Bản án nghiêm minh cho tội đào ngũ
Cập nhật ngày: 25/10/2017 21:22

Sáng 8-9, hội trường Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3) chật kín người, bên ngoài hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ xếp hàng ngay ngắn, tất cả tập trung theo dõi Tòa án quân sự Khu vực 2 xét xử sơ thẩm công khai bị cáo Nguyễn Ngọc Quân, sinh năm 1996, trú tại xã Châu Phong (Quế Võ, Bắc Ninh), chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2, phạm tội “đào ngũ” theo khoản 1, Điều 325, Bộ luật Hình sự.




Bị cáo Nguyễn Ngọc Quân tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, ngày 15-2-2017, Nguyễn Ngọc Quân nhập ngũ, được biên chế vào Tiểu đội 12, Trung đội 6, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2. Do ý thức kém, nhận thức lệch lạc, nên ngay sau khi nhập ngũ Quân có ý định trốn tránh nghĩa vụ quân sự, không muốn phục vụ quân đội. Mặc dù đã được chỉ huy đơn vị gặp gỡ, động viên, nhắc nhở nhiều lần, song Quân không chấp hành mà tìm mọi cách trốn khỏi đơn vị, thoái thác nhiệm vụ. Cụ thể, ngày 27-2-2017, lợi dụng lúc đi ăn cơm, Quân đã trốn khỏi đơn vị, bắt taxi về khu nhà đang xây dựng ở phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh và trốn ở đó, ngày ngủ, tối đi lang thang. Cho đến ngày 23-3-2017, Quân về nhà tại thôn Châu Cầu, xã Châu Phong (Quế Võ, Bắc Ninh). Khi về đến nhà Quân được mẹ và mọi người động viên đưa lên đơn vị để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quân sự. 


Sau khi trở lại đơn vị, Quân được triển khai viết bản kiểm điểm, tường trình và cam kết không tái phạm. Đơn vị đã tổ chức sinh hoạt xét kỷ luật đối với Nguyễn Ngọc Quân bằng hình thức cảnh cáo cấp đại đội. Những ngày sau đó, Quân vẫn không tiến bộ, ngựa quen đường cũ. Ngày 9-4-2017, lợi dụng đơn vị đang nghỉ trưa, Quân tiếp tục trốn khỏi đơn vị, bắt xe khách đến nhà ông Trần Văn Phúc ở Đăk Lăk (anh trai của mẹ Quân), nói dối gia đình ông Phúc là vào chơi, thăm gia đình, với ý định trốn tránh, không quay trở lại đơn vị. Ngày 9-5-2017, ông Phúc được mẹ đẻ của Quân thông báo là Quân đang bị truy nã về tội “Đào ngũ” nên đã khuyên bảo Quân về nhà đầu thú. Đến sáng 11-5-2017, Quân ra đầu thú tại UBND xã Châu Phong (Quế Võ, Bắc Ninh).
Hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Ngọc Quân đã được chứng minh bằng nhiều tài liệu, chứng cứ, biên bản làm việc với gia đình, địa phương, lời khai của những người làm chứng… Toàn bộ các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội và lời khai của những người làm chứng hoàn toàn phù hợp với lời khai của bị can trong vụ án. Hành vi của bị can đã phạm vào tội “Đào ngũ”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1, Điều 325, Bộ luật Hình sự: “Người nào rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc trong thời chiến thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.


Tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Được nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Ngọc Quân cho biết: Bị cáo đã nhận ra lỗi lầm của mình, chỉ vì ham chơi, suy nghĩ nông cạn nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, xin được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Con xin gửi lời xin lỗi đến mẹ, toàn thể gia đình và tập thể đơn vị.


Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, xem xét tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải) và nhân thân tốt, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Quân 20 tháng tù giam.
Theo dõi phiên tòa, từng cán bộ, chiến sĩ, người dân và thân nhân của bị cáo đều rút ra cho mình bài học về ý thức chấp hành pháp luật. Bà Trần Thị Hòa - mẹ đẻ của Quân cho biết: Quân là con thứ ba trong gia đình, có hai chị gái. Từ nhỏ gia đình đã có phần nuông chiều, trong khi bố Quân mất sớm, một mình tôi nuôi các con nên cũng rất vất vả, thiếu sự giám sát thường xuyên, đây là bài học đau xót cho cả gia đình. Binh nhất Nguyễn Văn Kỳ, Chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2 nói: Đây là bài học đắt giá đối với mỗi quân nhân có suy nghĩ lệch lạc, coi thường quy định đơn vị, kỷ luật quân đội và pháp luật Nhà nước. Chắc chắn rằng tôi sẽ không bao giờ có ý định đào ngũ.


Cùng chung suy nghĩ, Binh nhất Nguyễn Văn Dũng, Chiến sĩ Khẩu đội 3, Trung đội 2, Đại đội 14, Trung đoàn 2, bộc bạch: Được khoác trên mình bộ quân phục, góp sức xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc là vinh dự, tự hào của mỗi quân nhân. Trước những hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông vì độc lập, tự do của Tổ quốc, thì hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự rất đáng lên án và cần được xử lý nghiêm.


Theo Thiếu tá Thân Mạnh Nhất, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, bị cáo nhận thức được hành vi đào ngũ, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị quân đội, làm ảnh hưởng đến phẩm chất, tư tưởng, tâm lý cho các quân nhân khác trong đơn vị. Phiên tòa khép lại, bị cáo đã phải trả giá về hành vi phạm tội của mình.

Bản án nghiêm khắc 20 tháng tù chính là bài học thích đáng cho bị cáo Nguyễn Ngọc Quân, đồng thời là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai coi thường pháp luật. Qua vụ án, Hội đồng xét xử cũng mong muốn, chỉ huy các đơn vị kịp thời nắm, giải quyết tư tưởng cho bộ đội, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để răn đe; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình quân nhân trong việc giáo dục, quản lý quân nhân, ngăn chặn những hành vi tương tự có thể xảy ra, góp phần giữ vững kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước.

Bài và ảnh: CHÍ DŨNG