Sừng tê giác: Thực hư về tác dụng chữa bệnh
Cập nhật ngày: 28/08/2019 15:14 (GMT +7)

Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) vừa cứu kịp thời bé N.K.A.D. (22 tháng tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) bị ngộ độc do uống bột mài ra từ sừng tê giác. Trường hợp trên một lần nữa là hồi chuông cảnh báo cho việc nghĩ sưng tê giác là “thuốc thần”.

Theo các bác sĩ BV. Nhi Đồng 2 bé đã bị tình trạng Methemoglobin máu do uống bột sừng tê giác nên đã cho thở máy, truyền dịch duy trì dấu hiệu sinh tồn, sử dụng than hoạt tính để hấp phụ độc chất, thay máu và áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ khác. Khai thác nhanh từ gia đình thì được biết sáng cùng ngày, gia đình có cho bé uống bột mài ra từ sừng tê giác do một người bạn cho để chữa sốt co giật cho bé. Sau đó vì thấy bé bị sốt, các đầu ngón tay bị xanh tím nên cha mẹ bé vội đưa con đi cấp cứu. hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều phụ huynh lan truyền thông tin về công dụng chữa bệnh thần kỳ của sừng tê giác. Cho đến nay, khoa học chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sừng tê giác có thể điều trị được bệnh sốt co giật và các bệnh lý khác. Từ lâu người ta đồn đại rất nhiều về tác dụng thần kỳ của sừng tê giác, trong đó có tác dụng chữa yếu sinh lý của nam giới.

Cần biết rằng, đối với bài thuốc, vị thuốc có liên quan đến động vật hoang dã thuộc loại quý hiếm cần phải bảo tồn triệt để (như cao hổ cốt, sừng tê giác), quan điểm cần nhất quán là chúng không phải là sinh vật tồn tại chỉ nhằm chữa bệnh cho con người. Tiêu diệt chúng chỉ vì “sừng tê giác chữa bệnh sốt co giật ở trẻ con” hay “sừng tê giác có thể chữa bệnh yếu sinh lý của nam giới hoặc làm cho đấng đàn ông đã ngon cơm lại càng ngon cơm hơn” chẳng hạn, phải xem là tội ác!

Trước khi nói đến sừng tê giác được ghi nhận là vị thuốc dùng theo kinh nghiệm dân gian và được truyền miệng, đồn đại chữa nhiều chứng bệnh đến độ chỉ nên xem là “huyền thoại”, xin có đôi điều bàn về bài thuốc, vị thuốc dùng theo kinh nghiệm dân gian.

Kinh nghiệm dùng thuốc của người xưa được truyền được từ đời này sang đời kia bằng hai con đường. Con đường thứ nhất là được đúc kết, hệ thống hóa ghi lại bằng văn tự thành các sách thuốc cổ. Con đường thứ hai là được truyền miệng, hoặc cũng có thể được ghi bằng văn tự nhưng không được hệ thống hóa mà nằm rải rác trong nhân dân qua các bài vị thuốc dân gian. Có một thực tế không thể phủ nhận là có những bài vị thuốc dân gian có giá trị, đã được thử thách trong thời gian dài về tính hiệu quả trong điều trị bệnh. Chính từ các bài vị thuốc dân gian có từ thời xa xưa mà các sách thuốc cổ mới được xây dựng chỉ nhằm đúc kết, hệ thống hóa lại. Tuy nhiên, có một nhược điểm đối với các bài vị thuốc dân gian là do được truyền miệng từ người này sang người khác, từ đời này sang đời khác, đưa đến việc “tam sao thất bổn”. Do đó, xen lẫn những bài thuốc là kinh nghiệm đã bị xuyên tạc, dựa vào mê tín, thần bí hóa tạo nên những huyền thoại. Vấn đề quan trọng là phải biết phân biệt, chọn lọc các bài thuốc này. Trong ngành Dược nước ta có đặt ra một nhiệm vụ là sưu tầm, phát hiện các bài vị thuốc dân gian để kiểm tra về mặt thật giả, tốt xấu, thậm chí nghiên cứu về mặt khoa học nhằm chọn lọc các bài thuốc có giá trị, bổ sung vào vốn y học cổ truyền của ta.

Khoa học chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sừng tê giác có thể điều trị được bệnh sốt co giật và các bệnh lý khác

Xin có đôi điều nói về sừng tê giác mà từ lâu người viết nhận được nhiều thư độc giả hỏi. Tê giác là động vật hoang dã, có nhiều tên khoa học do có nhiều loại. Như tê giác một sừng ở Ấn Độ có tên Rhinoceros unicornis L., tê giác ở Indonesia có tên Rhinoceros sumatrensis Cuvier, tê giác hai sừng Rhinoceros bicornis L.Về sừng tê giác, trên thị trường người ta phân biệt sừng tê giác ở châu Á (Cornu Rhinoceri asiatici) và sừng tê giác ở châu Phi (Cornu Rhinoceri africani). Thành phần hóa học chủ yếu của sừng tê giác gồm có keratin, calci carbonat, calci phosphat, protein (có các acid amin diển hình như tyrosin, cystein, thiolactic…)… Theo báo cáo của Nam Kinh Dược học viện Trung Quốc, nước chiết sừng tê giác có phản ứng của alcaloid (là một hợp chất thường thấy trong các loại dược thảo cho nhiều tác dụng dược lý khác nhau). Tuy nhiên, cho tới nay, thành phần hoạt chất (tức chất cho tác dụng điều trị nào đó) trong sừng tê giác vẫn chưa rõ là gì (theo sách ”Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố GS.TS. Đỗ Tất Lợi, Nhà xuất bản Y học, năm 2000). Theo sách cổ, sừng tê giác có vị đắng, chua, mặn, tính hàn, đi vào 3 kinh tâm, can, vị; có tác dụng mát huyết, giải ôn độc và định kinh; được dùng khi bị sốt cao đưa đến điên cuồng hoặc mê man, sốt vàng da, thổ huyết, nhức đầu, ung độc, hậu bối… Nhưng từ những gì được ghi trong sách cổ, sừng tê giác theo thời gian được dùng theo kinh nghiệm dân gian và được đồn đại, truyền miệng cho đến nay, những tác dụng của sừng tê giác được gán ghép, nhân nhiều lên, thổi phồng để trở thành huyền thoại chữa được “bá bệnh”. Như sừng tê giác chữa được nhiều loại ung thư là loại nan y hoặc chữa một cách thần sầu bệnh yếu sinh lý, liệt dương ở nam giới. Và vì thế, sừng tê giác trở thành một vị thuốc rất đắt tiền (hiện nay chỉ thua loại ma túy đắt nhất), và tê giác bị săn lùng, bị tận diệt một cách không thương tiếc để ngày nay được nêu  trong sách đỏ cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Cho tới nay, tác dụng chữa bệnh của sừng tê giác vẫn dựa theo lời đồn đại, truyền miệng chứ chưa có công trình khoa học nào xác định tính hiệu quả của tác dụng này. Và nếu chưa chứng minh được bằng nghiên cứu khoa học đúng quy cách thì các tác dụng đó có khi chỉ là thêu dệt, chỉ là huyền thoại. Nếu chỉ dựa vào huyền thoại mà con người tìm cách tận diệt một loài thú hoang dã quý hiếm, và việc mua bán lậu sừng của chúng thật ra vì lòng tham lợi nhuận khổng lồ, thì phải xem các hành động đó là tội ác cần trừng trị.

SK&DS
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục