Quân sự thế giới hôm nay (7-8-2024) có những nội dung sau: Nga triển khai UAV sử dụng AI tới Ukraine; hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN đáng gờm ra sao? Tàu khu trục Thổ Nhĩ Kỳ được trang bị động cơ mới.

* Nga triển khai UAV góc nhìn thứ nhất sử dụng AI tới Ukraine

Army Recognition dẫn thông tin từ công ty phát triển máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất Vetr cho biết, loại UAV có trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) này đã bắt đầu được triển khai tại Ukraine. UAV này được thiết kế để nhắm và tấn công mục tiêu tự động mà không cần sự can thiệp trực tiếp của người điều khiển.

Theo đó, 2 mẫu được triển khai gồm Vetr 10 và Vetr 13 có tải trọng lần lượt là 3,5kg và 8kg. Cả hai mẫu đều có thể tấn công mục tiêu cách xa tới 20km và đạt tốc độ 150km/giờ.

Quân sự thế giới hôm nay (7-8): Nga triển khai UAV sử dụng AI tới Ukraine; hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN đáng gờm ra sao?
Hình ảnh 2 mẫu Vetr 10 và Vetr 13. Ảnh: Vetr

Đặc điểm nổi bật của những UAV này là được trang bị AI, cho phép máy bay tự động bay về phía mục tiêu và tấn công mà không cần thêm sự can thiệp của con người. Điều này giúp giảm đáng kể khối lượng công việc của người điều khiển. Bên cạnh đó, với AI, các giai đoạn tấn công cuối cùng được tự động hóa, giúp giảm thiểu tác động của việc gây nhiễu tín hiệu, cho phép phương tiện hoàn thành nhiệm vụ của mình ngay cả khi mất liên lạc với người điều khiển.

UAV này đã trải qua quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt và đạt được những chứng nhận cần thiết từ cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng Nga. Theo Army Recognition, hiện có tới 3.000 UAV được triển khai mỗi tháng tới Ukraine.

Việc tích hợp AI vào UAV được đánh giá là một bước tiến đáng kể, cho phép chúng phối hợp và thực hiện các hoạt động phức tạp với sự giám sát tối thiểu của con người.

* Hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN của Nga đáng gờm ra sao?

Iran đã lắp đặt một số hệ thống tác chiến điện tử tầm xa, trong đó có Murmansk-BN, hệ thống liên lạc gây nhiễu mạnh nhất của Nga, tại các địa điểm chiến lược của nước này.

Không chỉ được đánh giá là hệ thống tác chiến điện tử mạnh nhất của Nga, Murmansk-BN còn được xếp hạng là một trong những hệ thống tiên tiến nhất trên toàn cầu với khả năng gây nhiễu và chặn tín hiệu vô tuyến, GPS, thông tin liên lạc và hệ thống vệ tinh của đối phương, làm vô hiệu hóa các loại đạn "thông minh" và hệ thống máy bay không người lái.

Được phát triển bởi Tập đoàn công nghệ vô tuyến-điện tử KRET, phương tiện tác chiến điện tử chiến lược này được đưa vào sử dụng năm 2014 với khả năng "làm choáng" và "mù" các phương tiện thông tin liên lạc, trinh sát và cảm biến vũ khí "thông minh" của đối phương ở khoảng cách rất xa.

Được bố trí trên xe tải đa cầu chủ động KamAZ, hệ thống Murmansk-BN bao gồm nhiều cột ăng ten, mỗi cột dài tới 32m, bao phủ diện tích cực lớn. Thời gian triển khai tổ hợp là 72 giờ. Sau đó, hệ thống có thể chặn và triệt tiêu tín hiệu tần số cao trên phạm vi 3-30MHz, được sử dụng trên tàu chiến và máy bay.

Quân sự thế giới hôm nay (7-8): Nga triển khai UAV sử dụng AI tới Ukraine; hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN đáng gờm ra sao?
Iran vừa triển khai một số hệ thống tác chiến điện tử, trong đó có Murmansk-BN. Ảnh: Ram Reports

Sự hiện diện của Murmansk-BN có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hoạt động của đối phương khi nó phá vỡ liên lạc chỉ huy và kiểm soát, đặc biệt là trong các hoạt động thực địa, nơi phụ thuộc lớn vào radio tần số cao. Việc gây nhiễu này có thể làm suy yếu cơ sở hạ tầng liên lạc, từ đó làm giảm hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các lực lượng.

Đối với lực lượng không quân, Murmansk-BN có thể can thiệp vào liên lạc giữa máy bay và kiểm soát mặt đất, cũng như với các hệ thống dẫn đường của cả máy bay có người lái và không người lái. Sự can thiệp này có thể ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch nhiệm vụ, nhắm và tiêu diệt mục tiêu của các loại máy bay sử dụng nhiều hệ thống liên lạc tần số cao để trao đổi dữ liệu quan trọng.

Đối với lực lượng hải quân, Murmansk-BN có thể làm gián đoạn liên lạc giữa tàu với tàu và giữa tàu với đất liền. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả phối hợp trong các hoạt động hải quân và khả năng duy trì nhận thức tình huống. Bên cạnh đó, hệ thống tác chiến này cũng ảnh hưởng đến các hệ thống điện tử trên tàu, làm suy giảm khả năng hoạt động của chúng, đặc biệt là các phương tiện sử dụng tín hiệu tần số cao.

* Tàu khu trục Thổ Nhĩ Kỳ được trang bị động cơ mới

Tập đoàn GE Aerospace vừa thông báo đã đạt được thỏa thuận cung cấp tua-bin khí LM2500 cho 3 tàu khu trục lớp İstif trong dự án MILGEM của Thổ Nhĩ Kỳ. Động cơ mới này có khả năng cung cấp 23MW điện cho mỗi tàu.

Các tàu khu trục lớp İstif là phiên bản mở rộng của tàu hộ tống lớp Ada (cũng được trang bị tua-bin khí LM2500) với thân tàu lớn hơn một chút nhằm cải thiện sức bền, tăng cường khả năng hoạt động và để mang các loại vũ khí tầm xa hơn.

Kể từ năm 1997, GE Aerospace đã cung cấp các giải pháp cho Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Cho tới nay, đã có tổng cộng 18 tàu được trang bị 31 tua-bin khí LM2500. Trên phạm vi thế giới, tập đoàn này đã chung cấp 1.140 tua-bin khí loại này cho hơn 513 tàu hải quân, giúp cung cấp năng lượng đáng tin cậy cho 39 lực lượng hải quân quốc tế.

Quân sự thế giới hôm nay (7-8): Nga triển khai UAV sử dụng AI tới Ukraine; hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN đáng gờm ra sao?
Tàu khu trục lớp I đầu tiên của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Cem Dogut

Tua-bin khí LM2500 của GE Aerospace là động cơ chu trình đơn, hai trục, hiệu suất cao. Động cơ này đang được trang bị trên các tàu tuần tra, tàu hộ tống, tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu chở hàng/tàu hậu cần và tàu sân bay. LM2500 có công suất 25.060kW và hoạt động với tốc độ 3.600vòng/phút.

Theo QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục