Còn gần 40 phút nữa mới đến giờ xét xử, nhưng hội trường lớn của Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên đã không còn một chỗ trống, bộ phận phục vụ phải kê thêm ghế, tận dụng các lối đi. 9 bị hại, cùng các nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có mặt đầy đủ. Tất cả chăm chú theo dõi Tòa án Quân sự Quân khu xét xử sơ thẩm công khai bị cáo Đàm Văn Thụ, nguyên là Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 832, Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, theo Điểm a, Khoản 4, Điều 139, Bộ luật Hình sự.

Với hành vi phạm tội của mình, bị cáo Đàm Văn Thụ phải nhận bản án nghiêm khắc 8 năm tù giam.

Theo cáo trạng, từ đầu năm 2012 đến giữa năm 2016, Đàm Văn Thụ công tác tại Trung đoàn 832, Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên. Lợi dụng vỏ bọc là cán bộ quân đội, có nhiều mối quan hệ xã hội, nắm bắt được nhu cầu của một số cá nhân muốn phục vụ lâu dài trong quân đội mà không qua thi tuyển, trong các cuộc ăn nhậu, hoặc thông qua bạn bè, người thân Thụ thường “nổ” rằng mình có thể xin được việc làm, xin chỉ tiêu đi học một số trường trong quân đội, chuyển chế độ QNCN cho hạ sĩ quan, chiến sĩ, chuyển vị trí công tác thuận lợi…

Trả lời Hội đồng xét xử tại phiên tòa, Đàm Văn Thụ biết rằng mình không có chức năng, quyền hạn trong tuyển sinh, đào tạo, phân công công tác cũng như tuyển dụng cán bộ, nhưng vẫn tìm mọi cách gây dựng lòng tin của bạn bè, người thân. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, Thụ đã lừa đảo, chiếm đoạt của 9 đối tượng nhờ y chạy chọt với tổng số tiền trên 1,379 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền lừa đảo được, Thụ sử dụng vào chi tiêu cá nhân, đến nay không có khả năng chi trả.

Có thể thấy, hành vi của Đàm Văn Thụ là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu, định đoạt tài sản của người khác được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, gây dư luận xấu trong xã hội. Không chỉ có vậy, hành vi đó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, bản chất, truyền thống tốt đẹp của người quân nhân cách mạng. Trước những lý lẽ và chứng cứ không thể chối cãi, Đàm Văn Thụ đã cúi đầu nhận tội. 

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đặng Hùng Cường, Chánh án Tòa án Quân sự Quân khu khẳng định: Với tư cách là sĩ quan quân đội, là người lãnh đạo, chỉ huy trong đơn vị, lẽ ra Đàm Văn Thụ phải gương mẫu chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, giữ gìn mối đoàn kết quân dân. Vậy mà chỉ vì ích kỷ cá nhân, lười rèn luyện, đam mê vật chất, bị cáo đã cố ý gian dối, hết lần này đến lần khác lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác, nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân, đánh mất lòng tin của nhân dân, đồng chí, đồng đội. Chỉ tính riêng mỗi lần bị cáo nhận tiền của các bị hại với nhân chứng, vật chứng cụ thể, đủ yếu tố cấu thành hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, do đó bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần, có tính hệ thống.  

Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, xét nhân thân của bị cáo chưa có tiền án, tiền sự. Bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bản thân bị cáo và vợ có đóng góp nhất định cho quân đội, được tặng huy chương chiến sĩ vẻ vang các hạng; đã khắc phục một phần hậu quả (trả cho bị hại 120 triệu đồng). Sau khi xem xét toàn diện vụ án, nhất là trong phần xét hỏi, tranh luận tại tòa; tham khảo quan điểm của đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố, kiến nghị của hội thẩm quân nhân và đặc biệt là ý kiến của các nhân chứng, nguyện vọng của các bị hại. Hội đồng xét xử đã nghị án và tuyên phạt bị cáo Đàm Văn Thụ 8 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điểm a, Khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự. Buộc bị cáo phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt 1 tỷ 259 triệu đồng cho những người bị hại.

Chăm chú theo dõi phiên xét xử, Đại úy QNCN Nguyễn Thị Hà, nhân viên Văn phòng Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên, cho rằng: Đây là bài học đắt giá cho bị cáo Thụ, chỉ vì ích kỷ cá nhân, Đàm Văn Thụ đã đẩy gia đình đến chỗ tan nát. Nếu biết trân trọng cuộc sống của hai vợ chồng cán bộ quân đội, thu nhập ổn định, thì bị cáo đã không vướng vòng lao lý, vợ chồng ly hôn, con cái mỗi đứa một nơi. Đây cũng là bài học cho những gia đình, cá nhân nhẹ dạ cả tin, lười học tập, rèn luyện, chỉ lo đút lót, chạy chọt, mong được công việc thuận lợi.

Phiên tòa khép lại, bị cáo Đàm Văn Thụ đã phải trả giá về hành vi phạm tội của mình. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai không chấp hành pháp luật, thiếu rèn luyện, thích hưởng thụ, gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Để ngăn ngừa các hành vi phạm tội như trên, Thượng tá Đỗ Mạnh Quyền, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa kiến nghị: Chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần duy trì nghiêm kỷ luật quân đội, quy định đơn vị; kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Quản lý chặt chẽ mối quan hệ xã hội của quân nhân; phát huy vai trò đội ngũ chiến sĩ bảo vệ ở các cấp, dự báo sớm và giải quyết triệt để những biểu hiện vi phạm kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ.

Quan sát Đàm Văn Thụ từ đầu cho đến khi phiên tòa kết thúc, chúng tôi bắt gặp ánh mắt lộ rõ vẻ hoảng hốt. Thụ tỏ ra ăn năn, hối hận, xin lỗi các bị hại và hứa sẽ khắc phục hậu quả, mặc dù không biết sẽ khắc phục bằng cách nào? Lời sám hối muộn màng, khi bản án đã được tuyên, tương lai phía trước của Đàm Văn Thụ là bốn bức tường nhà giam lạnh lẽo, với chuỗi ngày cô đơn dài dằng dặc, nơi anh ta phải đối mặt với chính mình, chịu sự dày vò của lương tâm. 

Bài và ảnh: CHÍ DŨNG-QUANG CƯƠNG