Hai góc nhìn về hoạt động nghệ thuật
Cập nhật ngày: 26/01/2018 00:54

Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và liên hoan nghệ thuật quần chúng đều là hoạt động văn hoá nghệ thuật hướng tới công chúng, phục vụ nhu cầu hưởng thụ và cảm nhận văn hoá của đông đảo quần chúng nhân dân. Nhìn lại hoạt động hội diễn, liên hoan nghệ thuật trong những năm qua, mặc dù được ban tổ chức hội diễn nghệ thuật các cấp đánh giá cao; cờ thưởng, huy chương vàng, bạc, bằng khen…

Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và liên hoan nghệ thuật quần chúng đều là hoạt động văn hoá nghệ thuật hướng tới công chúng, phục vụ nhu cầu hưởng thụ và cảm nhận văn hoá của đông đảo quần chúng nhân dân. Nhìn lại hoạt động hội diễn, liên hoan nghệ thuật trong những năm qua, mặc dù được ban tổ chức hội diễn nghệ thuật các cấp đánh giá cao; cờ thưởng, huy chương vàng, bạc, bằng khen… được trao khá phổ biến cho tất cả các đoàn tham gia, song nhiều người cũng không khỏi băn khoăn, trăn trở bởi tính hiệu quả của nó.

Tiết mục “Vững bước dưới cờ Đảng” tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng Cục Hậu cần lần thứ 19, năm 2015.

“Chuyên nghiệp”

Các đoàn văn công, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp được coi là nơi hội tụ của những nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp được đào tạo bài bản qua các trường lớp và họ sống bằng nghề sáng tác, biểu diễn văn hoá, nghệ thuật phục vụ công chúng. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như hằng năm không có các hội diễn hay liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp để họ bộc lộ hết tài năng của mình khi đã “mang danh” là đoàn văn công, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhìn lại các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp gần đây ở các cấp, các ngành địa phương đến toàn quốc thấy rằng, nhiều đoàn nghệ thuật, đoàn văn công đã phát huy tính “chuyên nghiệp” của mình, tự dàn dựng, tự đạo diễn chương trình tham gia thi được ban giám khảo, ban tổ chức và công chúng đánh gía cao. Điều dễ hiểu là ở những đoàn nghệ thuật, đoàn văn công chuyên nghiệp đó, họ đã biết phát huy nội lực, trí tuệ, sáng tạo của chính mình vào trong các tác phẩm nghệ thuật; hay nói đúng hơn, các đoàn văn công, đoàn nghệ thuật đó đã thực hiện đúng lời dạy của Bác: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công của đa số các đoàn văn công, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp kể cả trong và ngoài quân đội; câu chuyện “thuê đạo diễn”, “thuê sáng tác”, “thuê diễn viên”… với số kinh phí “thuê” hàng tỷ đồng để cho chương trình nghệ thuật của mình “mới” và “hoành tráng” là điều khiến không ít công chúng yêu nghệ thuật băn khoăn, trăn trở. Nhiều người tự đặt ra câu hỏi, với “tài năng”, “nghệ thuật thuê” như vậy liệu có còn là đoàn văn công, đoàn nghệ thuật “chuyên nghiệp” đúng nghĩa hay không? Ngó qua chương trình tổng thể của đoàn nghệ thuật X tham gia hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc vừa qua chúng tôi thấy, ngoài những chương trình “thuê” và tổ chức luyện tập, vẫn còn một vài tiết mục… “đợi” nghệ sĩ sáng tác và đặt tên. Tìm hiểu ra mới biết, nghệ sĩ mà đoàn “thuê” sáng tác đó không chỉ là người nổi tiếng, mà còn là một trong những vị “giám khảo” quan trọng của hội thi. Kết thúc hội thi, hội diễn, các chương trình nghệ thuật đó không mấy khi được dàn dựng lại để phục vụ công chúng.

“Không chuyên”

Liên hoan nghệ thuật quần chúng, hội diễn nghệ thuật quần chúng trong thời gian qua có thể coi là món ăn tinh thần hấp dẫn, được đông đảo quần chúng cổ vũ nhiệt tình bằng những tràng “pháo tay” dài dài. Trái ngược với các đoàn văn công, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, liên hoan nghệ thuật quần chúng quy tụ những hạt nhân văn nghệ xuất sắc của nhiều đơn vị với những “ca sĩ”, “nghệ sĩ” không chuyên nhưng bù lại họ lên sân khấu biều diễn nghệ thuật bằng cả trái tim yêu văn hoá, nghệ thuật của mình. Với những tiết mục tuy chỉ là “cây nhà, lá vườn”, với lối diễn xuất mộc mạc, hồn nhiên, không quá “cầu kỳ”, không “thuê mướn” tốn kém, nhưng lại có sức sống mạnh mẽ, bởi nó mang đậm nét văn hoá, nghệ thuật quần chúng và điều quan trọng là dễ đi vào lòng người.

Chúng tôi có dịp thưởng thức Liên hoan văn nghệ quần chúng với chủ đề “Vững bước dưới cờ Đảng” do Cục Hậu cần Quân khu tổ chức gần đây mới thấy cái hay và cái đẹp của từ “không chuyên”. Liên hoan có 6 đội văn nghệ với 120 hạt nhân văn nghệ điển hình đến từ các đơn vị trực thuộc Cục Hậu cần và đơn vị kết nghĩa tham gia. Với 42 tiết mục gồm các thể loại ca, múa, nhạc, kịch… ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và nhiều tiết mục đặc sắc mang đậm nét văn hoá của mọi miền quê chiến sĩ. Với cách thể hiện tự nhiên, sinh động, các tiết mục văn nghệ “cây nhà, lá vườn” đã phản ánh sinh động nét văn hoá của vùng quê cách mạng được người lính Hậu cần Quân khu thể hiện hồn nhiên, mang nhiều dấu ấn cho người xem. Đặc biệt, các tiết mục kịch ngắn tự biên được các chiến sĩ diễn tả gắn với hoạt động thực tiễn của đơn vị đã góp phần xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần lành mạnh, được cán bộ, chiến sĩ cổ vũ nhiệt tình. Qua liên hoan nghệ thuật quần chúng, phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật của mọi cán bộ chiến sĩ, đồng thời cũng là dịp để bồi dưỡng hạt nhân làm nòng cốt cho phong trào văn hoá văn nghệ quần chúng ở đơn vị cơ sở, góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân.

Bà Nguyễn Thị Nhã, 73 tuổi và bà Trương Thị Nở, 74 tuổi người dân ở thôn Hưng Thái, xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) cùng nhiều người dân khi theo dõi chương trình Liên hoan nghệ thuật quần chúng của Cục Hậu cần Quân khu không giấu niềm vui mừng phấn khởi cho biết: “Liên hoan nghệ thuật quần chúng do bộ đội diễn chẳng khác gì các đoàn nghệ thuật “chuyên nghiệp” biểu diễn; nếu chương trình này được phục vụ ở địa phương, chắc chắn bà con sẽ kéo đến xem rất đông”…

Từ hai góc nhìn về hoạt động nghệ thuật nói trên, thiết nghĩ các cơ quan, đơn vị tổ chức hội thi, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp  và các cơ quan, đơn vị địa phương tổ chức liên hoan nghệ thuật quần chúng cần phát huy thế mạnh của mình, sao cho không còn cảnh “thuê đạo diễn”, “thuê sáng tác”, “thuê diễn viên” như đã từng xảy ra trong thời gian qua.

Bài và ảnh: PHONG SƯƠNG