Vang mãi bản hùng ca trên Đường 4 rực lửa
Cập nhật ngày: 24/09/2020 14:13 (GMT +7)

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới năm 1950 và Giải phóng Cao Bằng (3/10/1950 - 3/10/2020), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng tự hào viết tiếp bản hùng ca trên trang sử vàng dân tộc về ý chí kiên cường đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Sự kiện mở đầu sự phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam với chiến thuật quân sự linh hoạt, chiến tranh nhân dân đã mở ra bước ngoặt mới với thế chủ động, tiến tới giành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.

Bài 1: Toàn dân, toàn quân Cao Bằng náo nức ra mặt trận

Những ngày đầu tháng 9/2020, chúng tôi trở lại chiến trường hơn 70 năm trước ở nơi này đầy hầm hào, công sự, hố bom, những trận chiến đấu ác liệt. Từ sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vươn lên của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã xây dựng nơi đây thành những bản làng trù phú bên cánh đồng xanh mướt, tấp nập xe đi lại; các điểm di tích được xây dựng khang trang, thu hút khách du lịch, là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.


Bãi ven sông Pò Tống, xóm Tục Mỹ, xã Mỹ Hưng (Quảng Hòa) - nơi từng bị quân Pháp ném bom khi thực hiện “vườn không, nhà trống” tiêu thổ kháng chiến.

Trong cuộc sống thanh bình, nhưng người dân khắp bản làng nơi đây vẫn luôn tự hào nhớ về những năm tháng hào hùng mà thế hệ cha ông đi trước đã tận hiến sức lực, xương máu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (giai đoạn 1946 - 1954) để có ngày hôm nay.

Thời kỳ kháng chiến, để kiểm soát, chặn đánh quân ta, quân Pháp đóng đồn gần sát bản làng, cho máy bay ném bom tàn phá, thả dù nhiều quân lính tinh nhuệ xuống đánh chiếm dần, xây dựng lô cốt, pháo đài kiên cố trên các địa bàn quan trọng. Dân bản phải tản cư vào hang núi, đất đai, nhà cửa hoang tàn do địch đốt phá và dân ta tự phá để thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”…

Ngày ngày đối mặt với những trận càn quét, ném bom của quân địch nhưng từ người già đến trẻ nhỏ, nam nữ thanh niên không nản lòng mà sục sôi khí thế ủng hộ kháng chiến. Xã Mỹ Hưng, thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa) là một trong những địa bàn bị Pháp càn quét ác liệt nhằm đánh chiếm toàn bộ giành quyền kiểm soát. Đồng chí Đinh Văn Tần, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Hưng dẫn chúng tôi đến gặp nhân chứng lịch sử là những người phụ nữ gan dạ, dũng cảm, trung kiên.

Bà Nông Thị Lý, xóm Bản Chàm, thị trấn Hòa Thuận xúc động kể: Năm 1947 - 1950, tôi tích cực tham gia và vận động chị em các bản làng đi phục vụ kháng chiến. Phong trào phụ nữ ủng hộ kháng chiến sôi nổi lắm. Xã, huyện thành lập được nhiều tổ phụ nữ lao động sản xuất, chị em tranh thủ mọi thời gian để cày cấy, hăng hái trồng thêm lúa, vụ màu thu hoạch được nhiều lương thực, thực phẩm ủng hộ kháng chiến. Những ngày bộ đội và dân quân du kích huấn luyện, tập trận, các bà, các chị mỗi ngày nấu hơn 20 nồi cơm, thực phẩm phục vụ cho dân quân, chiến sĩ bảo đảm sức khỏe rèn luyện, chiến đấu…


Ông Đinh Quang Khải, xóm Tục Mỹ, xã Mỹ Hưng (Quảng Hòa) kể về tiêu khổ kháng chiến.

Người dân khắp các huyện, thị từ già đến trẻ, nam nữ thanh niên đều hưởng ứng lời “Kêu gọi kháng chiến” của Tỉnh ủy. Tháng 3/1947, Ủy ban Kháng chiến thành lập (đồng chí Dương Công Hoạt làm Chủ tịch) đã chỉ đạo các huyện, thị và các xã dọc theo các tuyến giao thông chính tổ chức lập các khu an toàn cho nhân dân, phòng tránh địch tấn công khủng bố, cất giấu lương thực không để địch cướp đoạt, phá hoại. Mặt trận Việt Minh huyện, xã vận động nhân dân tản cư hăng hái sản xuất và kháng chiến.

Đặc biệt vận động chị em tham gia Hội Phụ nữ, Tổ phụ nữ lao động sản xuất tranh thủ mọi thời gian để cày cấy, thu hoạch mùa vụ được nhiều lương thực, thực phẩm ủng hộ kháng chiến; phát động phong trào vận động toàn dân góp lương thực vào “Quỹ nghĩa xương”, lập các “Kho thóc nghĩa xương” tại các khu an toàn, chuẩn bị lương thực cho bộ đội, dân quân, du kích. Chị em thực hiện “Đảm nhận công tác hậu phương thay thế nam giới ra tiền tuyến”…

Xác định cuộc kháng chiến trường kỳ, Tỉnh ủy đưa cuộc cách mạng dân tộc lên trình độ cao, sớm đi vào nền nếp. Các cấp chính quyền ra sức xây dựng nền kinh tế kháng chiến “Vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, đủ ăn, đủ mặc, đủ vũ khí để đánh giặc. Nhân dân các dân tộc đoàn kết, đồng tâm hiệp lực ra sức thi đua tăng gia sản xuất, xây dựng hậu phương, giúp đỡ bộ đội, du kích đánh giặc, đảm đang việc nhà lo cho chồng, con em mình yên tâm đánh giặc.

Tỉnh ủy chỉ đạo công tác xây dựng kinh tế hậu phương, chuẩn bị hậu cần tại chỗ để chi viện cho các chiến trường. Lực lượng vũ trang cùng toàn thể nhân dân sẵn sàng chuyển mọi hoạt động từ thời chiến sang chủ động chuẩn bị chiến đấu. Mỗi người dân từ cụ già đến em nhỏ, nam nữ thanh niên khắp các huyện, thị dù ở vị trí nào cũng có chung tinh thần kiên cường đánh giặc. Cao Bằng trở thành hậu phương lớn, vững chắc phục vụ cho kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.


Bà Đàm Thị Kê, xóm Tục Mỹ, xã Mỹ Hưng (Quảng Hòa) kể chuyện những ngày kháng chiến tham gia dân công tải đạn, vận chuyển lương thực.

Với tinh thần toàn dân sôi nổi ra mặt trận, Tỉnh ủy quán triệt chiến lược dựa vào dân để tiến hành chiến tranh nhân dân, vũ trang toàn dân. Cấp ủy Đảng từ tỉnh đến huyện, xã đều xây dựng lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân. Ngày 15/4/1947, Tỉnh đội bộ dân quân được thành lập do đồng chí Như Thanh làm Tỉnh đội trưởng. Sau đó các huyện đội, thị đội lần lượt ra đời; các xã có xã đội trưởng huy động phát triển lực lượng dân quân du kích hoạt động mạnh khắp toàn tỉnh. Các địa phương trong toàn tỉnh có 8.000 người dân tham gia quân du kích.

Năm 1946 - 1947, quân chủ lực và dân quân du kích sôi nổi huấn luyện hiệp đồng tác chiến. Trung đoàn 24 chủ lực của tỉnh được tăng cường thêm quân số và trang bị vũ khí, tiếp tục được huấn luyện nâng cao trình độ chiến đấu. Các trung đội du kích tập trung của huyện, thị phối hợp với dân quân du kích các xã đảm nhiệm công tác tuần tra biên giới, huấn luyện hiệp đồng tham gia đánh trận.

Tham gia quân ngũ vào những tháng ngày quân và dân du kích sôi nổi vũ trang toàn dân, ông Nông Văn Páo, 93 tuổi, ở Bản Lũng, xã Thái Cường (Thạch An) bồi hồi kể: Ngày đó, quân Pháp nhảy dù xuống bản làng tôi đốt phá, càn quét nhưng không làm cho dân bản sợ. Người già, trẻ nhỏ cũng tham gia tiêu thổ kháng chiến; thanh niên làng trên xóm dưới xung phong lên đường tham gia bộ đội, du kích, đi phục vụ chiến dịch. Năm 1946, tôi xin đi bộ đội, được biên chế vào Đại đội 670 cùng lực lượng dân quân huyện phối đánh trận quyết liệt chặn quân Pháp kéo quân từ Lạng Sơn lên tại Kéo Ái, Lũng Phầy, xã Đức Xuân (Thạch An); Nà Đeng (thị trấn Đông Khê) làm cho quân Pháp phải rút lui khi lên tiếp viện cho Cao Bằng.

Trong thời gian ngắn, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ được tăng cường về số lượng và chất lượng. Tháng 4 - 10/1947, ta bổ sung thêm 900 tân binh, thành lập Tiểu đoàn 73 cơ động của tỉnh vừa là đơn vị chủ lực cơ động, vừa là đơn vị dự bị cho phát triển thành đơn vị chủ lực lớn hơn về sau này. Chiến tranh nhân dân đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia chiến đấu trên mọi phương diện, làm cho quân Pháp từ thế chủ động gặp phải muôn vàn khó khăn.

Để có đủ vũ khí phục vụ chiến đấu, Tỉnh ủy đã cho khôi phục lại những nghề thủ công truyền thống góp phần phục vụ kháng chiến. Xưởng quân giới Lê Tổ di chuyển từ Thị xã lên đóng ở Lam Sơn (Hòa An) mở rộng cơ sở sản xuất, sửa chữa vũ khí thô sơ trang bị cho các đơn vị chủ lực. Các huyện Trùng Khánh, Quảng Hòa, Nguyên Bình..., tổ chức thêm các tổ lò rèn sửa chữa súng hỏng, tự chế thêm vũ khí thô sơ trang bị cho dân quân, du kích...

Thực hiện chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy phân tích kỹ, lựa chọn lợi dụng núi rừng hiểm trở nhằm tiêu hao sinh lực địch và ngăn chặn các cuộc càn quét của chúng để bảo vệ cơ quan kháng chiến và nhân dân. Đặc biệt để gây khó khăn, cản trở cho địch, phía ta chủ trương: Thực hiện tốt công tác phá hoại sẽ ngăn trở việc tiếp tế, thông tin liên lạc của địch, đồng thời khiến chúng không thể tận dụng vật liệu của ta để chống phá lại kháng chiến. Đường sá, cầu cống, xe, tàu lợi cho địch thì ta phá… Hy sinh ít người mà phá được một kho đạn là lợi được muôn vàn, cứu được muôn người.


Bà Nông Thị Lý, xóm Bản Chàm, thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa) kể chuyện về vận động chị em phụ nữ quyên góp gạo phục vụ kháng chiến.

Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập 3 đội phá hoại trên 3 trục đường chính: Cao Bằng -  Đông Khê, Cao Bằng - Ngân Sơn, Cao Bằng - Nguyên Bình. Ông Đinh Quang Khải, hơn 80 tuổi, ở xóm Tục Mỹ, xã Mỹ Hưng, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Quảng Hòa kể lại: Ngày đó, trước khi dân bản tản cư vào núi Tiên Thành để làm nương rẫy, tăng gia sản xuất phục vụ kháng chiến đã thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”.

Nhiều cụ già, bà mẹ và các em thiếu nhi tích cực đi phá đường, phá cầu cống, có gia đình phá cả ngôi nhà khang trang mới dựng... Dọc tuyến đường trọng yếu từ Mỹ Hưng sang biên giới Trung Quốc đào nhiều hầm hào, công sự, đặt bẫy chông, bản làng “vườn không nhà trống” cất giấu toàn bộ lương thực… khi quân Pháp không biết đâu là mục tiêu, không lương thực tiếp tế. Từ năm 1947 - 1948, ta phá 67 cầu cống, đào 7.800 hố cắt ngang mặt đường, phá 2.500 m đường khu vực xung yếu thành vực thẳm, dựng nhiều chướng ngại vật trên quãng đường gần 5.000 m…

Trên tuyến Quốc lộ 3, 4 và đường từ huyện Thạch An sang Quảng Hòa nhiều đoạn đường bị ta đào phá, cài nhiều hố chông rồi ngụy trang lấp cây cối lên trên để chúng sập hố trên đường hành quân, càn quét. Thực hiện triệt để “vườn không, nhà trống” làm cho quân Pháp khi tiến quân đến hết chỗ dựa, quân ta sẽ đánh nhiều trận du kích tiêu hao sinh lực địch, mở nhiều đợt đánh tập kích trên các trục đường gây cho địch nhiều tổn thất. Tinh thần chuẩn bị kháng chiến được toàn dân hưởng ứng, tham gia sôi nổi với quyết tâm đánh địch trên nhiều hướng, thế trận chiến tranh nhân dân “Cao Bằng thành mồ chôn của thực dân Pháp” để đập tan âm mưu tiến công chiến lược Thu Đông năm 1947 của quân Pháp.

Theo BaoCaoBang
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục