Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định phương hướng: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng...”. Theo đó, việc tăng cường xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ đối với quân nhân là vấn đề hết sức quan trọng, là một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội.


Cán bộ, chiến sĩ Đại đội Thiết giáp (Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang) đọc báo trong giờ giải lao.                Ảnh: BG

Với tinh thần đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 đã có những sửa đổi, bổ sung  về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân so với Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 như sau:

Về tên gọi: Tên của chương này được sửa đổi từ Chương XXIII BLHS năm 1999 “CÁC TỘI XÂM PHẠM NGHĨA VỤ, TRÁCH NHIỆM CỦA QUÂN NHÂN”, thành Chương XXV: “CÁC TỘI XÂM PHẠM NGHĨA VỤ, TRÁCH NHIỆM CỦA QUÂN NHÂN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI PHỐI THUỘC VỚI QUÂN ĐỘI TRONG CHIẾN ĐẤU, PHỤC VỤ CHIẾN ĐẤU” tức là mở rộng phạm vi xử lý đối với cả những người có trách nhiệm phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Chương này gồm 29 điều, từ Điều 392 đến Điều 420, so với quy định của BLHS năm 1999 thì nhiều hơn 3 điều luật.

Chương này có một số sửa đổi, bổ sung sau đây:
Thứ nhất: so với BLHS 1999, BLHS 2015 đã bổ sung thêm chủ thể của Chương này. Cụ thể là công nhân, viên chức quốc phòng. Việc bổ sung các chủ thể này để phù hợp với các quy định liên quan đến hoạt động quân sự như Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, pháp luật về lao động.
Thứ hai: Quy định cụ thể tình tiết định khung “trường hợp đặc biệt khác” trong một số điều luật bằng hai tình tiết:
“Trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn” và “trong tình trạng khẩn cấp”. Hai tình tiết này cũng được bổ sung trong một số điều luật của Chương này như Tội trốn tránh nhiệm vụ (Điều 403), Tội báo cáo sai (Điều 408), Tội vi phạm quy định về trực ban, trực chiến, trực chỉ huy (Điều 409).
Thứ ba: Sửa đổi, bổ sung tên một số tội phạm:
- Sửa tên “Tội vi phạm chính sách đối với thương binh, tử sĩ trong chiến đấu” thành “Tội cố ý bỏ thương binh, tử sĩ hoặc không chăm sóc, cứu chữa thương binh” (Điều 417).
- Sửa “Tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” thành “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự” (Điều 413). Điều luật này, ngoài việc sửa từ “phương tiện kỹ thuật quân sự” thành “trang bị kỹ thuật quân sự” còn bổ sung “Tội cố ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự”.
- Bổ sung thêm “Trang bị kỹ thuật quân sự” trong tội “Tội vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự” (Điều 412).
- Bổ sung thêm hành vi “Không làm nhiệm vụ trong chiến đấu” trong “tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu” (Điều 401).
Thứ tư: Nhìn chung nhiều quy định về mức hình phạt trong cấu thành cơ bản và cấu thành tăng nặng đã được giảm nhẹ hơn như tội đào ngũ (Điều 402); tội trốn tránh nhiệm vụ (Điều 403), tội vi phạm quy định về bảo vệ (Điều 410), tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại chiến lợi phẩm (Điều 419). Cụ thể như sau:
So với quy định tại Điều 325 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Điều 402 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)  đã giảm mức phạt tù tại khoản 2 Điều 325 BLHS năm 1999 từ “03 năm đến 08 năm” xuống thành “02 năm đến 07 năm”; giảm mức phạt tù tại khoản 3 Điều 325 BLHS năm 1999 từ “07 đến 12 năm” xuống từ “05 đến 12 năm”. Đối với tội trốn tránh nhiệm vụ, khoản 1 Điều 326 quy định  “1. Người nào tự gây thương tích, gây tổn hại cho sức khoẻ của mình hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác để trốn tránh nhiệm vụ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”, BHHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) giảm mức phạt tù xuống thành từ “03 tháng đến 2 năm”.
Khoản 2 Điều 331 BLHS năm 1999 quy định tội vi phạm các quy định về bảo vệ như sau: 2. Phạm tội trong chiến đấu hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”, tại khoản 2 Điều 410 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) giảm xuống thành từ “03 năm đến 7 năm”. 
Tương tự đó là đối với tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại chiến lợi phẩm, so với BLHS 1999 thì BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã sửa đổi và bổ sung rất cụ thể từng trường hợp phạm tội quy định tại Điều 419.  Đối với mức phạt tù quy định tại khoản 1 Điều 337 BLHS năm 1999 quy định từ “06 tháng đến 05 năm”, BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) giảm xuống thành “từ 06 tháng đến 03 năm”; giảm mức phạt tù tại khoản 2 Điều 337 BLHS 1999 từ “03 đến 08 năm” và mức phạt tù tại khoản 3 sửa đổi thành từ “07 năm đến 12 năm” thành “05 đến 10 năm”.
Bỏ hình phạt tù chung thân trong tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu (Điều 401).
Thứ năm: Tách một số tội ghép thành các tội riêng:
- Tách tội làm nhục, hành hung đồng đội (Điều 321 BLHS năm 1999) thành hai tội:
+ Tội làm nhục đồng đội (Điều 397).
+ Tội hành hung đồng đội (Điều 398).
- Tách tội vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự; tội làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự (Điều 328 BLHS năm 1999) thành hai tội:
+ Tội vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự (Điều 406).
+ Tội làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự (Điều 407).
Việc tách riêng các tội phạm trong các tội ghép nhằm bảo đảm việc quy định và xử lý đúng hơn đối với các hành vi có tính nguy hiểm khác nhau.
Thứ sáu: Bổ sung thêm một số tội danh mới:
- Bổ sung tội "Ra mệnh lệnh trái pháp luật (Điều 393).
- Tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sĩ (Điều 418). Tội này được xây dựng từ việc tách từng tình tiết tăng nặng của khoản 4 Điều 336 BLHS năm 1999.
Thứ bảy: Bãi bỏ hai tội "Tội làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên (Điều 319 BLHS năm 1999) và "Tội làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới (Điều 320 BLHS năm 1999). Các dấu hiệu của hai tội này được quy định trong tội làm nhục đồng đội (Điều 397) và "Tội hành hung đồng đội" (Điều 398) của luật này.
Thứ tám: Hầu hết các điều luật vẫn giữ nguyên các tình tiết có tính chất định tính về hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng có một số điều luật quy định cụ thể về thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Ví dụ khoản 1 Điều 410, khoản 1 và khoản 3 Điều 416; Quy định cụ thể về giá trị lớn hoặc rất lớn được lượng hóa trong các khoản 1, 2 và 3 Điều 419; hoặc số lượng được quy định cụ thể ở điểm b khoản 2 Điều 417. "Đối với 02 thương binh hoặc 02 tử sĩ trở lên".
Như vậy, có thể thấy rằng từ những bất cập của thực trạng áp dụng BLHS năm 1999 nói chung, các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân nói riêng. BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có một số sửa đổi, bổ sung, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tư duy lập pháp hình sự. Tiếp tục thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.
         Phùng Văn Hoàng
(Tòa án Quân sự khu vực 2)