Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn (4/4): Huy động nhiều nguồn lực khắc phục bom, mìn, vật nổ
Cập nhật ngày: 04/04/2018 15:26

Chiến tranh tuy đã lùi xa, dân tộc Việt Nam đang được sống trong hòa bình, hạnh phúc, nhưng đây đó vẫn còn những mảnh đời bất hạnh, tật nguyền, vẫn còn những người thiệt mạng do bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra. Vì vậy, việc chung tay khắc phục, ngăn chặn hậu quả từ bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh phải đẩy nhanh tiến độ và cần nhiều nguồn lực.

Những con số đầy trăn trở

Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước còn khoảng 800.000 tấn bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh. Số vật nổ này nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, với khoảng 20% diện tích bị ô nhiễm, tương đương với hơn 6 triệu héc-ta. Diện tích còn nhiều bom, mìn, vật nổ là gần 1 triệu héc-ta; diện tích còn rải rác bom, mìn, vật nổ là hơn 5 triệu héc-ta. Trong đó, tổng số diện tích đất canh tác hiện phải bỏ hoang do còn nhiều bom, mìn, vật nổ chưa nổ là gần 436.000ha. Mặc dù Đảng, Nhà nước ta hằng năm đã chi hàng nghìn tỷ đồng phục vụ công tác rà phá, tháo gỡ bom, mìn làm sạch đất đai, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bom, mìn... nhưng từ năm 1975 đến nay, vẫn có hơn 104.000 người thiệt mạng và bị thương do bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh. Theo Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bomicen), Binh chủng Công binh thì hiện nay các tỉnh, thành phố khu vực bắc miền Trung là khu vực có độ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ cao nhất. Trên địa bàn này nhiều xã có mức độ ô nhiễm lên tới 75-100%.

 


Bộ đội Công binh Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn đưa bom đi hủy nổ. Ảnh tư liệu

Tình trạng ô nhiễm bom, mìn, vật nổ hiện nay đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của hàng chục triệu người dân, ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội của tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ô nhiễm bom, mìn, vật nổ vừa gây thiệt hại về người và của, vừa kìm hãm sự phát triển trong sản xuất kinh tế, đồng thời gây ra những hệ lụy lớn trong xã hội. Vì vậy, việc huy động các nguồn lực để tập trung khắc phục tình trạng ô nhiễm bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh là rất cấp thiết. Để làm sạch toàn bộ diện tích đất đai còn ô nhiễm bom, mìn đòi hỏi phải có một nguồn kinh phí lớn, tương đương khoảng 10 tỷ đô-la Mỹ (hơn 220.000 tỷ đồng). 

Cần sự vào cuộc của cộng đồng quốc tế

Theo tính toán của các nhà khoa học thì với tốc độ rà phá như hiện nay, Việt Nam phải mất hơn 200 năm nữa mới có thể khắc phục xong tình trạng ô nhiễm bom, mìn, vật nổ. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ khắc phục bom, mìn, vật nổ, ngoài sự cố gắng, nỗ lực mang tính chủ động cao của Chính phủ Việt Nam thì rất cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực, thiết thực của những tổ chức, bạn bè quốc tế.

Từ sau khi Chính phủ Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025”, việc khắc phục hậu quả bom, mìn ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác rà phá đã được đẩy nhanh về mặt tiến độ. Hiện nay, ở nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động xác định rõ khoản chi ngân sách hằng năm để phục vụ việc rà phá bom, mìn giải phóng đất đai. Lực lượng rà phá bom, mìn, ngoài bộ đội công binh, một số địa phương như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế... đã tiến hành xã hội hóa hoạt động này với các tổ chức, lực lượng khá chuyên nghiệp. Từ năm 1990 đến nay, đã có một số quốc gia và hơn 40 tổ chức phi chính phủ tài trợ cho chương trình khắc phục bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam như: Na Uy, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam; tổ chức Đoàn kết quốc tế; Tổ chức nhân đạo Golden West v.v.. Nguồn kinh phí từ bạn bè quốc tế hỗ trợ cho Việt Nam đã được sử dụng hiệu quả vào việc đẩy nhanh tiến độ rà phá bom, mìn, khắc phục hậu quả môi trường, hỗ trợ nạn nhân bom, mìn tái hòa nhập, tái định cư v.v.. Trong lần giao lưu về khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho rằng: “Cần phải củng cố và mở rộng đối tác để giải quyết thách thức này một cách bền vững. Đồng thời phải có hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ về bom, mìn để phổ biến tới người dân. Người dân cần phải được giáo dục, hướng dẫn cách phòng, tránh bom, mìn để giảm rủi ro. Bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh chỉ có thể được giải quyết với sự tham gia của các nhà tài trợ, các đối tác phát triển và các bên liên quan khác của Chính phủ Việt Nam...”.

Sự chủ động của Đảng, Nhà nước và mỗi người dân Việt Nam trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh là yếu tố, điều kiện tiên quyết để làm sạch bom, mìn, vật nổ trên đất nước ta. Trong hành trình đó, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế bằng cả vật chất và tinh thần để sớm hoàn thành Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. 

TRẦN TUẤN/QĐND