Ngày 6-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 tại 63 điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Đại biểu tham dự Hội nghị có: Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong; Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh và hơn 20 đại biểu các Bộ, ngành trung ương tại điểm cầu chính Hà Nội; sự tham dự của Bí thư, chủ tịch UBND tỉnh tại 63 điểm cầu.

Cần sự thay đổi từ nhận thức

Đây là sự kiện thường niên quan trọng của ngành Giáo dục, nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của năm học trước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ triển khai cho năm học tiếp theo.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2018-2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là năm cả nước bứt phá thực hiện Nghị quyết đại hội 12 của Đảng.

Bên cạnh những thời cơ thuận lợi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận ngành giáo dục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có nhiều vấn đề đã tồn tại từ lâu, dư luận bức xúc nhưng chưa được giải quyết triệt để.


Nhiều đại biểu Quốc hội, đại biểu là nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Hiệu trưởng các Đại học, trường Đại học, Hiệu trưởng trường THPT, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục… dự hội nghị.

Xác định năm học 2019-2020 toàn ngành tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GDĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc. Trong đó, tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học; giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đổi mới tự chủ đại học; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu, tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phát biểu, thảo luận làm rõ những kết quả nổi bật trong năm học vừa qua, cũng như những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, trong đó làm rõ trách nhiệm của Bộ GDĐT, các bộ ngành và địa phương. Từ đó, tư vấn, góp ý để ngành Giáo dục thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ đặt ra trong năm học mới 2019 - 2020.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, một số địa phương quy hoạch, phát triển trường học còn chậm, nhất là khu công nghiệp. Vấn đề đội ngũ giáo viên vẫn còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, dẫn tới bất cập trong điều hành quản lý.

Bên cạnh đó, chính sách đội ngũ giáo viên còn chưa thực hiện được như thang bảng lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, chế độ phụ cấp cho nhà giáo…

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, tới đây, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT để báo cáo Chính phủ quan tâm đến xây dựng thể chế nhằm thu hút đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng. Đồng thời, có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đồng thời đổi mới phương thức, chương trình bồi dưỡng; việc tuyển dụng cần thực hiện công khai, minh bạch.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.

Tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đề xuất các giải pháp về chương trình đào tạo; tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên; tăng cường công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng đào tạo, đẩy mạnh việc tham gia xếp hạng ĐH khu vực và quốc tế. Đồng thời đề xuất các kiến nghị đối với Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan về việc thay đổi cơ chế, phương thức đầu tư cho GD ĐH, duy trì việc thực hiện các chương trình chất lượng cao theo Thông tư 23, thực hiện tốt việc phân luồng từ THCS...Cùng với đó, thường xuyên thực hiện việc theo dõi, tiếp nhận phản hồi của sinh viên sau tốt nghiệp để trên cơ sở đó thực hiện cải tiến, cập nhật chương trình đào tạo của mình.

Về vấn đề đội ngũ giáo viên, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương cho biết: Tới đây, Hải Dương giảm 30 xã, đồng nghĩa với việc số trường học cũng giảm. Do vậy, bài toán trường công lập giảm, nhưng đội ngũ giáo viên tiếp tục tăng cần đặt ra tổng thể để có cơ chế, chính sách huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT. Ông Nguyễn Mạnh Hiển cũng đề nghị nghiên cứu có chính sách đặc thù cho địa phương có nhiều khu công nghiệp, di dân cơ học.

Tại điểm cầu Hà Nội, ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Thành phố đã đầu tư 70 trường học mới với kinh phí hơn 5.000 tỉ đồng; tập trung xây trường chuẩn quốc gia, coi đây là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Lãnh đạo TP Hà Nội cũng kiến nghị với Bộ GD&ĐT một số vấn đề liên quan đến quy hoạch mạng lưới trường học, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, xây dựng cơ chế hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.


Các đại biểu tham dự hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng sự thành công đổi mới giáo dục là cần thay đổi nhận thức, phương pháp và cách thức quản lý giáo dục. Quản lý lỗi thời sẽ là vòng kim cô hạn chế sự sáng tạo của các thầy cô.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có định chuẩn về chức danh đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, từ đó có các chương trình bồi dưỡng hiệu quả. Cùng với đó, công bố cụ thể số liệu thừa, thiếu giáo viên để xã hội, người học biết. Khi thấy tương lai có việc làm, học sinh giỏi sẽ vào sư phạm.

Với Chính phủ, ông Minh kiến nghị cần sớm cấu trúc lại hệ thống các trường sư phạm, để đầu tư hiệu quả. Sắp xếp cần tạo ra các phân khúc: Trường chủ lực, trường địa phương, kết nối để tận dụng hệ thống các trường cao đẳng để thực hiện bồi dưỡng giáo viên trong tương lai.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Mọi đổi mới phải có lộ trình, không thể nóng vội và cần sự chung tay của toàn xã hội. Một mặt là phát huy giá trị dân tộc, nhưng cũng cần tiếp cận tiên tiến của thế giới.

Đối với giáo dục phổ thông, cần bảo đảm đủ giáo viên, đủ lớp học và trường học gần nhà để học sinh được học 2 buổi/ngày. Nhà nước lo chung, còn giáo dục chất lượng cao cần xã hội hóa, không nên cào bằng.


Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trường học phổ thông không chỉ là thiết chế đơn thuần mà là thiết chế cộng đồng. Cần nhìn nhận đúng và tin tưởng vào Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.

Năm học mới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, ngành Giáo dục cần quan tâm đến dạy người. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; giảm áp lực hành chính cho giáo viên, xem lại các chuẩn, tiêu chuẩn giáo viên.

Cùng với đó, cần giải quyết một số vấn đề liên quan đến hệ thống sư phạm và giáo viên. Địa phương có trách nhiệm đặt hàng các trường sư phạm đào tạo giáo viên. Đồng thời quan tâm đến bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên. Đối với đại học cần, chuyển đại học sang cơ chế tự chủ.

Kiên quyết với các trường chất lượng thấp

Sau khi lắng nghe các ý kiến thẳng thắn của các đại biểu theo từng nhóm vấn đề, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra một số giải pháp lớn, trong đó có việc địa phương phải rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, nhất là hệ thống các trường mầm non, phổ thông, tạo điều kiện cho con em và người dân. Địa phương phải bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu có lộ trình kiên quyết với các trường chất lượng thấp.

Cùng với đó, đẩy mạnh sắp xếp các trường sư phạm, tập trung vào các trường sư phạm trọng điểm; các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho địa phương. Trường sư phạm phải đào tạo ra nhà giáo dục, không phải là thợ dạy.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn để đảm bảo chất lượng và các điều kiện cho phát triển. Phải có lộ trình kiên quyết với các trường chất lượng thấp. “Bộ GD&ĐT cần trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở giáo dục ĐH kém chất lượng kéo dài; kiểm tra và dừng đào tạo các ngành đào tạo kém chất lượng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh”, Thủ tướng yêu cầu.

Về giáo viên, Thủ tướng yêu cầu địa phương phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ hiện nay. Có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục rà soát tinh gọn hiệu quả đội ngũ phục vụ tại các trường học.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của gia đình – nhà trường và xã hội về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên. Trong đó nhà trường đóng vai trò trung tâm. Thủ tướng đồng thời đưa ra yêu cầu cụ thể cho các bộ, ban, ngành đoàn thể liên quan nhằm làm tốt vấn đề này.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh giải pháp tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tự chủ đại học, trong đó có vấn đề hội đồng trường; nghiên cứu cơ chế thí điểm trường mầm non, phổ thông có điều kiện thực hiện tự chủ chi thường xuyên, trong đó lưu ý không phải vì tự chủ mà bị thị trường chi phối, bỏ qua các nguyên lý giáo dục mà Đảng, Nhà nước, Bác Hồ đã đưa ra; quan tâm đến giáo dục miền núi, phát huy vai trò của các hội khuyến học…

QĐND