Ngày 14-10, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và “Trao giải Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019 bằng hình thức trực tuyến.

Tại điểm cầu Hà Nội, các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì hội thảo.


Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại hội thảo.

Tham dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung Đảng: Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; các đồng chí Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch nước; Trung tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương cùng hơn 500 đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học ở Trung ương, TP Hà Nội và các địa phương.


Các đại biểu tham dự hội thảo.

Hội thảo khoa học “70 năm tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh” là dịp để cấp ủy, chính quyền các cấp nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn nữa Di huấn của Bác về công tác dân vận; về giá trị lý luận, thực tiễn to lớn, vững bền của tác phẩm Dân vận, đồng thời nhìn lại công tác dân vận trong 70 năm qua theo lời căn dặn của Người. Ban tổ chức đã nhận được hơn 30 tham luận của các nhà khoa học, đại diện các cơ quan Đảng, nhà nước, đại diện các địa phương trong cả nước.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Ra đời cách đây 70 năm, tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành cơ sở lý luận, kim chỉ nam cho công tác vận động quần chúng của Đảng. Giá trị lý luận, thực tiễn của tác phẩm thể hiện sinh động, sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách của Bác. Cùng với thời gian, tư tưởng dân vận của Người vẫn nóng hổi tính thời sự, khẳng định sức sống trường tồn, tiếp tục dẫn đường, soi sáng cho công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới.


Các tác giả, đồng tác giả có tác phẩm lọt vào chung khảo Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019.

Các tham luận tập trung làm sáng tỏ các vấn đề: Thứ nhất, tác phẩm Dân vận là sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của nhân dân và tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Thứ hai, tác phẩm kết tinh tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh về công tác dân vận, được cô đúc trong nhiều vấn đề lớn: Về bản chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam - Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nội dung, nhiệm vụ, phương pháp dân vận, nhằm tổ chức, vận động, tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng. Thứ ba, tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc; là cẩm nang cho công tác vận động quần chúng của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị. Đối với công cuộc đổi mới hiện nay, nội dung và giá trị tác phẩm Dân vận vẫn giữ nguyên tính thời sự, là cơ sở lý luận để Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách về công tác dân vận.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng thiết thực, lấy cuộc sống và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân là trọng tâm của công tác dân vận. Tiếp tục thể chế hóa, hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay. Công tác dân vận là một bộ phận trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Coi trọng công tác dân vận của cơ quan nhà nước, nhất là công tác dân vận chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đạo  đức công vụ, cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của nhân dân là mục tiêu hành động. Bên cạnh đó, phải triệt để đổi mới công tác tuyên truyền, giải thích, thuyết phục bằng nhiều hình thức (gặp gỡ trực tiếp, qua báo chí, mạng xã hội…), để nhân dân hiểu về tình hình đất nước, tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thấy rõ lợi ích các dự án, công trình kinh tế-xã hội đem lại cho dân, cho nước..

Để làm tốt hơn nữa công tác dân vận, đồng chí Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu, cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, phải trọng dân, chân thành với dân, gần dân, sát dân, vui buồn cùng dân, có trách nhiệm với dân; luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết. Đặc biệt, để tổ chức Đại đội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, các cấp ủy đảng, chính quyền phải giải quyết dứt điểm, triệt để những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm.

Trong khuôn khổ hội thảo, Ban Dân vận Trung ương và Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp trao giải Cuộc thi viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019. Với hơn 1.120 tác phẩm gửi về tham dự ở 4 loại hình: Báo in, báo điện tử, báo hình, phát thanh (tăng 298 tác phẩm so với năm 2018), ban tổ chức đã lựa chọn 50 tác phẩm có chất lượng, tiêu biểu vào vòng chung khảo, trong đó các đơn vị quân đội có 4 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Nhân dịp này, Ban tổ chức phát động Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2020, gắn với tổng kết cuộc thi giai đoạn 2017-2020.

QĐND