Chiều 18/9, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Chánh, Chánh Văn phòng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Định, 9 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự; đồng thời buộc Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Định bồi thường hơn 55 tỷ đồng cho hai doanh nghiệp tư nhân.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho thấy, theo bản án số 08/2014/DSPT ngày 29/9/2014 của Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Định, ông Lê Viết Chín, chủ Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi (Gia Lai) có nghĩa vụ trả cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Phát (Bình Định) số tiền hơn 19,24 tỷ đồng. Sau khi có đơn yêu cầu thi hành án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Phát, ngày 9/10/2014, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định ký Quyết định số 01/QĐ-CTHA cho thi hành khoản bồi thường theo nội dung bán ản đã có hiệu lực pháp luật. Ông Nguyễn Văn Chánh, chấp hành viên sơ cấp được phân công trực tiếp tổ chức thi hành án vụ việc này. 


Bị cáo Nguyễn Văn Chánh (Chánh Văn phòng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Định) tại phiên tòa sơ thẩm.

Ngày 5/11/2014, ông Chánh lập biên bản tạm giữ, niêm phong 1.538 tấn sắn mì lát là tài sản của Doanh nghiệp tư nhân Huy Phương (Gia Lai) gửi trong kho của Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi. Sau đó, Chánh đã mặc nhiên công nhận số sắn lát này thuộc sở hữu của Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi và không tiến hành xem xét tài liệu do đương sự cung cấp, vi phạm khoản 3 Điều 68 Luật Thi hành án dân sự 2008.

Sau khi bị tạm giữ, niêm phong tài sản, Doanh nghiệp Huy Phương đã gửi đơn kiến nghị và cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh là chủ sở hữu số tài sản đó nhưng Chánh không xem xét và cũng không có thao tác nghiệp vụ để xác minh quyền sở hữu đối với tài sản đó. Hành vi thiếu trách nhiệm của Chánh đã trực tiếp dẫn đến việc số sắn lát bị tạm giữ lâu ngày sụt giảm về chất lượng và số lượng, gây thiệt hại cho Doanh nghiệp Huy Phương với số tiền hơn 5,65 tỷ đồng.

Trong quá trình tổ chức thi hành án theo Quyết định số 01/QĐ-CTHA của Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Định, Nguyễn Văn Chánh tiếp tục thiếu trách nhiệm trong việc xác minh sổ sách kế toán, không xác minh đầy đủ tài khoản của Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi cũng như của vợ chồng ông Lê Viết Chín tại các ngân hàng có liên quan để thực hiện thi hành án dân sự theo quy định.

Hành vi thiếu trách nhiệm trên dẫn đến việc Chánh không biết bên trong nhà xưởng (kho) của Doanh nghiệp Phú Lợi tại Khu Công nghiệp Long Mỹ (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đang chứa 25.728,9 tấn sắn lát và gần 33,4 tấn hạt ươi là tài sản không thuộc diện bị kê biên. Khi cưỡng chế kê biên, Chánh đã không mở khóa kho hàng mà niêm phong ngay cổng ra vào, không thực hiện đúng theo kế hoạch tổ chức cưỡng chế kê biên đã ban hành trước đó, vi phạm Điều 93 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014. Vì vậy, Doanh nghiệp Phú Lợi đã phải chịu thiệt hại với số tiền 49,437 tỷ đồng do không thể xuất được số hàng hóa là sắn lát và hạt ươi để thực hiện hợp đồng với các đối tác.

Doanh nghiệp Huy Phương có văn bản đề nghị Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Định bồi thường thiệt hại 9,89 tỷ đồng; doanh nghiệp Phú Lợi yêu cầu bồi thường thiệt hại 76 tỷ đồng do hành vi phạm pháp luật của Chánh gây ra. 

Tại tòa, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình Định đề nghị Hội đồng xét xử, tuyên phạt Nguyễn Văn Chánh từ 10-12 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; đồng thời tuyên buộc Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Định bồi thường thiệt hại cho hai doanh nghiệp theo đúng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.

Bị cáo Nguyễn Văn Chánh cho rằng, bản thân thực hành theo đúng quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 và một mực không nhận tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như cáo buộc của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Các luật sư bào chữa cho bị cáo cũng đều cho rằng, ông Chánh đã thực hiện đúng quy định, các bằng chứng cáo buộc ông Chánh phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là không có căn cứ, bằng chứng chưa rõ ràng, không thuyết phục. Luật sư bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ, điều tra bổ sung.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định nhận định: Nguyễn Văn Chánh là chấp hành viên của Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Định, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã không thực hiện đầy đủ, không đúng trách nhiệm của chấp hành viên theo quy định của pháp luật, không tiến hành xác minh tài sản khi thi hành án nên lập các biên bản tạm giữ tài sản sai là số sắn lát của Doanh nghiệp Huy Phương, gây thiệt hại cho doanh nghiệp này là hơn 5,65 tỷ đồng.

Sau đó, để tiếp tục thi hành án theo Quyết định số 01/QĐ-CTHA, Nguyễn Văn Chánh cũng đã không xác minh sổ sách kế toán, không xác minh số dư tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp bị kê biên; niêm phong nhưng không mở kho để kiểm tra nên không biết được bên trong kho chứa những gì. Trong khi đó, thời điểm niêm phong, trong kho có tài sản không thuộc diện bị kê biên, do đó không có biện pháp để di dời những tài sản này ra khỏi khu vực kê biên.

Hành vi của bị cáo Chánh thể hiện sự cẩu thả, chủ quan làm cho Doanh nghiệp Phú Lợi không thể giao hàng cho đối tác theo đúng hợp đồng, điều này dẫn đến tài sản bị suy giảm về số lượng, chất lượng, hư hỏng. Do đó, hành vi của Chánh đã vi phạm Điều 93 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014, gây thiệt hại cho Doanh nghiệp Phú Lợi với số tiền hơn 49,4 tỷ đồng.


Quang cảnh phiên tòa.

Với những nhận định trên, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Chánh 9 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự; đồng thời tuyên buộc Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Định bồi thường cho hai doanh nghiệp tư nhân với tổng số tiền hơn 55 tỷ đồng theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017; trong đó bồi thường cho Doanh nghiệp tư nhân Huy Phương gần 5,67 tỷ đồng; bồi thường cho Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi gần 49,44 tỷ đồng.

TTXVN