Tình Trường Sa lắng phía đại ngàn
Cập nhật ngày: 14/02/2018 17:32

Trong vô vàn con sóng thương yêu từ Trường Sa gửi về đất liền mùa xuân này có những con sóng dành riêng cho một vùng đất, nơi mà tình yêu dành cho Trường Sa trong mỗi trái tim người như núi cao, như màu xanh ngàn lá rừng, như dòng suối không bao giờ khô cạn…

Ngày cuối năm, mây đen vần vũ, mặt biển mịt mờ dưới màn mưa trắng xóa, từng con sóng cuồn cuộn như muốn nhấn chìm và cuốn phăng tất cả nhưng trong căn phòng nhỏ trên đảo chìm Đá Thị, khung cảnh tĩnh lặng và bình yên đến lạ thường. Thượng úy Lê Anh Sơn, Chỉ huy trưởng say sưa ngắm nhìn những cành lan tím. Đây là món quà do Trang trại hoa lan YSA Orchid ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) gửi tặng nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018. Dẫu trải qua hành trình dài cùng bao sóng gió mà cành hoa vẫn thắm tươi như vừa được đưa về từ vườn nhà. Mặc ngoài trời mưa gió, mùa xuân dường như đang ngập tràn nơi đây. Nâng niu từng cánh hoa mỏng manh, Thượng úy Lê Anh Sơn xúc động: “Lần đầu tiên chúng tôi nhận được những giò phong lan từ đất liền gửi ra. Quá đẹp! Đây là món quà đặc biệt ý nghĩa với chúng tôi trong mùa xuân này”.

Tặng hoa lan Đà Lạt cho đảo Song Tử Tây.

Tại đảo Sơn Ca, cán bộ, chiến sĩ cũng đang tất bật, rộn ràng đón Tết. Bên cạnh niềm vui đón xuân, dường như ai cũng có những nỗi niềm tâm sự. Với Trung tá Nguyễn Tất Thu, Cụm trưởng Cụm chiến đấu 2, nỗi nhớ chẳng thể nào khác được là ngôi nhà nhỏ nép mình bên đồi chè xanh bát ngát tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ở đó, anh có người vợ hiền và hai đứa con thơ. Là bộ đội hải quân quanh năm lênh đênh sóng biển, chuyện tình duyên của anh cũng trễ như mùa xuân đến muộn. Năm 2011, khi đã mang quân hàm Thiếu tá, trong một chuyến công tác tại TP Hồ Chí Minh, tình cờ anh gặp cô gái cùng quê. Họ quen rồi yêu nhau. Cuối năm 2011, hai người làm đám cưới. 7 ngày sau lễ cưới, anh lại ra đảo và biền biệt từ dạo ấy. “Nhiều lúc nhớ vợ con da diết, nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về nhưng biết làm sao được, nhiệm vụ mình như thế. Thôi thì cũng phải động viên để vợ con thông cảm, cố gắng”-anh Thu tâm sự.

***

Mùa xuân năm nay, cà phê dưới chân núi Lang Biang nở sớm. Nhìn những đồi hoa điệp trùng, trắng muốt, già làng Krajan Tên lại nhớ tới chuyến đi cùng các già làng tiêu biểu của Tây Nguyên tới Trường Sa năm nào. Khi con tàu HQ-571 kéo những hồi còi tạm biệt đất liền ra đảo, trước mắt già làng là biển cả mênh mông cùng những con sóng bạc đầu như muôn ngàn đóa hoa cà phê nở trên màu xanh bất tận của lá. Đến các đảo, già làng cũng bắt gặp sắc trắng ấy trên những đóa hoa phong ba, mù u và cả trên màu áo của những chú bộ đội hải quân. Khẽ ngắt một chùm hoa, già làng nói với cháu nội Ka Tuấn: “Trường Sa đẹp lắm! Nếu đại ngàn ôm ấp những dòng suối, ngọn núi, buôn làng… thì biển cả ôm ấp đảo chìm, đảo nổi. Nơi đó có những loài chim, loài cây rất đẹp, có các chú bộ đội hải quân ngày đêm canh giữ vùng đất thiêng của Tổ quốc, có cả những em bé bằng tuổi con nữa đấy…”.

Cách không xa núi Lang Biang, những dốc phố của Đà Lạt đã nhuộm hồng trong sắc hoa anh đào. Anh Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cùng các cộng sự đang hối hả chuẩn bị cho chuyến đi xa cuối cùng trong năm. Suốt hành trình từ Đà Lạt tới quân cảng Cam Ranh dài gần 150 cây số, những giai điệu về Trường Sa và biển, đảo luôn ngập tràn. Những câu chuyện mà anh kể cũng xoay quanh vùng biển, đảo thân thương ấy. Sang bảo: “Với tôi, chuyến đi Trường Sa dịp tháng 5-2017 là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất cuộc đời, giúp tôi “sáng mắt, sáng lòng”. Kể từ chuyến đi đó, tôi cảm thấy dường như mình đã thuộc về nơi ấy…”.

Ngoài vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, anh Sang còn là ông chủ của một trong những trang trại hoa lan lớn nhất nước. Những ngày cận Tết rất bận rộn nhưng anh đã gác lại một bên để ra Trường Sa. Trước đó, anh Sang cùng các thành viên trong Hiệp hội Hoa và UBND TP Đà Lạt vận động được hàng trăm cá nhân, tổ chức quyên góp hơn 40 tấn rau củ cùng tiền mặt, hàng Tết trị giá hơn 350 triệu đồng. Nhìn cách anh Sang cùng cộng sự chuẩn bị hàng Tết tặng Trường Sa sẽ hiểu được phần nào tình cảm sâu nặng của người dân phố núi dành cho mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió. Này là các loại rau củ xứ lạnh tươi ngon nhất, có thể bảo quản, vận chuyển dài ngày như su hào, cà rốt, khoai tây, củ dền... Này là những nải chuối Laba mập mạp và bưởi da xanh để bày mâm ngũ quả. Hàng trăm giò phong lan, lan hồ điệp góp thêm sắc xuân cho Trường Sa được chèn kỹ trong thùng giấy các-tông. Hạt giống các loại rau, hoa, thiết bị nhà kính, phân bón, xơ dừa, rêu làm giá thể, màng phủ để trồng rau, hoa tiết kiệm nước. Cả những chiếc cưa máy cũng được gửi làm quà. “Trường Sa vừa bị bão lớn. Nghe nói nhiều cây bị ngã đổ nên sẽ cần cưa. Tôi gửi mỗi đảo nổi hai chiếc, thêm cả lưỡi dự phòng. Tôi phải tìm loại cưa tốt nhất của Đức, mỗi chiếc 18 triệu đồng. Đây là danh sách và số điện thoại của những người phụ trách mô hình trồng rau tiết kiệm nước trên các đảo tôi đã hỗ trợ hai đợt, và đây là đợt thứ ba. Anh nhớ hỏi dùm tôi về hiệu quả mô hình trên và hỏi thêm các anh còn nhu cầu gì nữa để chuyến sau chúng tôi hỗ trợ cho thiết thực…”-Sang vừa phân trần vừa nhắn gửi.

***

Tại đảo Song Tử Tây, Trung tá Nguyễn Đức Độ, Chỉ huy trưởng, tự hào giới thiệu “Góc Đà Lạt” trên đảo. Đó là khu vườn xinh xắn gồm hồ nước, hòn non bộ, những tượng thú ngộ nghĩnh và đặc biệt là có nhiều giò phong lan đang khoe sắc. Thật ngạc nhiên là giữa Trường Sa đầy nắng gió, loài hoa vốn đỏng đảnh và khó tính này lại có thể sinh trưởng tốt và cho bông rất đẹp. Phải chăng hoa thương bộ đội đảo hay hoa mang trong mình ân tình sâu nặng của vùng đất xa xôi? Trung tá Nguyễn Đức Độ bồi hồi nhớ lại: “Từ năm 2011 đến 2013, tôi vinh dự được học tập tại Học viện Lục quân. Đó là quãng thời gian tuyệt vời khi được rèn luyện, học tập trong ngôi trường mẫu mực, được sống trong một thành phố xinh đẹp với những cư dân hiền hòa, mến khách. Tôi nhớ những buổi sớm sương mờ giăng lối, rừng thông điệp trùng và thành phố đẹp tựa bức tranh. Sau này, khi ra đảo công tác, chúng tôi vẫn thường xuyên nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền và người dân địa phương thông qua những chuyến thăm cùng những món quà thiết thực, ý nghĩa. Kỷ niệm và ân tình ấy khiến chúng tôi quyết định tạo nên “Góc Đà Lạt” này. Anh xem, những giò phong lan là quà từ Lâm Đồng gửi ra cách đây ba năm đấy!”.

Trước khi chia tay các đảo để lên tàu trở về đất liền, biết tôi là phóng viên Báo Quân đội nhân dân thường trú tại Lâm Đồng, nhiều cán bộ, chiến sĩ không quên gửi lời thăm hỏi, cảm ơn cùng mong ước sẽ có dịp ghé thăm Đà Lạt mộng mơ trong một ngày gần nhất. Tôi hiểu, với họ, Đà Lạt-Lâm Đồng đẹp và nhớ thương đã từ lâu lắm.

Nguồn: VŨ ĐÌNH ĐÔNG/QĐND