Tác phẩm tham dự Cuộc thi Báo chí “Việt Bắc - Quân khu 1 trưởng thành và phát triển” Vững vàng trên mặt trận không tiếng súng
Cập nhật ngày: 10/04/2020 08:09 (GMT +7)

Không tiếng súng, cũng chẳng khói đạn mịt mù, nhưng cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 của các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Giang ở khu cách ly vẫn hết sức cam go. Dẫu vậy, các anh vẫn ngày đêm bám “trận địa”, thực hiện nhiệm vụ với tinh thần “vì nhân dân quên mình”.

Lo từng bữa ăn, giấc ngủ

Chúng tôi có mặt tại Trung tâm giáo dục Quốc phòng-An ninh sinh viên tỉnh Bắc Giang (Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang) đúng thời điểm dịch đang hoành hành ở nhiều nước trên thế giới, tại Việt Nam, số ca nhiễm bệnh ngày một tăng. Không kể ngày đêm, các cán bộ được phân công làm nhiệm vụ ở đây đều căng mình làm việc. Tại khu vực bàn tiếp nhận, ai cũng đeo khẩu trang y tế kín mít, chào nhau bằng cái gật đầu. Gần trưa, xe cứu thương của Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn chuyển đến 10 người, Đại úy Giáp Ngọc Chung, Trung đoàn 831 nhanh chóng tiếp nhận. Anh nhẹ nhàng hỏi họ tên từng người, ghi chép cẩn thận thông tin cá nhân, sau đó bàn giao cho các bác sĩ, y tá kiểm tra tiền sử bệnh tật, đo thân nhiệt và phân loại, bố trí về phòng cách ly hợp lý. Phía phòng họp, các đồng chí chỉ huy Trung đoàn 831 tập trung trao đổi phương án khi tiếp nhận thêm nhiều trường hợp nữa trong những ngày tới. 

Ở khu vực khác, cán bộ Phòng Chính trị (Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang) tiếp tục khảo sát để lắp đặt thêm tivi, mạng wifi cho các phòng. Đội ngũ bác sĩ, y tá của Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Tâm thần và Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Bắc Giang bảo đảm kiểm tra thân nhiệt hai lần/ngày. Tất bật hơn cả có lẽ là khu vực bếp ăn, hơn chục chiến sĩ bận rộn tay dao tay thớt, hối hả từ sáng sớm để chuẩn bị thịt, cá, cơm, rau… cho gần 1.000 suất ăn mỗi ngày. Vài đồng chí khác đến mọi dãy nhà để dọn vệ sinh, thu gom, phân loại rác thải đem tiêu hủy ở nơi quy định. 


Cán bộ Trung đoàn 831 (Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang) cùng các y, bác sĩ kiểm tra danh sách người trở về từ vùng dịch.

Để bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch bệnh, tỉnh Bắc Giang đã trưng dụng nhiều địa điểm làm khu cách ly như Trung tâm giáo dục Quốc phòng-An ninh sinh viên (Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang); Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh); Trung đoàn 831 (Bộ CHQS tỉnh) và một số huyện, TP khác cũng bố trí nơi cách ly để tránh trường hợp quá tải... Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, gần 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 831 và một số cán bộ Ban CHQS các huyện, TP được tăng cường đều sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ. Với cán bộ, chiến sĩ, khi kiêm thêm nhiệm vụ này, mọi nhịp sinh hoạt bị xáo trộn, dù nhà xa hay gần cũng chỉ có thể hỏi thăm sức khỏe vợ con qua điện thoại mỗi khi rảnh rỗi. Vất vả, gian khó là vậy nhưng chẳng ai phàn nàn, uôn sát cánh cùng nhân dân chặn đứng dịch bệnh.

Chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1992), ở xã Bảo Sơn (Lục Nam, Bắc Giang) kể rằng, chị cùng con gái 1 tuổi vừa đáp chuyến bay từ Thái Lan về nước và được chuyển đến khu cách ly để bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như cộng đồng. Ở đây, hai mẹ con chị được ưu tiên sử dụng riêng một phòng, các anh bộ đội thường xuyên thăm hỏi, chuẩn bị cháo cùng nhiều đồ dùng sinh hoạt khác cho em bé nên chị rất yên tâm. Nhiều ngày qua, được tập thể bộ đội, y bác sĩ chăm sóc tận tình, chị Hoàng Thị Mơ (SN 1982) ở xã Ngọc Châu (Tân Yên) rất xúc động, chị nói: “Chúng tôi đang cách ly nhưng không ai cảm thấy bị kỳ thị hay khác biệt. Mọi người đối xử với nhau rất tốt. Mỗi ngày, chúng tôi được sinh hoạt theo chế độ như nhà binh nên cảm thấy yêu đời, khỏe khoắn hơn”.

Thắm thiết tình quân dân

Thượng tá Tạ Thanh Nam, Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 831 (Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang) đưa chúng tôi đến khu cách ly nằm ở các dãy nhà 3 tầng phía sau. Tại phòng số 207, cả 3 lao động và du học sinh đều trở về từ Nhật Bản, thấy “chú bộ đội”, các chị tươi cười chào hỏi. Chị Đặng Thị Giang (SN 1984) ở đường Lý Thái Tổ, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) nói: “Không phải có anh Nam mà chúng tôi “nịnh” đâu, thời gian ở đây chúng tôi chẳng phải làm gì. Tuy nhớ người thân lắm nhưng chúng tôi lại có thêm một gia đình thứ hai nữa, chỉ mong sau này có dịp gặp lại nhau thôi”.  

Rời căn phòng ấy, chúng tôi đi về phía dưới sân, Thượng tá Nam chỉ tay về hướng có một chiếc xe khách giường nằm hai tầng chạy tuyến Bắc-Nam và nói: “Đó là tài sản của Nhà xe Bằng - Khiêm (huyện Sơn Động). Xe thường xuyên đi đường dài, tiếp xúc với nhiều hành khách, không biết có bị nghi nhiễm hay không nhưng khi trở về địa phương, cả lái xe và phụ xe gồm 3 người đã tự giác khai báo, xin cách ly cả người, cả xe để bảo đảm an toàn cho mình và cộng đồng”. Thế nhưng không phải ai đi cách ly cũng có suy nghĩ tích cực như vậy. Vẫn còn một số người thiếu hợp tác, không thoải mái do xa nhà đã lâu, muốn được về nhà để đoàn tụ gia đình. Khi ấy, cán bộ, chiến sĩ lại mềm mỏng động viên, tuyên truyền để họ yên tâm ăn ở tại đây, được giải thích, mọi người đã hiểu và tự giác thực hiện nghiêm các quy định của khu cách ly. Sau khi hết thời gian cách ly, nhiều người còn tình nguyện được ở lại làm phiên dịch viên và giúp đỡ các công việc nội vụ với mong muốn góp phần công sức nhỏ bé của mình vào cuộc chiến chống “giặc Covid-19”. Anh Ngô Văn Chiến (SN 1994) quê ở xã Thanh Luận (Sơn Động) là một người như vậy. Sau 6 năm rời quê hương đi lao động ở Ma Cao (Trung Quốc), ngày 4-3, anh Chiến về quê và tình nguyện khai báo y tế để đi cách ly. “Thấy các chú bộ đội phục vụ nhiều quá cũng ngại, lại vất vả tất bật ngược xuôi, không biết tiếng Trung nên cách ly xong, tôi tình nguyện ở lại đây làm phiên dịch, giúp các chú được việc gì thì giúp cho đến khi nào không cần nữa thì thôi. Khi tôi gọi điện về cho bố mẹ báo như vậy, bố mẹ đồng ý ngay”- anh Chiến hồ hởi.

14 ngày ở các khu cách ly không quá dài nhưng cũng đủ để thắt chặt tình quân dân. Nhiều người trở về đã viết thư cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ vì những ngày qua đã tận tình chăm sóc. “Lời cảm ơn từ trái tim trong những ngày cách ly” là tên bức thư của bà Giáp Thị Chức (SN 1962) ở xã Đông Phú (Lục Nam) viết trước khi rời đi. Bà bày tỏ: “Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất từ đáy lòng tới tất cả y, bác sĩ, các đồng chí bộ đội, công an đang làm việc ở khu cách ly. Các anh, các chị đã lo lắng cho chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ. Cuộc sống ở đây rất thoải mái, tôi cứ nghĩ như đi nghỉ dưỡng 14 ngày. Chỉ còn vài giờ nữa là tôi rời khỏi đây, trở về đoàn tụ với gia đình, cảm giác vui buồn đan xen rất khó tả. Từ tấm lòng, tôi xin chúc toàn thể cán bộ ở khu cách ly luôn mạnh khỏe, vững vàng trong cuộc chiến này”. 

Đại tá Lê Văn Thắng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang cho biết: “Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mấy ngày qua, cả nước có thêm nhiều ca nhiễm mới, thế nhưng không vì thế mà chúng tôi hoang mang, lo lắng. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, toàn thể cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Bắc Giang luôn trong tâm thế sẵn sàng “xông trận”, đặt sự an toàn của người dân lên hàng đầu. Hơn hết, những ngày qua, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ lực lượng quân đội lương thực, thực phẩm, đồ dùng bảo hộ... đó là nguồn động viên rất to lớn đối với chúng tôi”.

 

Bài và ảnh: MẠC YẾN
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục