Chiều 25-12, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020.

Đến dự hội nghị có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; đại biểu lãnh đạo các ban, ngành, đơn vị nghệ thuật, nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL.


Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

Giai đoạn 2009-2019, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia văn hóa các năm 2009-2015 và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa các năm 2016-2019 đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo hiệu ứng phát triển kinh tế, du lịch, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cũng như góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Văn hóa như dòng chảy, là quá trình nỗ lực sáng tạo. Hai năm gần đây, khách du lịch đến Việt Nam tăng, thể thao phát triển, đạt nhiều thành tích cao, đặc biệt là bóng đá. Các vận động viên tham dự SEA Games vừa qua đã thi đấu như những chiến binh, bằng tất cả tinh thần và trách nhiệm với Tổ quốc, đó chính là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Những nét đẹp văn hóa của người Việt Nam trong 10 năm qua đã có sự thay đổi tích cực.


Quang cảnh hội nghị.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: Hội nhập quốc tế về văn hóa thời gian qua đã có sự phát triển, đặc biệt trong sáng tác văn học nghệ thuật, đã tiếp thu rất nhiều cái mới, cái lớn của thế giới. Hội nhập để người Việt Nam được thưởng thức nghệ thuật của nước ngoài, nhiều chương trình biểu diễn tại Việt Nam có cả những ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng nhất thế giới. Sáng tạo nghệ thuật của Việt Nam hiện nay đã có những tiếp thu những nét tinh túy của thế giới.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đánh giá về văn hóa thì không chỉ đánh giá các thiết chế văn hóa do nhà nước đầu tư mà cả các thiết chế văn hóa của người dân đầu tư giờ đây cũng hơn trước rất nhiều. Nhiều nghệ nhân được tôn vinh.

Phát biểu tại hội nghị về xây dựng và phát triển văn hóa, ông Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam kiến nghị: Phải nâng cao hơn nữa tầm quan trọng của văn hóa; xây dựng văn hóa cần phải được coi là khâu đột phá trong phát triển đất nước. Ngoài ra, cần khắc phục bệnh nói không đi đôi với làm, bệnh thành tích. Người có văn hóa phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật; tăng cường vai trò của gia đình, nhà trường về văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho thế hệ trẻ.

Nói về văn hóa ứng xử của người Hà Nội, bà Trần Thị Vân Anh, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân rất quan trọng trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Muốn xây dựng, phát triển và nhân rộng các việc làm, mô hình văn hóa thì phải nâng cao và đẩy mạnh công tác tuyên truyền những việc tốt, nét đẹp người Hà Nội.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở cho biết: Những năm qua, các nhà văn hóa thôn, xã được đầu tư, góp phần nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, phù hợp với nhân dân. Tuy nhiên, việc tổ chức các thiết chế văn hóa còn bất cập, chưa ưu tiên quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, nhiều nơi lấy hội trường của UBND cấp xã phục vụ các hoạt động văn hóa. Xây dựng cơ sở văn hóa ở vùng núi, nhà văn hóa cấp xã, thôn chỉ để phục vụ tiêu chí chuẩn nông thôn mới.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục