Mừng tuổi ngày Tết.   Ảnh minh họa

Sau khi nghe mẹ chồng tôi nói đổi tiền để mừng tuổi (thường gọi là tiền lì xì) cho các con, các cháu, cháu bĩu môi, tỏ vẻ chê bà “lạc hậu”: “Bây giờ, ít nhất phải lì xì 50.000 đồng rồi bà ơi!”. Vừa nói, cháu vừa xòe năm ngón tay ra hiệu.

Tôi nhìn mặt mẹ chồng như chùng lại. Chờ mẹ tôi lên phòng, tôi lại chỗ cháu gái thủ thỉ: “Cháu có biết ý nghĩa của việc lì xì đầu năm không?”. Cháu tôi vội đáp: “Là để chúc cho chúng con sức khỏe, học giỏi phải không cô?”. Tôi gật gù, xoa đầu cháu và giảng giải: “Từ xưa đến nay, lì xì đầu năm là một tục lệ đẹp, không thể thiếu của người Việt khi gặp trẻ em hay người cao tuổi vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Xuất phát từ câu chuyện cổ, những đồng tiền lì xì giúp bảo vệ trẻ con khỏi bệnh tật. Trong thời hiện đại, tục lì xì mang thông điệp chúc cho ông bà bách niên giai lão; chúc cho con cháu sức khỏe, chăm ngoan học giỏi. Ý nghĩa của lì xì không nằm ở giá trị đồng tiền bên trong mỗi phong bao lì xì mà ở giá trị nhân văn của nó, cháu ạ!”.

Rồi tôi kể cho cháu tôi nghe, cái Tết của chúng tôi khi còn nhỏ đơn giản chỉ là được quây quần bên gia đình, rúc vào gian bếp nhỏ, tự tay gói những chiếc bánh chưng nhỏ xíu, rồi ngồi canh nồi bánh xuyên đêm, nghe tiếng củi nổ lép bép… Ngày đó, không phải đứa trẻ nào cũng có quần áo mới để mặc, nhưng mà đứa nào cũng được bố mẹ cho diện bộ đẹp nhất để đi chúc Tết họ hàng. Trong phong bao lì xì cũng chỉ có những tờ tiền lẻ mang ý nghĩa tượng trưng, thay cho những lời chúc đầu năm mới, nhưng đứa nào cũng phấn khởi, lễ phép đón nhận.

Tiếc rằng ngày nay, tục lệ lì xì đã bị người lớn biến tướng, khiến con trẻ không hiểu được hết ý nghĩa nhân văn của việc lì xì trong ngày Tết truyền thống mà chỉ quan tâm tới giá trị vật chất bên trong mỗi phong bao lì xì. Nhiều gia đình dặn con cái phải chạy xuống nhà thật nhanh, chào khách thật to để nhận được nhiều tiền mừng tuổi. “Còn anh/chị/em cháu nữa ạ!” trở thành câu quen thuộc của nhiều em nhỏ mỗi khi nhận được phong bao lì xì trong trường hợp anh chị em ruột thịt vắng nhà. Rồi không ít ông bà, cô chú “mượn” cháu đi chúc Tết cùng để gỡ lại tiền mừng tuổi. Giá trị trong phong bao lì xì không chỉ còn là những đồng tiền lẻ mà được người lớn thổi lên bằng những đồng tiền mệnh giá cao, thậm chí càng cao càng chứng tỏ người mừng tuổi hào phóng. Đáng nói hơn, không ít người còn lợi dụng chuyện mừng tuổi như một dịp để tặng quà "sếp". Chính sự biến tướng của người lớn đã làm hư con trẻ, vô tình tạo cho chúng tính so bì, thiệt hơn, nguy hại hơn là hình thành thói quen tiêu tiền sớm, sử dụng tiền không đúng mục đích.

Cùng với bánh chưng, mứt Tết, Tết truyền thống của người Việt không thể thiếu sắc đỏ rực rỡ của những phong bao lì xì chứa đựng những ước vọng đầu năm mới mà mọi người dành cho trẻ em. Điều cần thiết là cha mẹ nên dạy con trẻ hiểu được ý nghĩa của việc mừng tuổi. Tiền lì xì dù ít hay nhiều đều là tấm lòng mà người lớn dành cho trẻ. Cha mẹ cần dạy con cách chào hỏi và cảm ơn khi nhận lì xì, dạy con sử dụng tiền lì xì hợp lý sau Tết... Trẻ con như tờ giấy trắng, chúng lớn lên rất vô tư và rất cần cha mẹ tâm sự với con từ những điều bình dị trong cuộc sống.

MỸ UYÊN/QĐND