Sau ba ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả từ ngày 29 - 31/3/2018, tại Hà Nội, Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong (Mê Công) mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) đã kết thúc tốt đẹp.

Ba Thủ tướng thể hiện tinh thần đoàn kết và hợp tác 3 nước sau khi ký kết Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao hợp tác Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10. Ảnh: TTXVN
       Ba Thủ tướng thể hiện tinh thần đoàn kết và hợp tác 3 nước sau khi ký kết Tuyên bố chung
Hội nghị Cấp cao hợp tác Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10. Ảnh: TTXVN


Tham dự các hội nghị có đại diện Chính phủ, địa phương các nước thành viên GMS, đối tác phát triển, giới học giả, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài khu vực. Các hội nghị đã tạo dấu ấn quan trọng cho thấy khát vọng, quyết tâm của các nước GMS xây dựng khu vực Mekong hòa bình, thịnh vượng, phát triển bền vững và vì người dân. 

Định hướng “3C” 

Sau 1/4 thế kỷ, hợp tác GMS đã khẳng định bản sắc riêng với chiến lược 3C “Kết nối, Cạnh tranh và Cộng đồng”. Quy mô hợp tác đạt hơn 21 tỷ USD với hàng trăm dự án trên nhiều lĩnh vực, nổi bật nhất là hợp tác kết nối. Tiểu vùng Mekong mở rộng hiện đã là một khu vực năng động, hội nhập và có những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. 

Thành tựu này cho thấy khát vọng, quyết tâm của các nước GMS xây dựng khu vực Mekong hòa bình, thịnh vượng, phát triển bền vững và vì người dân. 

Để phát huy sự tham gia mạnh mẽ hơn của các đối tác phát triển và đặc biệt là khu vực tư nhân vào hợp tác GMS, tại Hội nghị thượng đỉnh GMS 6 lần này, Việt Nam lần đầu tiên đưa sáng kiến tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và nhà nước, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới. Sáng kiến này đã nhận được sự đồng thuận của các nước thành viên GMS, sự ủng hộ của các đối tác Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, ASEAN... 

Đặc biệt là sự hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp với quy mô hơn 2.000 doanh nhân trong nước và quốc tế tham dự. Điều này thể hiện sự hứng khởi kinh doanh, niềm tin của các doanh nhân, nhà đầu tư vào các chính sách đổi mới, cởi mở, thông thoáng của các Chính phủ và các cơ hội kinh doanh thuận lợi đang mở ra trong khu vực GMS, CLV rất giàu tiềm năng phát triển trong bối cảnh châu Á đang nổi lên là một động lực tăng trưởng của toàn cầu trong thế kỷ 21. 

Tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6, các lãnh đạo GMS đã thảo luận và nhất trí đề ra những định hướng hợp tác lớn trong trung hạn, khởi động tiến trình xây dựng tầm nhìn hợp tác dài hạn của GMS. Hội nghị đã thông qua ba văn kiện quan trọng: Tuyên bố chung của Hội nghị thể hiện cam kết chính trị, quyết tâm của các nước GMS nâng cao vai trò của cơ chế hợp tác; Kế hoạch Hành động Hà Nội 2018-2022 căn bản định hướng các lĩnh vực trọng tâm và biện pháp hợp tác trong năm tới bao gồm việc thúc đẩy mở rộng mạng lưới hành lang kinh tế hiện nay và Khung đầu tư tiểu vùng 2022 là danh sách 227 dự án cụ thể với quy mô khoảng 66 tỷ USD. 

Đáng chú ý, Hội nghị đã khởi động tiến trình xây dựng tầm nhìn dài hạn sau năm 2022. Trong bối cảnh các nước GMS hướng đến Chương trình nghị sự phát triển bền vững SDG 2030 của Liên hợp quốc, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, hợp tác GMS cần xác định được tầm nhìn dài hơn nhằm xây dựng một khu vực GMS hội nhập và thịnh vượng. 

Đó cũng sẽ là một tầm nhìn đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa, cân bằng ở khu vực, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bao trùm, đảm bảo mọi người dân đều hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa và các cuộc cách mạng công nghệ mang lại. 

Sáng kiến hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khởi xướng năm 1992. Các nước thành viên của tiểu vùng Mekong mở rộng gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc (với hai tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây) và Việt Nam. 

Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng nhằm mục tiêu thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc), đưa tiểu vùng Mekong mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở khu vực. 

Đối với hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng, Việt Nam đã tham gia hợp tác ngay từ giai đoạn đầu, đóng góp vào hầu hết tất cả các sáng kiến hợp tác của tiểu vùng Mekong mở rộng. Sự tham gia của Việt Nam mang nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, góp phần gia tăng liên kết kinh tế khu vực. 

Thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện 

Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 đã rà soát tình hình thực hiện “Quy hoạch tổng thể về Phát triển kinh tế - xã hội khu vực Campuchia - Lào - Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”; thảo luận định hướng hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt là việc tăng cường kết nối kinh tế giữa ba nước. Đây cũng là lần đầu tiên Lãnh đạo cấp cao các tổ chức quốc tế Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới và ASEAN tham dự Hội nghị Cấp cao Campuchia -Lào - Việt Nam. 

Hội nghị Cấp cao CLV 10 ghi nhận những tiến bộ trong hợp tác giữa ba nước đã đạt được trên nhiều lĩnh vực từ hạ tầng cơ sở đến tạo thuận lợi cho thương mại; nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác CLV trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước, giúp 13 tỉnh khu vực biên giới thu hẹp khoảng cách phát triển. 

Tại Hội nghị, các Nhà Lãnh đạo khẳng định cam kết thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện giữa ba quốc gia, góp phần xây dựng các nền kinh tế CLV hội nhập, bền vững, thịnh vượng và là một bộ phận không thể thiếu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường kết nối giữa ba nền kinh tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, ứng phó với các thách thức chung. 

Hội nghị đã thảo luận về việc mở rộng hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV và nhất trí giao cho các Bộ trưởng và các chuyên gia nghiên cứu về vấn đề này. Để khởi động quá trình này, các Nhà Lãnh đạo đã thông qua Kế hoạch tổng thể về kết nối ba nền kinh tế CLV đến năm 2030. Kế hoạch hợp tác bao gồm những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác kết nối về hạ tầng cơ sở, kết nối về thể chế và kinh tế, và giao lưu nhân dân. 

Tam giác phát triển khu vực biên giới Việt Nam, Lào và Campuchia được Thủ tướng ba nước quyết định thành lập năm 1999, gồm 10 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông (Việt Nam); Sekong, Attapeu, Saravan (Lào) và Stung Treng, Rattanak Kiri, Mondul Kiri (Campuchia). Năm 2009, ba nước nhất trí bổ sung tỉnh Bình Phước (Việt Nam), tỉnh Kratie (Campuchia) và tỉnh Champasak (Lào) vào tam giác phát triển khu vực biên giới Việt Nam, Lào và Campuchia. 

Mục tiêu của việc hình thành tam giác phát triển khu vực biên giới Việt Nam, Lào và Campuchia là tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Hợp tác tam giác phát triển khu vực biên giới Việt Nam, Lào và Campuchia tập trung vào các lĩnh vực: an ninh – đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường… 

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị GMS 6 và CLV 10 tiếp tục khẳng định vị thế ngày càng cao của đất nước, đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam đối với các cơ chế hợp tác liên kết khu vực... 

Nguyễn Hồng Điệp/TTXVN