Bóng chuyền Việt Nam: Thay đổi để bứt phá
Cập nhật ngày: 21/05/2020 14:05 (GMT +7)

Việc bóng chuyền nam và nữ Việt Nam chưa bao giờ giành Huy chương vàng ở SEA Games là câu chuyện luôn nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn và người hâm mộ. Bởi từ lâu, bóng chuyền luôn là môn thể thao nhận được đầu tư lớn và sở hữu nhiều lứa cầu thủ tài năng nhưng vẫn chưa gặt hái được thành quả như mong muốn...

Chiều cao trung bình của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam hiện đạt mức 1m81, không chỉ cao nhất khu vực mà còn áp sát các đội hàng đầu châu Á. Trong đó, có thể kể tới những cô gái có chiều cao “khủng” như: Trần Thị Thanh Thúy (1m93), Bùi Thị Ngà (1m87), Lưu Thị Huệ (1m85)... Trong khi đó, chiều cao trung bình của đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan chỉ là 1m76. Dù sở hữu chiều cao tốt, nhưng tuyển nữ Việt Nam vẫn kém Thái Lan một bậc về chuyên môn. Từ nhiều kỳ SEA Games gần đây, người hâm mộ đã quá quen với hình ảnh các cô gái của chúng ta về nhì, thậm chí để giành được một set thắng trước nữ Thái Lan cũng là câu chuyện không hề đơn giản.

Tương tự với đội tuyển bóng chuyền nam, lâu nay chúng ta vẫn chấp nhận ở nhóm 2 cùng với Indonesia hay Myanmar và vẫn còn khoảng cách với Thái Lan. Thậm chí, thành tích của đội nam trong các giải đấu khu vực gần đây không ổn định, có lúc báo động. Tại SEA Games 30, đội tuyển bóng chuyền nam thua cả 3 trận ở vòng bảng trước Indonesia, Philippines, Campuchia, sớm chia tay mục tiêu giành huy chương. Đáng chú ý nhất là thất bại trước Campuchia, điều chưa từng xảy ra tại các kỳ SEA Games trước đây. Công cuộc trẻ hóa của HLV Thái Quang Lai từng gây tranh cãi với giới chuyên môn và cuối cùng không đạt được kết quả như mong muốn.


Chủ công Trần Thị Thanh Thúy (áo xanh) của đội tuyển nữ Việt Nam có trình độ ở tầm châu lục. Ảnh: ĐĂNG HẢI.

Thực tế, chất lượng cầu thủ của bóng chuyền Việt Nam ở cả đội nam và đội nữ đều thuộc diện hàng đầu khu vực. Dù vậy, sự cạnh tranh trong làng bóng chuyền khu vực khoảng 10 năm gần đây đã trở nên quyết liệt hơn. Đương nhiên, bóng chuyền Việt Nam không muốn dừng lại, cũng cần thay đổi để khẳng định vị thế, thậm chí mơ đến ngôi vô địch SEA Games dù đó chưa bao giờ là mục tiêu dễ chinh phục.

Để thực hiện mục tiêu ấy, từ lâu nay, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã tính đến phương án sử dụng HLV ngoại. Thậm chí, có lúc, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã sẵn sàng chi từ 60 – 80 triệu đồng tiền lương trong tháng cho HLV ngoại đáp ứng yêu cầu trên. Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm không như mong muốn. Rõ nhất là ở đội nam khi thành tích thường xuyên trồi sụt dù có lúc từng sở hữu những tay đập hàng đầu Đông Nam Á, trong đó có Từ Thanh Thuận.

Dấu ấn thành công của HLV ngoại ở một số môn thể thao gần đây, đặc biệt là bóng đá càng thôi thúc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đi theo phương án sử dụng HLV ngoại để chinh phục những mục tiêu trước mắt, trong đó có SEA Games 31, và lâu dài. Ông Lê Trí Trường, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cho biết: “Liên đoàn đã thống nhất sẽ thuê chuyên gia ngoại cho bóng chuyền Việt Nam. Trước mắt, chúng tôi sẽ đề nghị Liên đoàn Bóng chuyền châu Á và Liên đoàn Bóng chuyền thế giới hỗ trợ tìm HLV cho cả đội tuyển bóng chuyền nam và nữ quốc gia. Từ những hồ sơ ứng viên, Liên đoàn sẽ chọn  HLV phù hợp nhất cho các đội tuyển bóng chuyền nam, nữ quốc gia”.

Dù vậy, chỉ tìm kiếm HLV ngoại cũng không thể thay đổi được ngay thành tích của các đội tuyển bóng chuyền nam, nữ quốc gia. Bóng chuyền Việt Nam đã đưa ra nhiều thay đổi, từ việc chuẩn hóa hệ thống giải đấu, hoàn thiện quy chế chuyển nhượng, tạo điều kiện cho VĐV đi thi đấu nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng cầu thủ. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Sẽ cần đến nhiều cải cách hơn nữa từ chế độ tập luyện, thậm chí cho phép các CLB được sử dụng 1 VĐV nước ngoài ở các giải đấu quốc nội… Từ đó, sẽ thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển chuyên môn của cầu thủ, giúp HLV ngoại thực hiện nhiệm vụ nâng tầm các đội tuyển dễ dàng hơn.

Theo thông tin chúng tôi có được, hiện tại Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đang ưu tiên chọn ứng viên người Trung Quốc cho đội tuyển nữ. Trong khi đó, ứng cử viên người Cuba đang là ưu tiên hàng đầu cho đội tuyển nam. Việc này cũng nhằm cải thiện điểm yếu về thể lực của đội tuyển nam là thể lực. Việc cải thiện thể lực cho VĐV cũng được đánh giá là điểm mạnh của các HLV Cuba. Sự góp mặt của các chuyên gia nước ngoài trong thời gian tới sẽ cải thiện trình độ bóng chuyền Việt Nam như đội tuyển bóng đá hay bóng rổ Việt Nam đã làm được trong hơn 1 năm qua. Hy vọng ấy là có cơ sở. Nhưng rõ ràng, muốn “có bột để gột nên hồ” thì vẫn cần đến một hệ thống giải quốc nội giàu tính cạnh tranh cùng đội ngũ cầu thủ giàu chất lượng. Có như vậy, bóng chuyền Việt Nam mới có thể phát triển bền vững, từ đó hướng tới mục tiêu lật đổ sự thống trị của Thái Lan ở khu vực trong một ngày không xa.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục