Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi có dịp chứng kiến các chiến đấu viên Tiểu đoàn Đặc công 20 (Bộ Tham mưu) huấn luyện và thực hành nhảy dù tại Sân bay Hòa Lạc (Hà Nội). Đây là khóa huấn luyện do Binh chủng Đặc công phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức, với thành phần là chiến đấu viên các tiểu đoàn đặc công thuộc Quân khu 1,2,3 và Quân chủng Phòng không - Không quân, nhằm tăng cường sự tinh nhuệ, khả năng hiệp đồng, tác chiến cơ động, đổ bộ đường không.


Chiến đấu viên Tiểu đoàn Đặc công 20 (Bộ Tham mưu) thực hành lên máy bay chuẩn bị nhảy dù.

Ngay từ khi trời còn mờ sáng, các chiến đấu viên Tiểu đoàn Đặc công 20 (Bộ Tham mưu) cùng đơn vị bạn đã có mặt tại sân bay Hòa Lạc để thực hành nội dung quan trọng nhất trong khóa huấn luyện, đó là nhảy dù đổ bộ đường không từ độ cao 800m. Đại úy Triệu Hoàng Thế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 20 cho chúng tôi biết: Tiểu đoàn được Quân khu giao huấn luyện dù cho một bộ phận chiến đấu viên, sẵn sàng hiệp đồng tác chiến cơ động, tham gia chống khủng bố và tìm kiếm cứu nạn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, đơn vị đã tổ chức huấn luyện bộ đội nắm chắc các nội dung lý thuyết nhảy dù tìm kiếm cứu nạn đường không; 3 động tác cơ bản ở mặt đất; tính năng, kỹ thuật, cấu tạo và nguyên lý hoạt động của dù đổ bộ; phương pháp gấp dù và xử lý bất trắc; phương pháp mang đeo trang bị và thực hành. Sau huấn luyện lý thuyết, các chiến đấu viên của đơn vị rất háo hức được lên máy bay để tham gia nội dung thực hành.

 
Tìm hiểu chúng tôi được biết, trước khi thực hành, các chiến đấu viên được giáo viên của Trung tâm Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đường không huấn luyện rất kỹ về phần lý thuyết và các động tác bổ trợ, nhằm phòng tránh các sự cố bất trắc. Công tác bảo đảm cũng được Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị chu đáo từ khâu kiểm tra tình trạng kỹ thuật máy bay đến cắt cử đội hình túc trực bên khu vực ao, hồ, sẵn sàng cứu nạn khi có tình huống xảy ra.


Cẩn thận kiểm tra từng mối dù, từng móc khóa, trang bị mang theo cho các chiến đấu viên trước khi lên máy bay, Thiếu tá Cao Sỹ Viên, Đội trưởng Đội tìm kiếm cứu nạn thuộc Trung tâm Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đường không chia sẻ với chúng tôi: “Khi rơi từ độ cao gần một nghìn mét thì không thể nói trước điều gì. Vì vậy, công tác kiểm tra rất quan trọng; kiểm tra kỹ giúp chúng ta nắm chắc được các yếu tố kỹ thuật, kịp thời khắc phục sai sót nếu có, đồng thời giúp người trực tiếp nhảy dù thêm yên tâm khi thực hiện nhiệm vụ…”.


Đúng 7 giờ 30 phút sáng, 2 chiếc trực thăng Mi-8 và Mi-17 cất cánh, chở các chiến sĩ đặc công Quân khu 1 và Quân khu 2 vút bay trên bầu trời trong nắng vàng rực rỡ. Từ dưới mặt đất nhìn lên bầu trời trong xanh, những chiếc dù bung ra trên không tựa những bông hoa trắng khổng lồ dập dờn trong gió. "Tiếp cận" Thiếu úy QNCN Phạm Văn Hải khi anh vừa tiếp đất với nụ cười rạng rỡ, tôi được anh cho biết: “Do lần đầu thực hiện nội dung nhảy dù nên trước khi rời máy bay tôi cũng khá hồi hộp. Nhưng do trước đó đã được huấn luyện rất kỹ về thứ tự động tác, cách xử lý tình huống và với bản lĩnh của người lính đặc công nên tôi không còn hồi hộp nữa, thay vào đó là cảm giác tuyệt vời được ngắm nhìn mặt đất khi đang lơ lửng trên không trung”.


Là người có nhiều kinh nghiệm nhảy dù, Thượng úy Bùi Văn Kim, Chính trị viên Đại đội 33, Tiểu đoàn Đặc công 20 chia sẻ kinh nghiệm: Nắm chắc lý thuyết, vận dụng đúng nguyên tắc thì việc nhảy dù cũng không quá khó. Nhất là khi xử trí tình huống cần hết sức bình tĩnh nhưng phải rất nhanh nhạy. Cụ thể như trường hợp xác định rơi xuống nước, khi xuống gần điểm tiếp xúc cần bật khuy để dù bay tự do xa khỏi người, tránh tình trạng mắc kẹt trong dù, bị ngộp nước…


Chiến đấu viên Tiểu đoàn Đặc công 20 hoàn thành nhiệm vụ nhảy dù.


Sau 2 ngày kiểm tra nghiêm túc, nội dung thực hành nhảy dù đổ bộ đường không của lực lượng đặc công các Quân khu, Quân chủng đã kết thúc. Nhận xét về kết quả huấn luyện, thực hành nhảy dù của lực lượng đặc công Quân khu 1, Thượng tá Nguyễn Văn Nguyện, Trưởng phòng Đặc công Quân khu khẳng định: Tuy thời gian huấn luyện chưa dài, song kỹ thuật nhảy dù của các chiến đấu viên đã đạt yêu cầu đặt ra. Trong tình hình mới, bộ đội đặc công không chỉ “luồn sâu, đánh hiểm”, “xuất quỷ, nhập thần” mà còn phải triển khai phương thức cơ động, tác chiến mới, để có thể cơ động nhanh, có mặt kịp thời và nhanh chóng triển khai nhiệm vụ tại khu vực có tình huống xảy ra. Để nâng cao chất lượng huấn luyện, bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ, trong thời gian tới, Quân khu sẽ tổ chức huấn luyện nhảy dù cho lực lượng chiến đấu viên trên nhiều địa hình và trong các điều kiện thời tiết khác nhau, cự ly nhảy dù sẽ được rút ngắn dần để bảo đảm sát với nhiệm vụ thực tế.

Bài và ảnh: BÙI HIỆP