Cuộc đối đầu giữa Nga và các nước phương Tây dường như đang trở thành khủng hoảng ngoại giao đầy kích động khi hai bên "ăn miếng trả miếng" nhau bằng cách trục xuất số lượng lớn các nhà ngoại giao mỗi bên.


Căng thẳng Nga-EU leo thang vì vụ bê bối đầu độc cựu điệp viên. Ảnh: Russia Briefing News


Việc hơn 20 nước phương Tây đồng loạt trục xuất khoảng 150 nhà ngoại giao Nga thời gian qua cuối cùng cũng vượt quá sức chịu đựng của Nga. Moskva đã đáp trả bằng những biện pháp tương tự nhằm vào các cán bộ ngoại giao từ những nước này, trong một cú đấm khiến căng thẳng vốn đã tồn tại lâu nay giữa đôi bên càng thêm trầm trọng.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt không ngừng gia tăng, Nga và phương Tây được cho là sẽ tiếp tục hành động đối đầu ngoại giao và thậm chí còn lan sang cả các lĩnh vực khác, gây thiệt hại nhiều hơn cho đôi bên trong tương lai gần. 

Cuộc chiến ngoại giao còn tiếp diễn
 
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây đã khiến những trừng phạt ngoại giao giữa đôi bên càng thêm trầm trọng. Hồi giữa tháng 3, Anh đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga xung quanh vụ đầu độc một cựu điệp viên hai mang người Nga. Ngay sau động thái của London, hơn 20 nước khác, trong đó có Mỹ, cũng quyết định trục xuất các nhân viên ngoại giao Nga. 

Trong bối cảnh bị phương Tây đồng loạt lên án kịch liệt, Nga đã nhanh chóng có đòn đáp trả đanh thép. Sau khi tuyên bố trục xuất nhân viên ngoại giao của Anh và Mỹ, đóng cửa tòa tổng lãnh sự Mỹ tại St. Peterburg, Moskva tiếp tục công bố trục xuất một số lượng nhân viên ngoại giao tương ứng với số “nhà ngoại giao không được chính phủ nước sở tại chấp nhận” từ 23 nước.
 
Dưới sức nóng của “cuộc chạy đua trục xuất”, không ai trong hai bên cho thấy dấu hiệu kiềm chế. Các lệnh trừng phạt lẫn nhau dường như trở thành chủ đạo trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây thời gian qua. Viktor Olevich, nghiên cứu sinh kỳ cựu tại viện nghiên cứu phi lợi nhuận Trung Tâm Chính trị Đương đại tại Nga, nhận định: “Cuộc chiến ngoại giao do Mỹ khởi xướng chưa kết thúc và trong những tháng tới chúng ta sẽ chứng kiến vòng tiếp theo của nó với những bước đi mới của Mỹ và sự đáp trả của Nga”.

Các lệnh trừng phạt kinh tế đã sẵn sàng 
Mặc dù nghi vấn xoay quanh vụ đầu độc điệp viên nói trên vẫn chưa có lời giải, song mục tiêu củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương đã đạt được. Thực tế, một số nước châu Âu, vốn bắt đầu nghi ngờ về sự cần thiết của việc tiếp tục chính sách chống Nga, hiện cũng đã gia nhập xu hướng đối đầu với Nga của Anh-Mỹ”. 

Giới phân tích tin rằng điều này đang đi theo đúng hướng mà Mỹ mong muốn, bởi Washington vốn coi Nga là một trong những mối đe dọa lớn nhất và vì vậy muốn Nga phải chịu thêm nhiều trừng phạt. 

Valery Solovei, chuyên gia chính trị học tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moskva, cho rằng các nước phương Tây có thể đã bắt đầu xem xét việc cùng áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế như là cấm vận dầu mỏ, cấm hoàn toàn việc mua nợ công của Nga và cấm các giao dịch kỹ thuật, những biện pháp có thể gây ra “sự tổn hại không thể bù đắp được”. Theo ông Olevich, về phần mình, Moskva cũng có hàng loạt lựa chọn tương đối nhạy cảm với phương Tây. Những mục tiêu khả thi bao gồm các công ty Mỹ tại Nga và các khoản đầu tư vào chứng khoán Nga của một số liên minh thương mại tại các bang của Mỹ. Tiếp đó, dầu mỏ và khí đốt luôn là công cụ hữu hiệu của Nga để gây áp lực lên các nước châu Âu.

Chuyên gia nhận định: “Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman đã công bố khả năng áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mới chống Nga, bao gồm các biện pháp nhằm vào các tài sản của Nga. Trong trường hợp này, Nga được cho là sẽ có những đáp trả cân xứng”. 

Dư địa cho đối thoại 

Hầu hết dư luận đều cho rằng căng thẳng giữa Nga và phương Tây sẽ không được xoa dịu trong thời gian ngắn. Ông Solovei nói: “Các mối quan hệ của chúng ta ngày càng xấu đi. Nó giống như một cỗ xe đang lao dốc… Cần phải tiến hành những nỗ lực phi thường để ngăn chặn nó, song chưa ai có thể làm điều này”.
 
Tuy nhiên, quan hệ Nga-phương Tây không phải hoàn toàn tuyệt vọng. Trong những năm gần đây, châu Âu đã bắt đầu suy nghĩ khác về việc áp đặt trừng phạt với Nga, khi một số lãnh đạo trong chính giới cho rằng trừng phạt đi ngược lại lợi ích quốc gia và người dân của mình. Thực tế, một số nước châu Âu đã bắt đầu thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ với Mosva. Đức đã bày tỏ sự sẵn sàng nối lại đối thoại với Nga và tái xây dựng lòng tin song phương. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng xác nhận rằng ông muốn đến thăm Nga vào tháng 5 tới. Một số nước khác thậm chí còn cho biết họ sẽ cho phép Nga điều các nhà ngoại giao khác đến nước sở tại thay vì trục xuất họ. 

Mặt khác, vẫn còn không gian cho sự hợp tác giữa Nga và các nước phương Tây trong một loạt vấn đề cấp bách trên bình diện quốc tế, chẳng hạn như các cuộc đàm phán hòa bình Syria. Maxim Bratersky, giảng viên của Trường Kinh tế thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc gia, nhận định: “Rõ ràng là cần phải duy trì các mối quan hệ quốc tế để tình hình hiện nay không rơi vào tình trạng khốc liệt… Điều hẳn là điều hợp lý trong các chính sách ngoại giao, kể cả trong bối cảnh hiện tại. Sau tất cả, ngoài việc gây áp lực mạnh mẽ, phương Tây nói chung gần như vẫn chưa có giải pháp nào vào lúc này”.

Theo Báo Tin tức/TTXVN