Độc đáo nón lá của người Nùng ở Cao Bằng
Cập nhật ngày: 19/08/2019 09:09

Trải qua thời gian và đổi thay của đời sống, nón lá của người Nùng ở xã Tự Do (Quảng Uyên, Cao Bằng) vẫn giữ được vẻ đẹp bình dị, mộc mạc như chính con người nơi đây. Không chỉ đơn thuần dùng để che nắng, che mưa, nón lá còn là nét riêng, cái “duyên” của dân tộc. Dù không còn phát triển như trước, nhưng nghề làm nón lá vẫn được người dân địa phương giữ gìn.

Cách đây khoảng 10 năm, nếu có dịp ghé thăm Tự Do có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà con nơi đây ai cũng làm nón, có thời điểm toàn xã có 6 xóm đều có người biết đan nón. Hiện nay, những người đan thường xuyên và bán sản phẩm ra thị trường chỉ khoảng hơn chục hộ, chủ yếu là các cụ ông. 

Đến xóm Cô Coóc, xã Tự Do - nơi hiện vẫn còn lưu giữ nghề làm nón thủ công, bên con đường quanh co dẫn vào làng là cánh đồng lúa xanh mướt, những ngôi nhà mái ngói nằm san sát bên nhau, trước hiên nhà hình ảnh những người nông dân đang cần mẫn làm nón thật yên bình. Ông Nông Văn Lộc, 78 tuổi, xóm Cô Coóc, xã Tự Do là một trong những người trong làng duy trì nghề đan nón thủ công truyền thống, cho biết: Tuổi thơ của ông gắn liền với những chiếc lá, khung nón mà ông bà, cha mẹ đã truyền dạy từ khi còn nhỏ. Ông biết đan từ năm 15 tuổi, đến nay đã gắn bó với công việc này hơn 60 năm. 


Người dân xóm Cô Coóc, xã Tự Do (Quảng Uyên, Cao Bằng) đan nón lá.

Nón lá của dân tộc Nùng rất khác với nón lá dưới xuôi. Không chỉ khác về hình thức mà còn khác về nguyên liệu và cách làm. Để làm ra một chiếc nón hoàn chỉnh cần trải qua nhiều công đoạn và mất khá nhiều thời gian. Nguyên liệu để làm nón gồm: tre, mai,  nứa, lá mai, lá chuối… Đầu tiên là chẻ nan, chẻ mỏng hay dày phụ thuộc vào độ khéo léo của người thợ. Khâu này khá quan trọng bởi nó quyết định đến chất lượng cũng như độ bền của chiếc nón. Tiếp theo là làm khung. Khung nón được đan bằng tre và có hai lớp khung, một lớp ngoài và một lớp trong. Lớp bên ngoài được người thợ đan rất cẩn thận, không để lộ một mấu nối nào ra ngoài. Sau đó, người thợ phải trải đều 2 lớp lá mai, 1 lớp lá chuối bên trong, ép chặt rồi cố định lớp khung thứ hai lên cho nón thêm dày và cứng cáp, tránh mưa ướt. Lá mai không có sẵn nên người thợ làm nón phải đi hái ở rừng hoặc tìm những làng xung quanh có trồng cây mai. 

Lá mai, lá chuối sau khi lấy về đều được bó thành từng bó nhỏ rồi xếp trên gác bếp để hong khô cho đến khi lá ngả màu nâu, không còn giữ nước và có độ dai nhất định. Những chiếc nón lá sau khi được hoàn thành công đoạn cuối cùng cũng tiếp tục được hong khô trên gác bếp giúp cho chiếc nón không bị mối mọt, có độ bền lâu, trời nắng không bị cong vênh, trời mưa không bị thấm nước. Cũng chính vì sự cẩn thận, tỉ mỉ, kỳ công như vậy mà chiếc nón lá dân tộc Nùng ngày càng ít người biết làm, chỉ có các cụ cao tuổi vẫn tranh thủ lúc rảnh rỗi lại cùng nhau ngồi đan nón. 

Ngày nay, việc đan nón cũng trở nên mai một, dù không còn là nghề được ưu tiên lựa chọn nhưng vẫn còn những người đang âm thầm tỉ mỉ, khéo léo vì nhiệt huyết với nghề và vì muốn níu giữ cái nghề làm nên nét đặc sắc của người Nùng. Mong rằng, những tâm huyết ấy được thế hệ trẻ kế thừa, để từ đó không chỉ nón lá của người Nùng mà nhiều nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc được tồn tại và phát triển. 

 

 

HÀ THU