Người gìn giữ làn điệu quan họ cổ
Cập nhật ngày: 09/09/2019 16:12

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hát quan họ, nghệ nhân Hoắc Công Chờ (sinh năm 1936), thôn Trung Đồng, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang được nuôi lớn bằng những câu quan họ cổ. Hằng ngày, ông Chờ vẫn sớm, tối cặm cụi sưu tầm, truyền dạy nghệ thuật hát quan họ cổ ca cha ông cho thế hệ trẻ mai sau…

Về thôn Trung Đồng - một ngôi làng cổ còn bảo tồn khá nguyên vẹn loại hình nghệ thuật cổ xứ Kinh Bắc xưa kia, chúng tôi đến thăm nghệ nhân Hoắc Công Chờ. Năm nay đã 83 tuổi nhưng nghệ nhân Hoắc Công Chờ vẫn miệt mài với câu quan họ, ông cùng với các thành viên trong câu lạc bộ (CLB) hát quan họ của thôn, xã thường xuyên đi biểu diễn khắp nơi, gần thì ở các cửa đình của các làng, thôn, xa hơn nữa thì các xã, huyện lân cận. Đồng thời còn tham gia biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đón các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước. 

Trong căn nhà nhỏ hai gian lợp mái ngói vảy cá đã cũ, nghệ nhân Hoắc Công Chờ, hào hứng kể: “Trước đây, thôn Trung Đồng là một trong những làng cổ nhất cùng với các làng quan họ của tỉnh Bắc Ninh. Sau này, thôn Trung Đồng  của vùng Việt Yên sáp nhập vào tỉnh Bắc Giang. Tuổi thơ tôi gắn liền với những câu hát, lời ru của ông bà, cha mẹ trong những buổi chơi quan họ, theo bà, theo mẹ ra đồng cũng ca quan họ. Cứ thế chất quan họ ngày càng ngấm dần, ăn sâu vào tiềm thức và trở thành niềm đam mê ca hát tự lúc nào, để đến sau này, tình yêu, niềm đam mê đó cứ lớn dần, trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống.”
Hát quan họ là một loại hình nghệ thuật bác học, rất chỉn chu và nghiêm túc. Khi xưa có các phường quan họ, các liền anh, liền chị khi tham gia hát phải tuân thủ theo nhiều hình thức lễ, nghĩa, và đặc biệt phải hiểu và “thấm” các quy ước trong khi hát. Bốn tiêu chí để hát quan họ hay đó là phải biết lấy hơi, nhả chữ, luyến láy theo quy tắc “vang, rền, nền, nảy”. Chẳng thế mà loại hình nghệ thuật này được coi là loại hình nghệ thuật giàu chất khoa học, nhân văn.  Không chỉ biết lấy hơi, nhả lấy chữ, người quan họ còn phải biết đối đáp sao cho hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải có lòng say mê đối với quan họ và không ngừng tìm tòi, luyện tập. 

Trải qua những biến thiên thăng trầm của thời cuộc, khi mà người người mải lo làm kinh tế, những câu quan họ đang dần mai một đi. Năm 2006, nghệ nhân Hoắc Công Chờ đã tập hợp những người biết hát quan họ ở thôn, xã thành lập CLB Quan họ Trung Đồng. Đến nay, CLB có 40 người, được duy trì và sinh hoạt đều đặn. Khoảng 1 tuần một lần, các thành viên ngồi lại với nhau để tập hát, bàn bạc công việc chuẩn bị cho các lễ hội, các cuộc thi hát và dạy hát cho mọi người. Đặc biệt vào tối ngày rằm, mồng một tại nhà một số thành viên trong CLB sẽ tổ chức những canh hát quan họ cổ thâu đêm. Đây là dịp để các liền anh liền, liền chị giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và hát giao duyên. 


Nghệ nhân Hoắc Công Chờ bên phải (đeo kính) cùng các thành viên CLB hát quan họ thôn Trung Đồng.

Hiện nay, nghệ nhân Hoắc Công Chờ còn lưu giữ được hơn 100 làn điệu quan họ cổ như mời trầu, mời nước, hát hội, giã bạn, hát chơi, hát đi lính… Các làn điệu, bài hát quan họ cổ này được ông sao chép ra nhiều quyển sách và phát tài liệu cho các cháu học sinh trong làng hay những người say mê hát quan họ trong CLB. Ông Chờ cho biết: “Những lúc nông nhàn, tôi và nhiều cụ già trong thôn thường xuyên đến từng nhà các em, các cháu vừa nói chuyện về các làn điệu quan họ vừa dạy hát. Chính từ tâm huyết của các cụ cao tuổi mà nhiều người ở thôn, xã khác cũng đến để được tôi truyền dạy hát quan họ. Các làn điệu quan họ cổ có ca từ rất khó, bác học. Nếu như người nào không chịu khó và có niềm đam mê thực sự thì rất khó theo đuổi được”.

Em Nguyễn Văn Tiến, 13 tuổi, học trò quan họ của nghệ nhân Chờ cho biết: “Em rất thích hát quan họ. Ngay từ nhỏ em đã được mẹ đưa đến nhà cụ Chờ để học các làn điệu quan họ. Chúng em không chỉ được học hát quan họ, các lề lối canh hát mà còn được cụ dạy về lịch sử, văn hóa làng quê”.

Cả đời sống với quan họ, nghệ nhân Chờ mong muốn có thể truyền dạy hết vốn liếng quan họ cho thế hệ con cháu. Ghi nhận những đóng góp của nghệ nhân Hoắc Công Chờ trong bảo tồn và phát huy giá trị dân ca quan họ, ông đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen. Tháng 1-2016, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và mới đây, dịp tháng 3-2019, ông Chờ là 1 trong 2 nghệ nhân ưu tú của tỉnh Bắc Giang được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”. 
 

Bài và ảnh: LONG VŨ