LẠM PHÁT DANH HIỆU HỌC SINH GIỎI
Cập nhật ngày: 14/07/2020 07:43 (GMT +7)

Vào trung tuần tháng 7, các trường phổ thông sẽ kết thúc và bế giảng năm học 2019-2020. Kiên trì khắc phục khó khăn, trở ngại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến thời điểm này, có thể nói ngành giáo dục, đội ngũ nhà giáo và học sinh cả nước đã nỗ lực hoàn thành mục tiêu, chương trình, kế hoạch năm học đề ra.

Mỗi bước trưởng thành, tiến bộ của học sinh sau một năm phấn đấu, học tập rất đáng được ghi nhận, khuyến khích. Theo lẽ thường, khi mỗi trường, mỗi lớp ngày càng có nhiều học sinh giỏi, học sinh xuất sắc là điều đáng mừng, nhưng niềm vui đó chỉ thực sự có ý nghĩa khi việc đánh giá học sinh phải bảo đảm khách quan, công bằng, thực chất.

Ngoại trừ những trường chuyên, lớp chọn có nhiều học sinh đạt thành tích tốt trong học tập là điều bình thường, không ít trường thuộc diện “thường thường bậc trung” mà cũng có từ 60 đến 70% học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi khiến dư luận không khỏi băn khoăn. 

Mặc dù phong trào “hai không” (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) được duy trì suốt 14 năm qua trong ngành giáo dục, nhưng hầu như vào cuối năm học nào, những “cơn mưa” danh hiệu học sinh giỏi diễn ra ở nhiều trường cũng khiến những người tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” không khỏi trăn trở, day dứt.


Tuyên dương 509 học sinh giỏi tiêu biểu Thủ đô năm học 2019-2020. Ảnh minh họa.VOV.vn

Theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, bệnh thành tích trong giáo dục có căn nguyên sâu xa từ lợi ích cục bộ. Vì muốn “đánh bóng” uy tín của cơ sở giáo dục, một số lãnh đạo nhà trường và một bộ phận giáo viên muốn “kê cao, kích bổng” thành tích của trường mình, lớp mình bằng số lượng học sinh giỏi cao “ngất ngưởng” nhằm thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Việc sa đà vào thành tích ảo như vậy là lợi bất cập hại, thực chất là đánh lừa dư luận và không phù hợp với tính chất giáo dục, văn hóa của môi trường học đường.

Ngành giáo dục cũng đã nhiều lần yêu cầu, nhắc nhở các nhà trường, giáo viên không được chạy theo thành tích trong giáo dục. Nhưng, một mặt do chưa sâu sát trong công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra chất lượng dạy học ở những trường, lớp có tỷ lệ học sinh giỏi cao bất thường; mặt khác, do thiếu phương pháp đánh giá, đo lường chính xác, hiệu quả hoạt động dạy học nên "bệnh thành tích" vẫn có cơ hội tồn tại. Trong khi đó, những mong muốn thái quá, kỳ vọng ảo tưởng của không ít phụ huynh về con em mình cũng là tác nhân vô hình khiến cho "bệnh thành tích" trong giáo dục càng thêm nặng nề.

"Con hơn cha là nhà có phúc". Thế hệ sau thông minh, giỏi giang hơn thế hệ trước là hồng phúc của dân tộc, đất nước. Theo quy luật vận động, phát triển là vậy. Nhưng để sự thông minh, giỏi giang ấy thật sự trở thành niềm tự hào của xã hội, của mỗi gia đình thì các nhà trường, các thầy, cô giáo phải quan tâm coi trọng giáo dục học sinh đề cao lòng tự trọng, học thật, thi thật, đánh giá kết quả thật, để các em có trình độ thật, năng lực thật chứ không phải dễ tay, “phóng bút” cho học sinh những điểm 9, điểm 10 “tròn vo”, hay dễ dãi tặng các em những danh hiệu “học sinh giỏi", "học sinh xuất sắc” kêu như chuông!

Được biết, trung thực là một trong 5 đức tính thuộc về giá trị phẩm chất học sinh mà ngành giáo dục thể hiện trong toàn bộ, xuyên suốt chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu triển khai từ năm học 2020-2021. Từ tinh thần đó, cùng với việc chủ động, quyết liệt đổi phương pháp đánh giá theo hướng coi trọng phẩm chất và năng lực thực tế của học sinh, hy vọng rằng, việc lạm phát danh hiệu học sinh giỏi trong các nhà trường phổ thông sẽ được giải quyết căn cơ trong những năm học tới.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục