng được địa phương giúp đỡ tạo việc làm ổn định để tiếp tục vừa sản xuất, vừa chiến đấu.

Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, thành lập các đội phá hoại các trục đường chính. Tháng 11/1947, Cao Bằng thành lập Ủy ban mùa đông kháng chiến đến các huyện, Thị xã để vận động nhân dân quyên góp quần áo, chăn màn tặng bộ đội, chỉnh đốn các tổ chức dân quân - tự vệ, bố trí lực lượng canh phòng, lập làng chiến đấu, đào giao thông hào, đắp ổ tác chiến ở các vị trí quan trọng.

Các đội chống chiến xa, đánh địa lôi, những đội du kích, đại đội độc lập liên tục bám địa bàn đánh địch, làm cho địch vừa phải dàn quân ra nhiều nơi, vừa phải co cụm lại để chống đỡ. Với khẩu hiệu “Mỗi viên đạn một quân thù”, bộ đội và dân quân thi đua chiến đấu đạt hiệu suất cao. Lực lượng du kích các địa phương hoạt động năng động, chiến đấu mưu trí và sáng tạo gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề.

Tiểu đội du kích nữ tập trung của tỉnh Cao Bằng đã dũng cảm chiến đấu diệt nhiều địch ở Nước Hai, Mã Quan, Làng Đền. Công nhân Xưởng quân giới Lê Tổ liên tục chặn đánh địch và tiêu diệt 60 tên, bảo vệ an toàn xưởng quân giới. Đội lão du kích huyện Trùng Khánh chế tạo thêm súng hỏa mai bằng ống nước, cung nỏ để đánh giặc.

Quân Pháp luôn phải cơ động trên các trục đường chính để tiếp tế quân lương, vũ khí đạn dược, đó chính là điều kiện thuận lợi cho quân ta tổ chức lối đánh du kích. Trận phục kích ngày 20/11/1947 tại Bó Mò (cách Đông Khê 4 km) của Trung đội 1 thuộc Đại đội 670 huyện Thạch An, mặc dù chỉ có vũ khí thô sơ nhưng quân ta đã phá hủy 2 xe quân sự, tiêu diệt 7 tên địch, 6 tên bị thương, thu nhiều vũ khí, súng đạn.

Trận phục kích tại Rằng Kheo ngày 3/12/1947 của Đại đội 670, phối hợp với Trung đội du kích tập trung huyện Thạch An sử dụng “sàng là” tự tạo bằng gỗ nghiến và 2 khẩu tiểu liên, còn lại là súng trường tiêu diệt được 11 tên địch. Trận phục kích tại Lũng Mười ngày 1/1/1948 của Tiểu đoàn 73 và Đại đội 670 đã tiêu diệt 73 tên địch, phá hủy 5 xe quân sự, bắn hỏng 40 xe, thu 30 súng các loại cùng nhiều lựu đạn và quân trang, quân dụng.

Mặc dù địch đã rải được quân suốt dọc Quốc lộ 4 và lập nhiều đồn bốt ở những nơi xung yếu, nhưng chúng luôn bị các lực lượng dân quân, du kích và bộ đội chủ lực của tỉnh Cao Bằng giáng cho những đòn chí tử, buộc phải rút lui khỏi Phục Hòa, Quảng Uyên, Tĩnh Túc để tập trung về giữ thị xã Cao Bằng, Nước Hai và Đông Khê.

Trải qua hơn hai tháng liên tục chiến đấu, quân và dân Cao Bằng đã sát cánh cùng quân dân Lạng Sơn chiến đấu kiên cường, cắt đứt giao thông tiếp tế trên Quốc lộ 4, bẻ gẫy gọng kìm phía Đông của địch, thực hiện đúng quân lệnh của Bộ Tổng chỉ huy là đánh mạnh trên đường số 4, tiêu diệt địch, bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc.

Quân và dân Cao Bằng đã đánh 34 trận, tiêu diệt 344 tên, bắn bị thương 67 tên, góp phần tiêu hao sinh lực địch, đẩy chúng vào thế bị động, phải co cụm, chốt giữ một số mục tiêu trên Quốc lộ 4, Quốc lộ 3 và thị xã Cao Bằng.

Những chiến công của quân và dân tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là chiến công đầu bắn rơi chiếc máy bay JU-52, thu toàn bộ kế hoạch tấn công Việt Bắc của địch và những trận tập kích lớn nhỏ của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đã góp phần rất quan trọng vào việc phá tan âm mưu của địch nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và lực lượng bộ đội chủ lực của ta.

Theo BaoCaoBang
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục