Theo TS.BS Phạm Thuý Hường - Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, BV Nội tiết Trung ương, người mắc bệnh ĐTĐ thường có hội chứng “4 nhiều”: tiểu nhiều, ăn nhiều, uống nước nhiều, gầy sút cân nhiều. Tuy nhiên khi có hội chứng “4 nhiều” đã là bệnh muộn, do đó người dân cần quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ phát hiện sớm bệnh.

TS.BS Phạm Thuý Hường cho biết, đái tháo đường (ĐTĐ) là hiện tượng tăng glucose mạn tính do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động insulin, hoặc cả hai yếu tố trên. Đây là lý do giải thích tại sao có đái tháo đường tuýp 1 hay tuýp 2.

Hiện nay ĐTĐ đang gia tăng, đặc biệt là tại các nước đang phát triển vì lối sống không khoa học, thói quen ăn đồ ăn nhanh, ít vận động… làm gia tăng bệnh ĐTĐ nhanh chóng. Đáng lo là bệnh ĐTĐ ngày càng trẻ hóa gặp ở cả lứa tuổi tiểu học, trẻ 8-9 tuổi đã bị ĐTĐ tuýp 2. Bệnh ĐTĐ nguy hiểm với tất cả mọi người và có thể xảy ra bất cứ khi nào, không chờ đợi ai.

Theo TS. Hường, từ y văn xa xưa có nói, người mắc bệnh ĐTĐ thường có hội chứng “4 nhiều”: tiểu nhiều, ăn nhiều, uống nước nhiều, gầy sút cân nhiều. Tuy nhiên khi có hội chứng “4 nhiều” đã là bệnh muộn vì đây là căn bệnh có diễn biến âm thầm. Do đó, người dân cần quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ, chỉ cần thử đường máu là có thể phát hiện bệnh ĐTĐ sớm nhất.


TS.BS Phạm Thuý Hường.

Ở góc độ y học cổ truyền, PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh – Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho rằng, bệnh ĐTĐ bản chất là chứng bệnh “tiêu khát” trong Đông y, nghĩa là người bệnh khát, sức khỏe cơ thể yếu đi, và cân nặng cơ thể giảm đi. Nguyên nhân chính của căn bệnh này, trong Đông y nói rằng, đây là chứng thuộc tỳ hư: liên quan tới ăn uống; khí hư: lao động quá sức hoặc cố gắng quá mức đối với sức khỏe; thận hư; can hư, hoạt động liên quan tới quá trình sống.

Y văn còn đề cập đến nguyên nhân gây bệnh thất tình: tức là 7 trạng thái tình chí mà nếu quá ngưỡng đều có thể gây bệnh (như vui quá, buồn quá, lo quá, sợ quá,..). Đông y gọi những trạng thái này là 7 thứ tình chí ảnh hưởng tới bệnh cùng với vấn đề ăn uống của người bệnh.

Nhiều biến chứng nặng nề

Chuyên gia nội tiết cho biết, bệnh ĐTĐ có nhiều biến chứng, ĐTĐ tuýp 2 có biến chứng cấp tính và mạn tính. Có biến chứng do hạ huyết áp hoặc tăng đường huyết. Biến chứng do tăng đường huyết gồm: hôn mê do nhiễm toan ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, hoặc hôn mê do tăng acid lactic.

Ngoài ra, còn có biến chứng âm thầm để lại tổn hao không chỉ người bệnh mà còn là gánh nặng cho gia đình. Biến chứng mạn tính lại chia ra: hệ mạch máu nhỏ và lớn. Các biến chứng mạch máu lớn gồm biến chứng mạch máu não gây ra đột quỵ, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, động mạch ngoại biên một phần gây ra vết loét lâu liền...

Biến chứng mạch máu nhỏ có mạch máu võng mạc gây ra nhìn mờ, xuất huyết võng mạc thậm chí gây mù lòa, bệnh vi mạc ở thận, bệnh lý thần kinh ngoại vi bệnh nhân mất cảm giác ở chân, cảm giác tê bì kiến bò hai bàn chân.

Vì ĐTĐ có nhiều biến chứng như vậy nên WHO đưa ra cảnh báo bệnh ĐTĐ là “kẻ giết người thầm lặng” - TS. Hường thông tin.


 PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh.

Để điều trị bệnh ĐTĐ, theo TS. Hường, không chỉ điều trị bằng thuốc mà quan trọng là có sự tư vấn của bác sĩ về chế độ ăn và luyện tập. Kết hợp Đông - Tây y điều trị bệnh ĐTĐ nói riêng và các bệnh khác được Nhà nước khuyến khích và rất quan tâm. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn phải đi khám định kỳ và điều trị theo đúng chỉ định của thầy thuốc.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh cho rằng, việc điều trị ĐTĐ được chia làm nhiều phần: Thứ nhất là dùng thuốc để hạ đường huyết, tức là điều chỉnh đường huyết ở ngưỡng cho phép. Thứ hai là ăn uống, thứ 3 là tập luyện, thứ 4 là sinh hoạt. 4 yếu tố này cần kết hợp chặt chẽ với nhau. Điều quan trọng, bệnh nhân phải có thầy thuốc của riêng mình và tuân thủ điều trị của thầy thuốc.

“Người bệnh ĐTĐ phải hiểu được bản chất của bệnh, ăn như thế nào, kiêng khem ra sao, nhưng không nên từ bỏ hẳn món ăn đó. Ví dụ khi chưa mắc ĐTĐ thì có thể ăn hết cả một cốc chè, nhưng bây giờ chỉ nên ăn 1-2 thìa thôi. Trước đây uống cả ly nước cam đầy nhưng giờ bệnh thì uống 1/3, 1/4 ly nước cam thôi. Ăn cơm thì chỉ ăn mỗi bữa 1 bát thôi chứ không ăn 2-3 bát như trước. Trong ngày bình thường ăn 3 bữa thì có thể chia nhỏ thành 4-5 bữa”- PGS. Cảnh dẫn chứng.

Bên cạnh đó, chuyên gia y học cổ truyền cũng lưu ý đến chế độ sinh hoạt của người bệnh ĐTĐ. Do đây là bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa lipid thứ phát, liên quan đến cả vữa xơ động mạch, tim mạch, thần kinh, mạch máu ngoại biên... nên bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn về sinh hoạt, vận động phù hợp với tình trạng bệnh của mình.


Theo thống kê, tại Việt Nam có tới 3,5 triệu người chung sống với bệnh đái tháo đường. Đái tháo đường hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư.

Nguy hiểm hơn nữa, tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa, rất nhiều người độ tuổi 25-30 mắc đái tháo đường mà không hay biết - thậm chí có những trường hợp trẻ 12, 13 tuổi bị đái tháo đường tuýp 2 đã được ghi nhận.

Căn bệnh này là mối bận tâm của mọi gia đình, gây tốn kém cho bản thân người bệnh và gia đình họ, có thể chiếm tới 1/2 thu nhập của gia đình. Trong khi đó nhiều người mắc đái tháo đường lại không biết mình bị bệnh. Hiện nay chỉ có trên 30% số bệnh nhân đái tháo đường trong độ tuổi từ 18-69 tuổi được chẩn đoán, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán.

 

SK&DS