Chính sách bảo hiểm y tế đối với quân nhân
Cập nhật ngày: 15/11/2017 00:01

Ngày 1-9-2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu...

Ngày 1-9-2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15-10-2015. Điểm đáng chú ý là việc thực hiện BHYT đối với Quân nhân, Công an, Cơ yếu chỉ thay thế phương thức thực hiện và nguồn bảo đảm tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh (KCB) thường xuyên từ ngân sách nhà nước sang quỹ BHYT. Các khoản ngân sách nhà nước bảo đảm cho các nhiệm vụ khác về quân y, y tế của Quân đội, Công an, Cơ yếu vẫn thực hiện theo quy định hiện hành tại các Nghị định của Chính phủ (Khoản 2 Điều 1-NĐ số 70/2015).

Nghị định cũng nêu rõ, việc bảo đảm y tế cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thảm họa và thời chiến đối với Quân đội, Công an, Cơ yếu thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Cán bộ, học viên Trường Quân sự Quân khu tham gia hiến máu nhân đạo, cứu chữa đồng đội. Ảnh: MẠNH NGUYÊN

 

1. Đối tượng tham gia BHYT và lộ trình thực hiện

Đối tượng tham gia BHYT, bao gồm: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong Quân đội. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ và học viên công an nhân dân (CAND). Người làm công tác cơ yếu (CTCY) hưởng lương như đối với quân nhân (QN) ở bộ, ngành, địa phương và học viên cơ yếu.

Về lộ trình thực hiện, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý tham gia BHYT, theo các giai đoạn: từ ngày 15-10-2015 đến hết năm 2015, thực hiện BHYT đối với 15% đối tượng; năm 2016 – 2017 ít nhất là 30%; năm 2018 - 2019 ít nhất là 60%; và từ ngày 01-01-2020 thực hiện đối với 100% đối tượng. Đối với các đơn vị chưa tham gia BHYT (theo lộ trình), vẫn thực hiện việc KCB như quy định hiện hành trong thời gian này và do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí KCB. Riêng đối với đối tượng người làm CTCY thuộc tổ chức cơ yếu của bộ, ngành, địa phương, thực hiện BHYT từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành, do BHXH địa phương thực hiện.

2. Mức đóng, trách nhiệm đóng BHYT

Ngân sách nhà nước bảo đảm đóng toàn bộ BHYT cho QN, CAND, người làm CTCY, với mức bằng 4,5% tiền lương tháng (đối với người hưởng lương); 4,5% mức lương cơ sở (đối với người hưởng sinh hoạt phí), ở giai đoạn này.

3. Cấp thẻ BHYT

BHXH Bộ Quốc phòng cấp thẻ BHYT theo mẫu riêng cho QN và người làm CTCY thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ. Tương tự, BHXH Bộ Công an cấp thẻ BHYT theo mẫu riêng cho CAND (mẫu do BHXH Việt Nam quy định sau khi đã thống nhất với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế). BHXH tỉnh/thành phố cấp thẻ BHYT cho người làm CTCY bộ, ngành, địa phương theo quy định của BHXH Việt Nam(như thẻ BHYT cấp cho các đối tượng tham gia BHYT khác). 

4. Đăng ký nơi KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến điều trị

QN, CAND, người làm CTCY được lựa chọn đăng ký ban đầu tại một trong các cơ sở y tế có hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH thuận tiện nơi đóng quân, cư trú, thường trú. Đó là các bệnh xá, bệnh viện Quân đội, Công an hoặc trạm y tế xã, phòng khám khu vực hoặc bệnh viện đa khoa huyện. Đối với cán bộ thuộc trung ương quản lý, đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương (như Hữu Nghị/Hà Nội, Thống Nhất/TP.HCM, C/Đà Nẵng, v.v…); cán bộ thuộc diện tỉnh/thành phố quản lý, được đăng ký KCB ban đầu tại Phòng khám của Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh/thành phố hoặc bệnh viện đa khoa tỉnh/thành phố. Trường hợp đi công tác, nghỉ phép tại nơi khác thì được KCB tại cơ sở KCB BHYT thuận tiện nhất và được hưởng quyền lợi BHYT như đúng với nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu.

Việc chuyển tuyến điều trị được thực hiện khi vượt khả năng chuyên môn của cơ sở y tế đang điều trị, theo phân tuyến chuyên môn của Bộ Y tế (tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến trung ương). Trong hệ thống quân y, y tế công an chuyển tuyến theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an. Trường hợp phải chuyển tuyến theo yêu cầu nhiệm vụ, cơ quan, đơn vị có yêu cầu bằng văn bản và phải đảm bảo cơ sở KCB được chuyển đến có khả năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu điều trị.

5. Thủ tục KCB BHYT

QN, CAND, người làm CTCY đi KCB phải xuất trình thẻ BHYT và một giấy tờ chứng minh về nhân thân có dán ảnh (Chứng minh thư, Thẻ quân nhân, Thẻ Đảng viên, Giấy phép lái xe, Hộ chiếu).

KCB cấp cứu phải xuất trình thẻ BHYT và một giấy tờ chứng minh về nhân thân, chậm nhất là trước khi ra viện.

KCB khi đi công tác, nghỉ phép, làm nhiệm vụ đột xuất, hành quân dã ngoại, ngoài việc xuất trình thẻ BHYT và một giấy tờ chứng minh về nhân thân phải thêm giấy giới thiệu của đơn vị, chậm nhất là trước khi ra viện.

6. Phạm vi, mức hưởng BHYT

QN, CAND, người làm CTCY được KCB trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ quan, đơn vị; KCB, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con tại cơ sở KCB và vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện trở lên trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến điều trị. Trường hợp theo yêu cầu của chuyên môn, được chỉ định thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế ngoài danh mục của BHYT để phục vụ cho KCB được quỹ BHYT chi trả toàn bộ chi phí này, khi đi KCB đúng quy định về BHYT. Đáng chú ý là không áp dụng giới hạn tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với QN, CAND, người làm CTCY (như đối với người có công và trẻ em dưới 6 tuổi).

Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí trong các trường hợp: KCB đúng nơi đăng ký ban đầu và đủ thủ tục; KCB tại tuyến huyện và chi phí điều trị nội trú tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương đối với trường hợp đang công tác, cư trú thường xuyên tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, hoặc vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, hoặc xã đảo, huyện đảo khi tự đi KCB không đúng tuyến; KCB không đúng nơi đăng ký ban đầu là trạm y tế xã, phòng khám đa khoa, bệnh viện đa khoa huyện từ ngày 01-01-2016 và điều trị nội trú tại tuyến tỉnh từ ngày 01-01-2021 trong phạm vi cả nước.

Quỹ BHYT chi trả 40% chi phí điều trị nội trú tại tuyến trung ương; 60% chi phí điều trị nội trú tại tuyến tỉnh đến ngày 31-12-20120 và 70% chi phí KCB tại tuyến huyện đến ngày 31-12-2015 nếu tự đi KCB không đúng tuyến hoặc chi phí trong phạm vi, mức hưởng quy định khi KCB theo yêu cầu hoặc có sử dụng các dịch vụ kỹ thuật y tế xã hội hóa. Phần còn lại của các chi phí này (nếu có) phải tự thanh toán với cơ sở KCB.

Trường hợp KCB tại cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT hoặc KCB không đúng thủ tục thì được thanh toán trực tiếp chi phí KCB sau khi cung cấp hồ sơ, chứng từ cho cơ quan BHXH, nơi cấp thẻ BHYT. Trong một số trường hợp QN, CAND, người làm CTCY không được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB, trừ đặc thù do hoạt động, thực hiện nhiệm vụ quân sự, an ninh - quốc phòng.

7. Quản lý, sử dụng nguồn thu BHYT

Cơ quan BHXH nào cấp thẻ BHYT cho QN, CAND, người làm CTCY thì cơ quan đó có trách nhiệm thu BHYT, quản lý số tiền đóng BHYT để sử dụng cho KCB trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cơ quan, đơn vị; chi trả các chi phí KCB BHYT trong phạm vi, mức hưởng tại các cơ sở KCB và chi phí vận chuyển; thanh toán trực tiếp chi phí KCB (nếu có).

Trường hợp quỹ KCB lớn hơn số chi KCB, Chính phủ cho phép Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được được giữ lại để hỗ trợ KCB, bảo dưỡng, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế của Quân đội, Công an; mua phương tiện vận chuyển người bệnh cho đơn vị cơ sở. Đồng thời, quy định cụ thể lộ trình thực hiện nội dung này, một phần kinh phí kết dư đóng góp vào quỹ dự phòng của BHXH Việt Nam để điều tiết chung.

BHYT đối với QN tại ngũ là một chính sách hoàn toàn mới đối với Quân đội và với mỗi QN; nó không những thay đổi phương thức quản lý tài chính trong việc KCB cho QN tại ngũ mà còn thay đổi nhận thức, thói quen, tâm lý của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp, của mỗi QN, của hệ thống cơ quan Quân y, Cán bộ, Quân lực, Tài chính, BHXH. Do đó, việc quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, tập huấn các quy định mới của pháp luật về BHYT đối với QN tại ngũ là hết sức quan trọng, cần thiết để nâng cao hiểu biết của QN, mỗi cơ quan có liên quan về quyền và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện BHYT QN, để chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống một cách chắc chắn, góp phần thiết thực, hiệu quả vào việc chăm sóc sức khỏe QN tại ngũ ngày càng tốt hơn.

Đại tá LƯU MẠNH HÙNG, Trưởng phòng Bảo hiểm y tế - Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng