Chiều 13-8, tiếp tục chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước (QTCNNS) giai đoạn 2013 - 2018”.

Đánh giá về kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về các QTCNNS, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua giám sát cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, việc thành lập và hoạt động của các Quỹ đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đề ra, góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực tài chính trong xã hội thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Thông qua các hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính, thị trường tiền tệ của một số Quỹ đã góp phần đa dạng các hoạt động tài chính của nhà nước, thúc đẩy sự phát triển của các thị trường này. Mặc dù hệ thống văn bản pháp luật còn chưa hoàn toàn thống nhất và rõ ràng, tuy nhiên, về cơ bản, các QTCNNS đã thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Nói về các tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về các QTCNNS, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho biết, nguồn tài chính hình thành các QTCNNS còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước. Theo đó, nguồn thu của một số QTCNNS còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước hoặc có nguồn thu trùng với nguồn thu của ngân sách nhà nước trong khi các nguồn thu khác không đáng kể, chưa phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Tỷ lệ thu so với kế hoạch đạt thấp ở một số Quỹ như: Quỹ bảo trì đường bộ (không thu được đối với xe máy); Quỹ phòng chống thiên tai (chỉ đạt từ 10-40% tùy từng địa phương), có địa phương đã tạm dừng thu phí phòng chống thiên tai (TP Hồ Chí Minh)...


Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Đặc biệt, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các QTCNNS còn trùng lặp, hiệu quả hoạt động chưa cao. Nhiều Quỹ được thành lập có chức năng, nhiệm vụ (có thể toàn bộ hoặc một phần) trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách; một số Quỹ khác có các đối tượng hỗ trợ trùng nhau và trùng với các đối tượng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội. Điều này tạo ra sự thiếu thống nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ cũng như không bảo đảm sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn lực, tăng số lượng tổ chức bộ máy, biên chế, cùng một nhiệm vụ nhưng có quá nhiều đầu mối...

Từ các tồn tại được đánh giá như trên, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải cho rằng, điều này có trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội khi xem xét, ban hành các Luật chuyên ngành đã quy định cho phép thành lập nhiều QTCNNS (19 Luật) nhưng chưa đánh giá được hết những tác động trên nhiều mặt, đồng thời công tác giám sát việc quản lý, sử dụng các QTCNNS chưa được quan tâm; cùng với trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong hai nhóm vấn đề, đó là: Trách nhiệm trong vai trò quản lý nhà nước; trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.

Qua hoạt động giám sát, Đoàn giám sát đề nghị tăng cường quản lý đối với các QTCNNS, đưa hoạt động của các Quỹ đi vào thực chất, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới; tập trung rà soát và sắp xếp lại các QTCNNS, gắn với tăng cường năng lực cho bộ máy quản lý Quỹ để giảm đầu mối, nâng cao tính độc lập và hiệu quả hoạt động của các Quỹ, giảm sự chồng chéo, trùng lặp với ngân sách nhà nước.

Về một số nội dung cụ thể, Đoàn giám sát đề nghị sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội và các Nghị quyết của Trung ương về chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội, mở rộng đối tượng tham gia đối với các Quỹ về an sinh xã hội (Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp).

Cùng với đó, Đoàn giám sát cũng đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để bãi bỏ ngay đối với 6 quỹ, gồm: Quỹ bảo trì đường bộ trung ương, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, Quỹ Phòng chống chống thiên tai.

Có 3 Quỹ được đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để xác định rõ lộ trình bãi bỏ, gồm: Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Đoàn giám sát, thống nhất với các kiến nghị, đề xuất của Đoàn giám sát song cũng đề nghị căn cứ vào Nghị quyết về kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện việc rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các QTCNNS, thực hiện cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các Quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ; không có khả năng độc lập về tài chính, trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với ngân sách nhà nước, để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 5-2020 và trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tăng cường quản lý, sử dụng các QTCNNS.

Phát biểu ý kiến, đánh giá đây là báo cáo giám sát đầy đủ, cụ thể, phân tích kỹ lưỡng, rõ ràng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, qua đây đã cho thấy một bức tranh rõ nét về tình hình hoạt động của các QTCNNS hiện nay. "Cần xem lại, rà soát, đánh giá lại quỹ nào hoạt động tốt, đúng tôn chỉ mục đích, mang lại hiệu quả thì cho tiếp tục phát triển; còn những quỹ nhỏ, hoạt động không rõ mục đích, không hiệu quả, hoặc không hoạt động, thu nhiều-chi ít, tồn kết dư quỹ lớn thì cho dừng lại", Chủ tịch Quốc hội đề nghị. 

Chủ tịch Quốc hội lấy dẫn chứng, thiên tai xảy ra hằng năm thì chúng ta vẫn đóng góp, ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương cũng đóng góp...đã vậy còn tồn tại thêm Quỹ Phòng chống thiên tai có cần thiết không, trong khi theo báo cáo, Quỹ này chi rất ít? "Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành một nghị quyết để đánh giá thực trạng của các QTCNNS, hiệu quả mang lại, kết quả đạt được, và những hạn chế, tồn tại; đồng thời đưa ra những định hướng rà soát, đánh giá từng Quỹ, đề nghị Chính phủ xây dựng một kế hoạch để sắp xếp, sáp nhập hoặc giải thể các Quỹ", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm. 

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu ý kiến rằng nếu cần thiết, Quốc hội có thể ban hành một luật hoặc pháp lệnh để tạo cơ sở pháp lý cho các QTCNNS; và đề nghị, trong khi chờ Quốc hội ban hành một luật hoặc pháp lệnh, trong luật chuyên ngành, không nên quy định cứ ra một luật thì có thêm một quỹ.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Đoàn giám sát phối hợp với Chính phủ tiếp tục rà soát xem để Quỹ nào, bỏ Quỹ nào và giao thời gian cụ thể cho Chính phủ phải hoàn thành việc rà soát ấy. Đồng thời, cần có một văn bản có thể ở tầm pháp lệnh để hình thành, quản lý các Quỹ, nêu rõ ai là người thành lập, ai là người quản lý, các cơ chế nguồn thu như thế nào...

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo thống kê, hiện nay có 48 QTCNNS, trong đó có 28 quỹ trung ương, 20 quỹ địa phương. Các quỹ này phần lớn được thành lập trước năm 2015 khi Luật Ngân sách nhà nước được thi hành. 

Điểm lại một số kết quả của các Quỹ này song Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận những hạn chế của các Quỹ như trong báo cáo Đoàn giám sát đã nêu. Là cơ quan quản lý nhà nước chung, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản để quản lý chặt chẽ các QTCNNS, quy định yêu cầu công khai, minh bạch khi thành lập, có báo cáo hằng năm... Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhất trí với kiến nghị của Đoàn giám sát và các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng trong quá trình thành lập hay bãi bỏ các Quỹ thì sẽ có lộ trình, có kế hoạch cụ thể, bước đi phù hợp. 

QĐND