Tâm huyết của già Cường
Cập nhật ngày: 05/11/2019 10:01 (GMT +7)

Nhắc đến già làng Bàn Văn Cường, dân tộc Dao ở thôn Thanh Chung, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, cán bộ và người dân trong vùng đều thể hiện sự kính trọng, quý mến. Sự gần gũi, giản dị, chân thành của ông đã tạo thêm niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho đồng bào dân tộc Dao nơi đây. Bao năm qua, già Cường luôn sống trọn với ước nguyện để đồng bào Dao quê nhà thoát khỏi đói nghèo, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Một người Dao “thực thụ”

Trong lần đến công tác tại xã Tuấn Mậu- nơi có cộng đồng người Dao chiếm đa số, chúng tôi được gặp già làng Bàn Văn Cường - một người am hiểu khá tường tận gốc gác, văn hóa truyền thống của người Dao trên rẻo cao này. Thì ra, già Cường đã từng được thay mặt cho những người dân tộc Dao ở Việt Nam đi dự buổi gặp mặt giao lưu của cộng đồng những người Dao trên toàn thế giới. Ông cũng trở thành thành viên của Trung tâm Phát triển văn hóa dân tộc miền núi, là một trong những thành viên biên soạn bộ sách giáo khoa về tiếng Dao của Việt Nam gồm 9 quyển để giảng dạy trong toàn quốc.

Năm nay đã bước qua tuổi 74 nhưng già Cường vẫn còn tâm huyết và hăng hái với công việc chung của cộng đồng. Những ai được tiếp xúc với già Cường đều có cảm nhận ở ông có sự chân tình, thân thiện và am hiểu nhiều lĩnh vực thời sự, kinh tế, chính trị - xã hội lẫn phong tục tập quán, đời sống văn hóa của đồng bào Dao. Bên khu vườn nhìn ra dãy núi Yên Tử đại ngàn quanh năm mây trắng hư ảo, già Cường tâm sự về hoàn cảnh của gia đình, bản thân. Thì ra tuổi thơ của già làng không biết đến ngôi trường. “Ngày xưa, gia đình tôi nghèo lắm, nhà lại đông anh em nên không thể đến trường. Đã thế, cuộc sống của người Dao khi ấy cứ nay ngọn núi này, mai quả đồi khác theo tập quán du canh, du cư nên việc học hành của tôi vì thế phải lỡ dở”. Sau này theo kháng chiến, ăn ở với cán bộ, bộ đội nên già Cường mới bắt đầu tiếp xúc, làm quen với chữ quốc ngữ, được các cán bộ, bộ đội dạy chữ. Ông nhận ra rằng, nếu không biết chữ thì không thể hiểu và tuyên truyền cho mọi người cùng làm theo các chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước nên ông càng quyết tâm theo học và rồi cũng hết được chương trình lớp 4 nhưng lúc đó đã quá tuổi để học lên. 

Dù không có điều kiện học hành đầy đủ song với sự nhanh nhẹn, 15 tuổi già Cường được kết nạp vào Đoàn thanh niên cộng sản và 3 năm sau đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tiếp đến, ông đã đảm đương nhiều chức vụ, khi thì làm xã đội, lúc làm chủ nhiệm rồi thường trực UBND xã, rồi được bầu làm Bí thư  Đảng ủy xã Thanh Sơn (bao gồm cả các xã Thanh Luận, Tuấn Mậu và thị trấn Thanh Sơn ngày nay). Năm 2000, già Cường nghỉ hưu, khi đó quê hương có sự chuyển biến mạnh mẽ với sự tham gia của Dự án Nhiệt điện Đồng Rì, dự án khai thác than thành phẩm của Công ty 45, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng hệ thống đường xá mới cho toàn bộ khu vực, các dự án trồng cây, gây rừng... Ông được thường trực Huyện ủy Sơn Động mời tiếp tục ở lại Đảng ủy xã với vai trò cố vấn để cùng với địa phương có những bước đi táo bạo, góp phần xây dựng nên xã Thanh Sơn, Tuấn Mậu như ngày nay. Suốt 16 năm làm cán bộ, ông luôn xứng đáng là tấm gương được chính quyền tin tưởng, đồng bào noi gương, kính trọng. 


Già làng Bàn Văn Cường dạy chữ  Hán-Nôm dân tộc Dao cho người dân tộc Dao xã Tuấn Mậu (Sơn Động, Bắc Giang).

Nặng lòng với văn hóa người Dao

Với uy tín của mình, sau khi nghỉ hưu già Cường vẫn  đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho chính quyền địa phương, những mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong vùng, già đều tận tình khuyên giải đúng sai cho mọi người cùng hiểu, từ đó tìm hướng giải quyết cho thấu tình, đạt lý. Sau này khi công việc xã hội đã bớt vướng bận hơn, già Cường quyết định đi tìm và khơi dậy những giá trị văn hóa truyền thống bấy lâu nay của người Dao có nguy cơ phai nhạt. Việc đầu tiên là ông bắt tay vào nghiên cứu, học tập chữ của người Dao cổ. “Phải bảo tồn chữ viết dân tộc mình, mất chữ viết là mất bản sắc dân tộc, mất cội nguồn và mất truyền thống” già Cường nhấn mạnh. 

Già cũng luôn tâm niệm, học chữ người Dao là còn để học làm một người Dao thực thụ. Do đó, một thời gian dài hễ nghe ở đâu có người biết về sách, chữ Dao là ông tìm đến tiếp cận các văn bản cổ rồi ghi chép lại cẩn thận. Cứ thế, kho văn bản bằng chữ người Dao trong nhà ông mỗi ngày một dày lên với nhiều thể loại như truyền thống, phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt, có sách dạy về cách trồng trọt, chăn nuôi, làm thủy lợi và dạy... làm người. Hiện nay, già Cường lưu giữ hàng trăm đầu sách, trong đó có những cuốn sách cổ, quý hiếm và hằng ngày ông vẫn không ngừng tự học và bồi đắp kiến thức từ kho tàng cổ ấy.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình sưu tầm chữ của người Dao là có một thực tập sinh của Nhật Bản cũng thuộc dân tộc Dao về tận nhà ông hàng tháng trời để nghe ông giảng giải, phân tích, giới thiệu về chữ viết, văn hóa, phong tục, tập quán của người Dao quê ông. Đợt gặp gỡ ấy giúp ông biết được người Dao cũng tồn tại sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới và có một số nét tương đồng. Song chữ viết của dân tộc Dao thì ít nơi còn giữ được- như ở đất nước xa xôi của cô gái Dao người Nhật Bản kia đã bị mai một từ lâu. Nhận thấy điều đó là sự may mắn và đáng tự hào, già Cường càng thêm trân trọng và quyết tâm gìn giữ bản sắc dân tộc mình, nhất là chữ viết. Được sự giúp đỡ của Bảo tàng Bắc Giang, già Cường mở lớp dạy chữ Dao cho đồng bào trong huyện với hàng trăm học viên tham gia. Đặc biệt, học viên trẻ khi đến với ông còn được truyền dạy đạo lý của người Dao, cách đối nhân xử thế, phong tục tập quán, kiểu như: “Cha là Trời, mẹ là Đất, không kính cha mẹ thì còn kính ai?” hay “có chữ không dạy là con hư, có ruộng không làm thì thóc không đầy bồ”… Những lý lẽ ấy thật đơn giản mà dễ hiểu, dễ đi vào lòng của người. Già làng Cường cũng rất am hiểu về lễ cấp sắc truyền thống dân tộc Dao, hằng năm ông đã tham gia và thực hiện một số lễ cấp sắc trong cồng đồng dân tộc mình. 

Với tâm huyết và những cố gắng ấy, mới đây già làng Bàn Văn Cường được tỉnh Bắc Giang biểu dương, khen thưởng điển hình tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Bài và ảnh: ĐÔNG KHÁNH
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục