Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thực sự là vấn đề cấp bách đối với sự mất còn của Đảng, của chế độ. Đây không chỉ là một đợt sinh hoạt chính trị thường xuyên nhằm quán triệt, triển khai nghị quyết Trung ương theo chế độ quy định mà còn với ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt như một đợt “chỉnh huấn”, “chỉnh Đảng” mà Đảng và Bác Hồ đã tiến hành vào những năm 1952, 1961 và 1965.

     Trung tướng Nguyễn Sỹ Thăng, Chính ủy Quân khu trao đổi với cán bộ cơ quan Quân khu về nội dung, biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT trong LLVT Quân khu.     Ảnh: BÙI HIỆP

     Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác xây dựng đảng trong những năm qua còn nhiều hạn chế, bất cập, trong đó có những khuyết điểm kéo dài không được khắc phục triệt để, có những yếu kém, khuyết điểm không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém, bất cập và nguyên nhân; xác định những chủ trương, biện pháp khắc phục.

     Tuy vậy, kết quả chưa đạt mục tiêu, yêu cầu, nhiều vấn đề xã hội nảy sinh từ những yếu kém trong công tác xây dựng đảng, trở thành những vấn đề bức xúc của xã hội, đang làm giảm sút năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm suy giảm uy tín, thanh danh của Đảng, ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã ra Nghị quyết về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đồng thời Đảng ta xác định yêu cầu, nhiệm vụ là tiếp tục thực hiện 10 giải pháp cơ bản mà Đại hội XII đã đề ra; “trong đó nhấn mạnh phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, với trọng tâm là đấu tranh: ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

     Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đẩy mạnh việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cần thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:

     Một là, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, luật pháp, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, kỷ cương phép nước.

     Hiện nay, hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước và của các cấp, các ngành, địa phương có nhiều nội dung đã lạc hậu, không còn phù hợp, trong khi thực tiễn cuộc sống đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới phải giải quyết. Việc chậm đổi mới, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, luật pháp là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tham ô, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực, tệ nạn xã hội.

     Chính vì vậy, để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, Đảng và Nhà nước ta cần lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt việc nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện, ban hành các chế độ chính sách, hoàn thiện cơ chế, luật pháp, các văn bản pháp luật,... làm căn cứ để cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hạn chế đến mức thấp nhất những hạn chế, sơ hở có thể lợi dụng, tạo ra môi trường lành mạnh để mỗi cán bộ, đảng viên tu dưỡng, phấn đấu, tiến bộ, trưởng thành.

     Hai là, thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng nghiêm túc, trung thực từ trên xuống dưới, có hiệu quả cao, kết luận rõ ràng, xử lý nghiêm minh.

     Tự phê bình và phê bình là “bài thuốc” hiệu nghiệm trong đấu tranh ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trong tiến hành tự phê bình và phê bình phải công tâm, khách quan, mỗi người phải thành khẩn, thật thà tự phê bình và phê bình, không trốn tội, chạy tội và không đổ tội cho tập thể, cho đồng chí, đồng đội. Cần kiên quyết khắc phục hiện tượng nể nang, “dĩ hòa vi quý”, đùn đẩy trách nhiệm, vì lợi ích cá nhân, cục bộ, phe nhóm mà bao che khuyết điểm cho nhau. Theo đó, cấp trên phải gương mẫu với cấp dưới; đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt phải làm gương cho đảng viên thường; quần chúng. Kiểm điểm tự phê bình và phê bình là nhằm phát huy ưu điểm, tìm ra khuyết điểm, hạn chế để sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ.

     Vì vậy, khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải kết luận rõ ràng với mỗi cán bộ, đảng viên mức độ, dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để xem xét các hình thức kỷ luật về Đảng và xử lý về chính quyền nhằm làm trong sạch bộ máy của Đảng, loại khỏi đội ngũ những đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, không có trường hợp ngoại lệ, không có vùng cấm.

     Ba là, tạo sự đồng thuận của nhân dân.

     Một trong những nguyên lý xây dựng Đảng Cộng sản là Đảng phải chăm lo củng cố mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Nhân dân là động lực của cách mạng, sức mạnh của Đảng. Vì vậy, trong hoạt động lãnh đạo và công tác xây dựng đảng, Đảng phải luôn dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân. Riêng đối với việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng của một bộ phận cán bộ, đảng viên càng phải dựa vào nhân dân, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.

     Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp nói riêng, do thường xuyên tiếp xúc với nhân dân nên nhân dân biết rất rõ chất lượng đội ngũ cán bộ, ai là đảng viên trung kiên, mẫu mực, ai là người có biểu hiện về suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, thông qua nhiều nguồn tin khác nhau, nên nhân dân biết rất rõ mối quan hệ xã hội của đội ngũ cán bộ, đảng viên và gia đình của họ.

     Bốn là, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp.

     Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng không chỉ có ý nghĩa trực tiếp, trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.

     Trong điều kiện phát triển kinh thế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các mối quan hệ xã hội của mỗi người dân, của cán bộ, đảng viên ngày càng mở rộng, đan xen, bị chi phối bởi nhiều quan hệ lợi ích rất đa dạng, phức tạp. Do đó, cùng với công tác giáo dục, rèn luyện, cần làm tốt công tác quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt nhằm ngăn chặn các nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng của cán bộ, đảng viên.

     Đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tổ chức đảng và chính quyền cùng cấp phải mẫu mực trong tự giáo dục, tự quản lý và rèn luyện bản thân, cần kiên quyết khắc phục những biểu hiện cậy chức, cậy quyền mà đặt mình cao hơn tổ chức, ngoài sự quản lý, rèn luyện của tổ chức. Nếu không ghép mình vào tổ chức sẽ sinh ra tự do tùy tiện, kém ý thức học tập, rèn luyện dẫn đến sa ngã, “tự diễn biến”, “tự suy thoái”

     Đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng hiện nay sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN BÁ DƯƠNG
(Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự - Bộ Quốc phòng)