“Địa ngục trần gian” - Những ký ức không quên
Cập nhật ngày: 09/04/2020 08:48 (GMT +7)

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, những cựu chiến binh nhà tù Phú Quốc tỉnh Bắc Giang lại bồi hồi nhớ lại quãng thời gian đau thương nơi “địa ngục trần gian”. Thế nhưng với họ đó cũng là những ngày tự hào, vinh quang nhất trong cuộc đời, thể hiện tinh thần bất khuất, kiên trung trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Biến nhà tù thành trường học

Ông Hoàng Thanh Thuấn (SN 1948) ở thôn Đồng Công, xã Vũ Xá (Lục Nam, Bắc Giang) làm nhiệm vụ ở một đơn vị biệt động Sài Gòn. Năm 1969, khi đi trinh sát tại rạp hát Quang Trung (nơi phục vụ lính ngụy), tổ của ông gồm ba người không may bị địch phát hiện.


Ông Phạm Văn Thái (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội trong một chuyến thăm nhà tù Phú Quốc. Ảnh tư liệu.

Trong cuộc chiến đấu ấy, một đồng chí hy sinh, một người rút được ra ngoài còn ông bị thương nặng ở ngực. Sau nhiều ngày điều trị, sau đó bị địch đưa đi tra khảo, thẩm vấn nhưng ông quyết không khai điều gì. Chúng đưa ông ra giam cầm tại nhà tù Phú Quốc. Ấy vậy, những ngày bị giam cầm tại đây lại là quãng thời gian ông tham gia hoạt động cách mạng tích cực, nhiệt huyết hơn bao giờ hết.

Dù trong lao tù song vẫn có các chi bộ hoạt động bí mật. Ông Thuấn nhanh chóng móc nối và được chi bộ phân công làm việc trong tổ giáo viên, truyền dạy kiến thức cho một số đồng chí trình độ văn hóa hạn chế. “Nhận nhiệm vụ này tôi mừng lắm vì bản thân vốn ham học. Trước khi vào quân ngũ tôi đã được học hết cấp 3 thời bấy giờ. Dạy mọi người vừa được củng cố lại kiến thức, vừa giúp anh em biết đọc, biết viết, khi ấy việc giáo dục lý tưởng cách mạng, xây dựng chí hướng chung cũng thuận lợi, dễ dàng hơn”- ông Thuấn cho hay.

Tiếp câu chuyện, ông kể: Trong tù chẳng có giấy bút như bên ngoài, chúng tôi phải lấy từng miếng bìa từ hộp cát - tông đựng cá để ép mỏng, phơi phô làm giấy; lấy các miếng sắt mài nhỏ làm ngòi bút; khi nấu nướng thì bí mật giữ lại phần đen của con cá mực vậy là có mực viết.

Ông Thuấn được tổ chức phân công làm tổ trưởng một tổ giáo viên dạy toán, văn cấp 1 và cấp 2. Mỗi lần lên lớp, ông chỉ dạy được cho vài người vì nếu tụ tập đông sẽ khiến lính canh nghi ngờ. Dù điều kiện học tập rất khó khăn, nguy hiểm nhưng ai cũng ham học, hào hứng.

Năm 1971, khi ông đang dạy toán thì bị phát hiện. Quân lính lôi ra đánh đập, tra khảo nhưng ông chỉ khai anh em trong tù buồn quá nên làm như vậy cho khuây khỏa. Không khai thác được thông tin gì, chúng nhốt ông vào chuồng cọp hai ngày hai đêm để trừng phạt. Vừa nói, ánh mắt ông bỗng long lanh, nét mặt nghiêm lại: “Ở trong chuồng cọp, tôi và nhiều tù binh khác chỉ được giữ một tư thế, nếu nhúc nhích dây thép gai sẽ đâm túa máu ngay. 

Nắng ở Phú Quốc cháy da cháy thịt, chúng tôi bị phơi bên ngoài như thế hàng giờ. Khi được thả, tôi tiếp tục dạy học nhưng cẩn thận hơn, khí thế học tập của mọi người cao hơn trước gấp bội”. Năm 1973 được trao trả tù binh bên dòng Thạch Hãn, nhiều đồng chí từng là học sinh của ông Thuấn đã tiếp tục đi học và trở thành những cán bộ cấp cao trong quân đội.

Đào hầm phục vụ cách mạng

Ở tuổi 21, ông Phạm Văn Thái (SN 1947), xã Song Khê (TP Bắc Giang, Bắc Giang) bị địch bắt khi đang trinh sát tại một khu rừng thuộc tỉnh Gia Lai đúng Tết Mậu Thân 1968. “Tôi bị bất tỉnh do trúng đạn, sau mấy ngày tỉnh dậy thấy mình đang ở bệnh viện, xung quanh lính Mỹ canh gác ngặt nghèo, tay lăm lăm khẩu súng. Tôi được sống thêm một lần nữa nhưng là sống trong lao tù Phú Quốc” - ông Thái nói.

Cuối năm 1969, ông Thái được kết nạp vào Đảng tại chốn “địa ngục trần gian”, cảm xúc vinh dự, tự hào theo ông đến tận bây giờ. Trong tù, ông được chi bộ phân công thực hiện nhiệm vụ đào hầm để tổ chức cho đồng đội vượt ngục. Đường hầm đầu tiên ông cùng 5 đồng chí khác đào ở trại C3. “Chúng tôi tự thiết kế xẻng từ khay inox đựng đồ ăn, ngày nghỉ ngơi, tối thay phiên nhau làm việc. Lần ấy, anh em đang đào được khoảng 35 mét, chỉ còn một đoạn nữa là thông với bên ngoài thì bị lính canh phát hiện. 3 người xung phong nhận trách nhiệm để không ảnh hưởng đến tập thể, tôi được giao giữ im lặng để tiếp tục đào hầm khi tình hình ổn định”. 

Sau lần ấy, quân lính canh gác cẩn thận hơn, cứ một, hai tháng lại chuyển trại một lần. Tuy khó khăn nhưng những người như ông Thái vẫn tiếp tục đào hầm phục vụ cách mạng, đồng thời tìm cách thông tin, bàn giao cho anh em đến sau. Năm 1970, ông cùng đồng đội đào thành công một hầm ở trại C6, lần đó tổ chức phân công 21 đồng chí vượt ngục thành công.

Ông Nguyễn Thế Nghĩa, Phó trưởng Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Bắc Giang cho hay: Toàn tỉnh có gần 500 hội viên, ai cũng từng một thời "Trong lao tù kiên trung, bất khuất" và giờ đây "Sống ngoài đời tình nghĩa thủy chung". 

Như CCB Phạm Văn Thái từ đôi bàn tay trắng, giờ đây trở thành giám đốc điều hành một doanh nghiệp chuyên sản xuất phôi thép, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động, trong đó có nhiều người là con em của đồng đội. Ông và nhiều CCB khác còn tích cực làm từ thiện, cống hiến cho xã hội, cộng đồng, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Theo BaoBacGiang
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục